‘Bài giảng cuối cùng’ của giáo sư Randy Pausch
Giáo sư Randy Pausch nổi tiếng thế giới với ‘Bài giảng cuối cùng’ được ông thực hiện trước khi qua đời vài tháng chứa đựng những nội dung sâu sắc.
Giáo sư Randy Pausch được tạp chí TIME bình chọn là một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2007. Sinh ngày 23/10/1960, ông tốt nghiệp ĐH Brown. Sau đó, ông lấy được bằng tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ). Sau khi ra trường, ông giảng dạy tại ĐH Virginia từ năm 1988 – 1997 trước khi chuyển công tác đến dạy học ở ĐH Carnegie Mellon vào năm 1997. Tại đây, ông là giáo sư bộ môn Khoa học Máy tính, Tương tác Người – Máy và bộ môn Thiết kế.
Khi đang có một sự nghiệp thành công và cuộc sống gia đình hạnh phúc bên vợ và 3 người con, cuộc sống của giáo sư Pausch bất ngờ có biến cố lớn khi ông phát hiện có 10 khối u trong gan và mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối.
Sau khi phát hiện bệnh, giáo sư Pausch đã trải qua nhiều đợt hóa trị. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của ông không có chuyển biến tốt. Không buông xuôi, đầu hàng trước số phận, giáo sư Pausch kiên cường chống lại căn bệnh quái ác để có thêm thời gian ở bên những người thân yêu.
“Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó”, giáo sư Pausch bày tỏ sự kiên cường, lạc quan chống chọi bệnh tật.
Đứng trước lằn ranh sinh tử, giáo sư Pausch quyết định thực hiện “Bài giảng cuối cùng” tại ĐH Carnegie Mellon vào ngày 18/9/2007. Theo đó, hơn 400 sinh viên, giảng viên đã có mặt tại giảng đường ĐH Carnegie Mellon để lắng nghe bài giảng của giáo sư Pausch.
Chủ đề bài giảng “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ” của giáo sư Pausch đã gây ấn tượng sâu sắc đối với toàn bộ khán giả có mặt tại đó. Thậm chí, video “Bài giảng cuối cùng” trong hơn 1 tiếng đồng hồ của ông nhận được hơn 10 triệu lượt xem trên YouTube.
Giáo sư Randy Pausch bắt đầu bài giảng với hình ảnh chụp CT lá gan của ông với hơn 10 khối u khác nhau. Vị giáo sư này còn gửi lời xin lỗi những người đang ngồi phía dưới giảng đường nếu như họ lầm tưởng rằng, ông ta đang yếu đuối và chán nản.
Kế đến, ông thực hiện động tác hít đất và giải thích rằng, đây chính là cách ông vượt qua bệnh tật. Không những vậy, ông còn nói đùa với mọi người rằng, ông có thân hình “chuẩn” hơn nhiều người.
Đặc biệt, trong “Bài giảng cuối cùng”, giáo sư Pausch không nói về cái chết. Thay vào đó, ông nói về sự sống. Ông nói về cuộc sống tràn đầy những ước mơ, niềm tin, sự hứng khởi và tình yêu mãnh liệt dành cho những gì mà một người thật sự đam mê, thật sự quý trọng trong cuộc đời.
Thông qua bài giảng này, giáo sư Pausch khiến mọi người nhận thấy bản thân ông luôn lạc quan cho đến cuối cùng. Mặc dù đã ra đi nhưng ông đã để lại cho 3 con cũng như mọi người trên thế giới nghệ thuật sống đáng trân trọng và đáng học hỏi.
Sau khi hoàn thành bài giảng “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ”, giáo sư Pausch viết cuốn tự truyện “Bài giảng cuối cùng”. Trong tác phẩm này, ông đem đến cho độc giả những câu chuyện ngắn gọn chứa đựng những ký ức đáng nhớ trong cuộc đời ông. Đặc biệt, ông cảm thấy bản thân là một người may mắn khi đã sống và thực hiện được những giấc mơ thuở bé của mình.
Theo: Baomoi.com