fbpx

Bài học từ cuộc đời của danh họa bạc mệnh Van Gogh: Hãy làm tốt công việc của mình đến mức không ai có thể phớt lờ tài năng của bạn!

Nếu có một công thức nào cho mối liên hệ giữa tài năng và hạnh phúc, Van Gogh hẳn sẽ sống một cuộc đời viên mãn. Nhưng có lẽ định mệnh đã muốn Van Gogh sống một cuộc đời “đặc biệt” đến tận cùng.

Nhắc đến Van Gogh, người ta nhắc đến một trong những danh họa lớn nhất mọi thời đại, nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và người có ảnh hưởng lớn tới mỹ thuật hiện đại.

Van Gogh cũng đồng thời là nghệ sĩ sở hữu nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và đắt giá nhất thế giới.

Dù chỉ thực sự vẽ tranh trong suốt 10 năm cuối đời, nhưng ông đã để lại hơn 2100 tác phẩm, gồm 860 bức tranh sơn dầu và hơn 1300 bức vẽ, phác thảo và bản in màu nước.

Cuộc đời đầy bi kịch của một thiên tài

Ngay từ khi chào đời, Van Gogh đã được đặt tên theo tên của một người anh đã mất, Vincent Van Gogh – người mà với mẹ ông thì Van Gogh không bao giờ sánh bằng.

11 tuổi, ông đã phải xa gia đình để học tại trường nội trú.

Trong mắt em gái Elizabeth hình ảnh của Van Gogh thời thơ ấu được miêu tả “luôn nghiêm túc thái quá và khó giao tiếp, luôn quanh quẩn trong nhà dưới trạng thái mơ màng và đầu thì cúi thấp”.

Về sau, Van Gogh tự nhắc lại thời niên thiếu của mình như một giai đoạn u tối, lạnh lẽo và cằn cỗi.

Đến tuổi trưởng thành, Van Gogh một lần nữa bị cuộc đời từ chối.

Ông bắt đầu với công việc của một nhân viên bán tranh (theo truyền thống gia đình) rồi làm giáo viên, thậm chí nối nghiệp cha làm truyền giáo tại một vùng mỏ nghèo ở miền Nam nước Bỉ.

Tuy nhiên ông không thành công ở bất kỳ công việc nào. Van Gogh bắt đầu vẽ tranh từ năm 27 tuổi và liên tục cho đến lúc chết ở tuổi 37 nhưng khi còn sống ông chỉ bán duy nhất một bức với giá rẻ như cho.

Gần như cả cuộc đời Van Gogh phải chung sống với nghèo đói và đủ loại bệnh tật: tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng, ngộ độc màu vẽ, động kinh và rối loạn chuyển hóa porphyrine cấp tính… Van Gogh đã nhiều lần phải vào nhà thương điên để chữa bệnh.

Vào đúng ngày 23/12/1888, Vincent van Gogh, đã tự tay cắt bỏ tai của mình với một lưỡi dao cạo trong khi lưu trú tại Arles, Pháp.

Sau đó, ông đã tự họa lại chân dung của mình với một bên tai vẫn còn đang băng bó. Bức họa được đặt tên là Self-Portrait, sau này trở thành một kiệt tác hội họa thế giới, từng được bán đấu giá với mức giá 90 triệu USD.

Van Gogh không có được sự ủng hộ của gia đình và phần lớn làm việc xa nhà. Ở những nơi xa lạ ông đến, không có nhiều người dành tình cảm cho ông.

Thậm chí trong những năm cuối đời, những người hàng xóm còn yêu cầu cảnh sát đóng cửa ngôi nhà của Van Gogh tại Arles.

Cả cuộc đời, những người yêu thương ông có lẽ chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay như em trai Theodorus, người bưu tá già, họa sĩ Gauguin, bác sĩ Gachet…

Cuộc sống này kỳ lạ, nó trìu mến và cũng thật trớ trêu. Đến mức chính Van Gogh cũng chia sẻ: “Tâm tưởng tôi chẳng mấy khi thoải mái, có lẽ do cả cuộc đời tôi chưa bao giờ hưởng một giây phút bình yên.

Tất cả những gì tôi có chỉ là thất vọng cay đắng và điều này bao trùm toàn bộ sự nghiệp sáng tác của tôi”.

Nhưng cuộc sống còn kỳ diệu hơn nữa, khi nếu để ý thật kỹ và thật sâu, bạn có thể thấy thêm rằng dù có khó khăn thế nào, Van Gogh cũng chưa bao giờ ngừng đam mê vẽ tranh.

Tài năng chân chính cuối cùng rồi sẽ tỏa sáng

Ngẫm nghĩ về cuộc đời của Van Gogh dạy cho chúng ta bài học về sự tôn trọng dành cho mỗi con người. Rốt cuộc, vẻ bên ngoài và hành vi của một con người chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Những tài năng, giấc mơ, những ý tưởng khao khát thay đổi thế giới của một nghệ sĩ thiên tài đã bị che giấu và chỉ được công nhận khi ông đã chết. Cuộc đời ông cũng nhắc nhở chúng ta một bài học về sự quyết tâm và hãy làm tốt công việc của mình để không ai có thể phớt lờ bạn.

Với tư cách người nghệ sĩ, nhà sáng tạo hay chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào chúng ta đều phải trau dồi không ngừng. Có thể những nỗ lực của bạn chưa được công nhận hay bạn đang sống như một kẻ vô danh.

Bạn có hai lựa chọn, hoặc là từ bỏ chấp nhận sống âm thầm hoặc là kiên trì theo đuổi và làm tốt tới mức không ai có thể phớt lờ bạn như cách Van Gogh đã làm.

Van Gogh đã trải qua cuộc sống không ai biết tới cho tới khi ông chết.

Thế nhưng sau đó, người đời đã phải nhắc tới ông như một thiên tài hội họa, một người nghệ sĩ tài hoa bởi những tác phẩm mang những thông điệp cuộc sống đầy ẩn ý.

Ông được vinh danh là “Cha của nghệ thuật hiện đại”, trong khi những bức họa của ông luôn ghi nhận đắt giá nhất thời đại.

Nhìn về cuộc đời của Van Gogh, không có nghĩa là bạn sẽ chỉ được công nhận sau khi bạn đã chết. Cuộc đời của người họa sĩ tài hoa bạc mệnh ấy đã nhắc nhở chúng ta rằng: Thiên tài cuối cùng sẽ tỏa sáng.

Việc tốt sẽ được công nhận. Mọi người cuối cùng sẽ nhận ra giá trị của bạn.Vì vậy, hãy làm tốt công việc của mình đến mức không ai có thể phớt lờ tài năng của bạn.

Nguồn: Cafebiz

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh

Bộ sách Thay thói quen - Đổi vận mệnh
                        ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề