“Bạn bị đuổi việc, từ nay ChatGPT sẽ thay bạn”
Đó là viễn cảnh không tưởng nhưng liệu tôi và những người đang làm công việc viết lách làm gì để thay đổi khi ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến?
Trong một bảng xếp hạng công việc mơ ước của người dân tại các nước Đông Nam Á, tại 4 quốc gia bao gồm Philippines, Myanmar, Singapore và Cambodia, người dân lựa chọn công việc mơ ước của mình là “người viết” – writer.
Tôi tự hỏi liệu khi biết rằng công việc đó có khả năng một ngày bị lấn át bởi máy móc, trí thông minh nhân tạo và ngay cả những người trong nghề vẫn đang băn khoăn cho tương lai sự nghiệp, liệu họ có thay đổi ý kiến hay không? Hay vẫn muốn giữ công việc viết lách là nghề nghiệp trong mơ của bản thân?
Sự xuất hiện của ChatGPT trở thành chủ đề lớn được thảo luận trên mạng xã hội, liên quan đến nhiều ngành nghề trong cuộc sống. Không ít người bi quan về tương lai của thị trường lao động khi ChatGPT có thể hoàn thành nhiều tác vụ công việc chỉ với vài chục phút mà đôi khi một nhân sự tương đương phải mất vài tiếng hoặc vài ngày. Trong bối cảnh nhiều công ty lớn trên toàn thế giới ồ ạt cắt giảm nhân sự, khả năng của ChatGPT càng khiến nhiều người mất dần niềm tin vào sự ổn định của công việc trong tương lai – gần.
Cuộc cách mạng công nghiệp, cơ giới hoá máy móc đã từng khiến lực lượng lao động chân tay lo lắng khi nhiều công việc từng được thực hiện bởi con người giờ đã bị xoá sổ, thay thế bởi máy móc. Lao động tri thức vốn tưởng như một “tháp ngà” máy móc khó có thể lung lay trong tương lai gần thì giờ đây, những người làm các công việc như phóng viên, IT… cũng ngập trong nỗi lo về sự thay thế của AI với công việc họ đang nắm giữ.
Tất nhiên, tôi không hoàn toàn tin vào việc AI hay ChatGPT có thể thay thế hoàn toàn con người, đặc biệt trong lĩnh vực viết lách. Các nội dung được sản xuất bởi trí thông minh nhân tạo có thể bị phát hiện bởi phần mềm, giúp phân biệt được đâu là nội dung do con người sản xuất và đâu là nội dung do máy móc sản xuất. Một trong những vấn đề cơ bản nhất với ChatGPT là việc ChatGPT tự đạo văn của chính mình. Khi người dùng nhập vào một câu lệnh/câu hỏi giống nhau, khả năng cao ChatGPT sẽ cho ra đời những câu trả lời tương tự. Thử tưởng tượng hai trang báo cùng một vấn đề và đều sử dụng ChatGPT để hỗ trợ viết bài, người đọc có thể dễ dàng phát hiện ra sự giống nhau nếu biên tập viên không trau chuốt, chỉnh sửa nội dung kỹ lưỡng. Sử dụng ChatGPT trong viết lách còn được coi là đạo văn – một điều cấm kỵ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu bạn bê nguyên một đoạn văn do ChatGPT viết và sử dụng bút danh của bạn, điều đó không khác gì việc bạn ăn cắp chất xám của người khác và lừa dối người đọc.
Các chuẩn mực đạo đức không thể đuổi kịp theo sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ nhưng nhìn từ khía cạnh sử dụng ChatGPT trong việc lách, không ít người coi hành vi đó là một thực hành thiếu đạo đức.
Tuy nhiên, giữa đạo đức và lợi nhuận, các công ty sẽ nghiêng cán cân của mình về bên nào? Tôi không thể trả lời chắc chắn nhưng nếu có công ty nghiêng mình về đạo đức thì cũng có những công ty sẵn sàng thả mình về phía lợi nhuận. Và khi có một bài viết được sản xuất bởi ChatGPT ra đời đồng nghĩa với việc có một nhân viên đang phải san sẻ bớt trách nhiệm cho AI.
Gần đây, tôi được một người bạn giới thiệu công việc biên tập nội dung. Khi tôi hỏi lại “ai viết bài này vậy?”, bạn tôi không ngần ngại trả lời “ChatGPT đấy”. Họ không thuê tôi viết, cũng không thuê những người khác viết nữa khi công việc họ cần thuê ngoài bây giờ chỉ là thuê người biên tập lại bài viết của ChatGPT.
“Bài viết cũng đủ tốt rồi,” bạn tôi nói.
Khi một bài viết của AI được đánh giá đủ tốt và chỉ cần biên tập lại, tôi thấy sự lạc quan của mình cũng trở nên có giới hạn. Viết lách là một thị trường rất rộng nhưng chỉ cần ChatGPT mỗi ngày ăn lận vào một mảng thôi cũng đồng nghĩa với việc có nhiều người sẽ mất việc.
Tôi cũng đã thử nhiều tác vụ với ChatGPT, từ viết thông cáo báo chí, viết bài đăng Facebook, cho đến viết tagline quảng cáo… Nếu chất lượng là một chủ đề cần bàn luận, số lượng và tốc độ là điều ChatGPT đã vượt qua được hàng chục nhân sự trong các buổi họp lên ý tưởng. Như điều tôi vẫn thường nói với nhân viên, điều quan trọng của việc “brainstorm” là cho ra được càng nhiều ý tưởng càng tốt, không có ý tưởng “hay” hay “dở” – mọi ý tưởng đều có thể sử dụng vào một lúc nào đó nếu chúng ta biết cách khai thác đúng cách.
Và chỉ mất chưa đầy 5 phút, ChatGPT cho tôi 20 ý tưởng về câu tagline cho một sản phẩm.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể thay đổi được sự thật rằng công nghệ sẽ càng ngày càng phát triển và những làn sóng ChatGPT 1.0, 2.0…. mới sẽ dần hoàn thiện hơn những tác vụ hiện tại. Một ông sếp sẽ không nói thẳng vào mặt rằng “bạn bị đuổi việc, từ nay ChatGPT sẽ thay bạn” nhưng sẽ có cách để bạn hiểu điều đó.
Khi xã hội chấp nhận sự tồn tại của ChatGPT, những người viết phải chấp nhận “cộng sinh” với ChatGPT. Hoặc không, người bị đào thải sẽ là bạn chứ không phải những sản phẩm trí thông minh nhân tạo vốn không quan tâm đến một công việc hay danh tiếng.
Vậy những người viết, nhà sáng tạo nội dung, nhà báo cần thay đổi bản thân ra sao để cộng sinh với ChatGPT và AI?
Viết sáng tạo hay nghệ thuật kể chuyện không được tạo nên tự công thức hay khuôn mẫu để mọi câu chuyện đều phát triển theo một kết cấu phổ quát. Là một người chơi cờ vua, tôi hiểu rằng trí tuệ nhân tạo có thể tính ra hàng triệu biến thể cho mỗi ván cờ nhưng điều kiện cần là “dữ liệu đầu vào”. Điều này rất khác so với việc viết lách khi khó có thể cung cấp cho ChatGPT đủ dữ liệu đầu vào trong việc sáng tạo văn chương. Chính vì vậy, dù ChatGPT có gợi ý cho bạn bao nhiêu câu chuyện, sẽ luôn có những ý tưởng hay hơn trong đầu mỗi người viết. Hơn nữa, sự đồng cảm với người viết, người kể là một đặc điểm của người nghe khi tiếp xúc với những câu chuyện. Chính những trải nghiệm rất cá nhân của mỗi người mang đến cho câu chuyện những cảm xúc kết nối con người mà các trí tuệ nhân tạo khó có thể thực hiện, ít nhất trong tương lai gần. Đôi khi một bài viết, nội dung hay không chỉ đến từ chuẩn mực trong ngôn từ hay ngữ pháp – nó đến từ cả những rung động với cảm xúc của người đọc với tác giả, đôi khi vụng về, lóng cóng, nhưng đó là những điều ai cũng trải qua. Địa hạt văn chương vẫn là một mảnh đất trí tuệ nhân tạo khó lòng có thể vượt qua con người dù các tác vụ có tinh vi, phức tạp ra sao.
Chính vì vậy, những người làm công việc viết lách cần quan tâm nhiều hơn tới tính văn chương trong nội dung thương mại, đưa các yếu tố kể chuyện vào các nội dung bán hàng, nội dung quảng cáo. Nếu những nội dung dựa trên từ khoá, thuật toán của các nền tảng có khả năng bị AI qua mặt, nội dung sáng tạo vẫn sẽ là mảnh đất tốt để người viết tập trung phát triển hơn. Tuy nhiên, thị trường công việc sẽ khốc liệt hơn, đào thải nhiều và có tính phân loại cao.
Những người viết cần đa dạng hoá các thể loại nội dung. Sự linh hoạt thay đổi sẽ giúp bạn mở rộng cơ hội công việc trong thời buổi cạnh tranh như hiện tại. Thay vì chỉ viết bài đăng social Facebook, đã đến lúc bạn có thể thử những nội dung khó hơn như báo chí, quan hệ công chúng? Hoặc bạn có thể đón lõng những trào lưu mới: Liệu sự ra đời của ChatGPT có tạo ra một thế hệ biên tập viên kiểu mới chỉ chuyên trách làm việc với ChatGPT? Công nghệ trong thế kỷ 21 đã tạo ra nhiều nghề nghiệp mới, như cách các nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội xuất hiện khi Internet trở thành một phần thiết yếu cuộc sống. ChatGPT cũng có thể tiếp nối để tạo nên những công việc mới trong mảng nội dung.
Nội dung gốc sẽ ngày càng được đề cao trước sự phát triển ồ ạt của ChatGPT khi vấn đề đạo đức vẫn được nhiều người quan tâm. Nhìn vào bản chất của ChatGPT, nó giống như mọi thách thức khác người viết cần vượt qua, như cách chúng ta đã vượt qua khi Google phát triển khiến việc tìm kiếm thông tin trở nên đơn giản, hay khi thời đại báo giấy bị báo mạng soán ngôi khiến nhiều công việc trong quá khứ giờ chỉ còn lại ký ức. Nền tảng có thể mới, tính năng có thể mới nhưng những câu hỏi đi cùng với ChatGPT đã luôn được đặt ra trong hàng thế kỷ: Một người viết có thể làm gì để vững vàng trước sự xuất hiện của các công cụ mới? Điều mỗi người cần làm, ngoài việc than vãn và mệt mỏi, là tiếp tục hoàn thiện năng lực bản thân.
Cộng sinh với ChatGPT, tôi nhận ra rằng trí tuệ nhân tạo có thể gợi mở những ý tưởng mới, giúp tôi nhìn ra được hạn chế và khác biệt trong cách AI sáng tạo và nội dung, tập trung vào những mảng nội dung ChatGPT chưa thể thay thế người viết trong tương lai gần.
Chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên tờ Global Times, nhà văn người Trung Quốc Chun Shanlei (bút danh) đã từng thử đưa một vài từ khoá để AI viết một đoạn văn. Đây là kết quả cô thu được.
“Cô Jian nhìn người đàn ông đứng kế bên mình với sự băn khoăn. Giọng điệu ra lệnh ấy không giống như cách một người chồng nói chuyện với vợ. Trong thoáng chốc, cô biết rằng đây không phải một cuộc hôn nhân thực sự…”.
Shanlei cười, nói rằng cô chấm đoạn văn này được 7/10 điểm.
7/10 điểm – đồng nghĩa với việc vẫn còn một mảnh đất rất lớn cho các nhà văn, những người viết tiếp tục công việc. Hoặc có lẽ, Shanlei chỉ hào phóng vì cô biết rằng, tương lai AI có thể đánh cắp công việc của thế hệ người viết vẫn còn là một quãng rất dài.
Tôi cũng đồng ý với Shanlei. Chí ít, tôi chưa biết ai bị đuổi việc vì ChatGPT cả. May mắn là vậy.
Hà An