fbpx

Bạn có đang gặp khủng hoảng tài chính cá nhân?

Phòng chống cháy túi không chỉ là tiêu xài tiết kiệm mà còn là phòng ngừa khủng hoảng tài chính cá nhân.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh luôn là cách bảo vệ sức khỏe tối ưu, kể cả khi đó là sức khỏe tài chính.

Tuy nhiên, các nguy cơ khủng hoảng thường phát triển âm thầm. Do đó, phòng bệnh ở lĩnh vực tài chính cá nhân đơn giản là cẩn thận quan sát ví tiền – bao gồm tất cả các khoản chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.

Để biết hoạt động quản lý tài chính hiện tại của bạn có nguy cơ khủng hoảng hay không, hãy cùng chúng tôi “chẩn bệnh” qua một số quan sát phổ biến sau nhé!

Bạn có đang gặp khủng hoảng tài chính cá nhân?

Dấu hiệu 1: Bạn không có quỹ khẩn cấp

Việc thiếu đi quỹ khẩn cấp sẽ tạo ra nhiều gánh nặng khi bạn gặp phải các trục trặc về tiền. Lỗ hổng quản lý này khiến bạn bỏ lỡ nhiều chức năng của nó.

Quỹ khẩn cấp giúp gì?

Thứ nhất, quỹ giúp bạn “sống sót” qua những trường hợp khẩn yêu cầu tài chính. Đó không chỉ là tai nạn hay vấn đề sức khoẻ, mà còn là những khoản chi tiêu ngoài dự tính. Ví dụ như một tấm vé máy bay vì trễ chuyến, hay khoản mượn “nóng” từ người khác.

Quỹ khẩn cấp tương tự tiền bảo hiểm, nhưng linh động hơn và có thể sử dụng ngay trong mọi tình huống. Nó cũng giúp hạn chế tối đa việc bạn phải đi vay, hoặc phát sinh thêm phí từ các khoản bù trừ tài chính một cách khó kiểm soát.

Thứ hai, quỹ giúp giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố từ một hoặc nhiều khoản phân bổ tiền cá nhân.

Không có gì đảm bảo các kế hoạch tài chính của bạn sẽ luôn suôn sẻ – nhất là khi một số mục phân bổ cơ bản như đầu tư hoặc chi tiêu thường biến động, tiềm ẩn rủi ro.

Lúc này, quỹ khẩn cấp sẽ đóng vai trò như một “tường rào” giữa các phần phân bổ.

Khi có sự cố, bạn sẽ không phải tái phân chia hoặc bù trừ qua lại giữa các khoản để xử lý hậu quả. Điều này giúp giữ được sự ổn định của kế hoạch tài chính. Nó thậm chí giúp duy trì hiệu quả sinh lời từ nhiều mục, đặc biệt là tiết kiệm kỳ hạn.

Bạn có đang gặp khủng hoảng tài chính cá nhân?

Vậy quỹ khẩn cấp bao nhiêu là đủ?

Quy mô quỹ của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào lối sống, chi phí hàng tháng, thu nhập và những người lệ thuộc tài chính của bạn.

Song, theo ý kiến nhiều chuyên gia, quy mô quỹ lý tưởng ít nhất bằng 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản.

Nếu bạn là người làm việc tự do, giá trị quỹ sẽ phải nhiều hơn để bổ sung cho một số khoản thiếu hụt. Ví dụ như trợ cấp thất nghiệp, hoặc bảo hiểm dành cho nhân viên chính thức (ở một số doanh nghiệp).

Dấu hiệu 2: Bạn không thể kiểm soát các khoản nợ

Vay nợ không phải lúc nào cũng xấu, chẳng hạn như khi bạn vay tiền để nắm bắt một cơ hội đầu tư rủi ro thấp, hay sử dụng thẻ tín dụng để hưởng một số ưu đãi khi mua sắm.

Tuy nhiên, tất cả sẽ là cơn ác mộng nếu những khoản nợ này vượt tầm.

Nợ thế nào thì thành nợ xấu?

Nếu bạn đang trải qua những điều sau, thì chắc chắn tình trạng nợ của bạn đang đáng báo động:

    • Thường xuyên vay tiền: Vay mượn một lần thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, sẽ là đáng báo động nếu bạn phải liên tục mượn tiền, khoảng cách giữa các lần mượn ngắn dần hoặc bạn cần nhiều thời gian hơn để trả lại số tiền đã vay.
    • Lệ thuộc nhiều vào thẻ tín dụng: Thẻ tín dụng thường có lãi suất cao. Nếu bạn không thể trả lại đầy đủ số dư của mình vào hạn định, số tiền chưa thanh toán sẽ bắt đầu cộng dồn lãi suất. Điều này có thể khiến các hóa đơn của bạn tăng lên theo thời gian.
    • Dùng các khoản vay để trả cho khoản vay khác: Vấn đề này phổ biến ở những người đã sử dụng các khoản vay ngắn hạn. Mức lãi suất cao ngất ngưởng khiến những khoản này gần như không thể trả lại được. Do đó, nhiều người cuối cùng đã phải đi vay mới để trả lại khoản vay cũ. Điều này vô tình tạo ra một chu kỳ tốn kém hơn theo cấp số nhân, và tiếp tục cho đến khi bạn không còn có thể theo kịp các khoản thanh toán của mình nữa.
    • Thanh toán hóa đơn không đúng hạn: Nếu bạn không thể thanh toán đúng hạn – đặc biệt là các hoá đơn tín dụng, đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể gặp rắc rối tài chính nghiêm trọng. Khi các khoản thanh toán của bạn ngày càng muộn, chúng có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân, khiến bạn khó vay thêm tiền hơn trong tương lai. Mặt khác, việc chi trả chậm trễ các hoá đơn cũng khiến bạn hình thành thói quen hời hợt với việc quản lý tài chính.

Bạn có đang gặp khủng hoảng tài chính cá nhân?

Vậy làm thế nào để không còn nợ xấu?

Cách đơn giản nhất là bạn có ý thức hơn trong việc vay nợ và trả nợ của bản thân.

Cụ thể, trước khi quyết định vay vốn, bạn nên tự đánh giá lại năng lực trả nợ của bản thân ở mức độ nào, đồng thời lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình thanh toán tiền vay để tránh gặp phải những biến cố bất ngờ.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên có kế hoạch rõ ràng về việc sử dụng, và lộ trình trả nợ số tiền vay một cách hợp lý để giúp cho việc thanh toán nợ được nhanh chóng.

Trong trường hợp bất khả kháng, không thể trả nợ theo đúng cam kết thì hãy sớm liên hệ với chủ nợ để trao đổi, tìm ra phương án trả nợ tối ưu nhất.

Dấu hiệu 3: Bạn “đặt cược” vào đầu tư mạo hiểm

Khi đầu tư mạo hiểm thật sự… mạo hiểm

Ở bất kỳ hình thức đầu tư nào, lợi nhuận càng lớn đồng nghĩa với rủi ro càng cao.

Do đó, nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ về quản trị rủi ro hoặc thiếu kinh nghiệm, những khoản đầu tư mang tính mạo hiểm có thể là tiền đề dẫn đến khủng hoảng tài chính cá nhân trong tương lai.

Nói cách khác, nếu bạn đang đầu tư mạo hiểm, hãy cẩn trọng xem xét những rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến tài chính của bạn.

Bạn có đang gặp khủng hoảng tài chính cá nhân?

Vậy hạn chế rủi ro từ đầu tư mạo hiểm như thế nào?

Trước hết, bạn cần trang bị kiến thức về thị trường, cũng như các kỹ thuật phân tích thị trường liên quan. Hãy hiểu rõ mục tiêu của bản thân, và học hỏi thêm một số kinh nghiệm đầu tư vĩ mô ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số kỹ thuật đầu tư như:

    • Chú ý các chỉ số, vấn đề mang tính bất thường: Ngoài việc liên tục cập nhật thông tin, hãy tích cực để ý những điểm bất thường và mạnh dạn dừng những khoản đầu tư có diễn biến xấu.
    • Đầu tư đa dạng các danh mục: Song song với đầu tư mạo hiểm, bạn có thể phân bổ với các hình thức hoặc sản phẩm đầu tư khác an toàn, ổn định hơn để giảm thiểu rủi ro. Ví dụ như trong đầu tư chứng khoán, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng một danh mục có từ 12 cổ phiếu trở lên có thể gần như loại bỏ các loại rủi ro phi hệ thống.
    • Đầu tư dài hạn: Bạn có thể cân bằng tính mạo hiểm của dạnh mục đầu tư thông qua việc kết hợp các mục tiêu dài hạn trên thị trường. Hãy chuẩn bị một “tinh thần thép”, vì có thể sẽ trải qua những thời điểm thị trường lên xuống bất thường.
    • Lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên nghiệp: Nếu là một nhà đầu tư mới, chưa quen với những hoạt động của thị trường, bạn hoàn toàn có thể tìm đến một đơn vị môi giới về đầu tư chuyên nghiệp.

Lời kết

Sự khoẻ mạnh về mặt tài chính thường khó đoán định. Tuy nhiên, nếu đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bạn có thể yên tâm rằng dù chuyện gì xảy đến, thiệt hại luôn được hạn chế ở mức tối đa.

Điều này không chỉ giúp bạn có thêm sự yên tâm khi quản lý tài chính, mà còn là động lực giúp bạn hình thành sớm ý thức quản trị rủi ro.

Happy Live Team

Nguồn: Vietcetera

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Trí Tuệ Tỷ Đô Của Các Bậc Thầy Đầu Tư 2022

ĐẶT SÁCH NGAY

 

 

Các viết cùng chủ đề