Lẽ sống: thứ tạo nên khác biệt giữa “tồn tại” và “tận hưởng cuộc sống”
Bạn đang sống hay tồn tại? Nếu được dùng 10 phút để suy nghĩ xem mình có điều gì đáng “bán” cho cuộc đời, bạn nghĩ điều đó là gì? Nếu tìm được mục đích, lý tưởng và giá trị bản thân, bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi: vì sao mình lại xuất hiện trên cuộc đời này.
Nike không bán giày, không bán quần áo thể thao. Không có bất kỳ quảng cáo hay slogan nào của Nike là hàng của tôi rất tốt. Hãy mua tôi! Thế nhưng giày của Nike có thể khiến cho nhiều người lớn và trẻ con trên thế giới phát cuồng. Nó có một tư tưởng mà nhiều người đang tìm kiếm và theo đuổi: Just do it. Nếu bạn muốn, hãy nhấc mông lên mà làm.
(*) Bài viết được trích từ sách Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Chiến lược làm chủ vận mệnh hoàn hảo, xem thêm thông tin sách tại đây:
Nếu bạn muốn khỏe mạnh, hãy có những hành động giúp bạn đạt được điều đó. Hãy thể hiện cho mọi người biết bạn có thể điên rồ đến mức nào. Tôi có một người em, đi bộ và chạy bộ suốt 20 cây số, từ quận 7 sang quận 10. Điên rồ đúng không? Nhưng nếu bạn ấy không thuyết phục được mình và lý do không đủ lớn, làm sao bạn ấy làm được điều đó?
Và việc chạy bộ hay đi bộ không phải là điên rồ theo hướng tiêu cực. Nó chỉ điên rồ với những người lười vận động mà thôi! Tôi cũng tin tưởng vào mình khi khởi nghiệp Happy Live, khi tổ chức khóa học đầu tư và phát triển bản thân. Tôi tìm được lý do để làm những gì tôi đang làm, đó là thay đổi cuộc đời hàng triệu thanh niên Việt Nam. Nike cũng thế, họ tin tưởng vào những giá trị mà họ mang lại cho cộng đồng. Họ không bán giày, cái họ bán là một giá trị, một hệ nhận thức, một tư tưởng tích cực. Tư tưởng và triết lý không bỏ cuộc và cứ làm tới đi: Just do it.
Còn khi nhắc đến Apple, bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Bạn có thể không đồng ý với họ, bạn có thể chỉ trích quan điểm của họ, nhưng bạn không thể phớt lờ những gì họ làm cho thế giới này! Vào năm 1984, Steve Jobs đã từng có một buổi nói chuyện tại hội trường cùng với hơn 100 lãnh đạo cấp cao của Apple. Ông mặc một chiếc quần short ngắn, trông thật bình dân và không có vẻ gì là một người lãnh đạo cao cấp của tập đoàn. Steve nói rằng ông muốn Apple học hỏi Nike về khả năng sáng tạo, marketing và làm kinh doanh.
Steve cũng muốn làm một chiến dịch truyền thông để mọi người hiểu rằng, Apple cũng không bán điện thoại hay máy tính. Ông muốn Apple có thể làm nên điều phi thường và khác biệt trong cuộc sống này. Và sau đó, khi có chiến dịch truyền thông thành công vào năm 1984, đến năm 2001, Apple lại làm “chấn động thế giới” khi ra mắt iPod.
IPod không phải chỉ thay đổi thói quen nghe nhạc mà còn thay đổi cả nền công nghiệp âm nhạc trên thế giới. Bây giờ, đối với các bạn, iPod là đồ cổ. Nhưng đối với những người sống trong thế hệ của chúng tôi, nó là cả một sự đột phá. Là một phép màu, là một thứ không thể tin nổi trong cuộc sống!
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày xưa, cách đây khoảng 19 năm, năm 2001, khi bố tôi mắc bệnh, lúc tôi từ Hà Nội về thăm nhà tôi ở Quảng Ninh, bố tôi đã dùng toàn bộ tiền lương hưu của ông, khoảng 800.000đ/tháng để đưa cho tôi mua một cái máy cát sét Sony Walkman, một chiếc máy thật xịn vào thời điểm đó để học tiếng Anh.
Lúc nhận được số tiền mà bố đưa cho mình, tôi bật khóc phần vì vui sướng, phần vì thương bố. Bố tôi bảo: “Không cần khóc, bố vẫn khỏe, bố biết con đang rất cần chiếc máy này, hãy cầm lấy số tiền này và mua nó đi. Với điều kiện, con phải học thật giỏi ngoại ngữ”. Ông đưa cho tôi một triệu (thêm 200.000đ ông đã tích góp trước đó), tôi ra chợ Hạ Long, mua một cái máy cát sét Sony Walkman, giá 780.000đ và vài băng đĩa để học ngoại ngữ, học tiếng Anh và các bản nhạc tiếng Anh bất hủ mọi thời đại.
Mặc dù là cuộn băng đó nghe tốt hơn băng cát sét bình thường, nhưng vẫn phải tua đi tua lại. Nhưng khi iPod ra đời, nó thay đổi toàn bộ nhu cầu và thói quen sử dụng của con người về thiết bị âm thanh. Ngày xưa, nếu băng bị đứt, thì phải dùng nhựa cao su hay nhựa hồng xiêm để gắn lại. Bây giờ, các bạn trẻ khi nghe kể lại có thể không hiểu được cảm giác đó. Và iPod, dù vang dội một thời nhưng cũng dần thành đồ cổ vì Apple đã tích hợp khả năng tuyệt vời này vào các thiết bị khác như điện thoại, máy tính, máy tính bảng, thậm chí là đồng hồ thông minh Smart Watch…
Tôi muốn nói rằng dù là iPod, hay iPhone, iPad, thì Apple cũng không chủ trương nói với truyền thông và khách hàng là họ đang kinh doanh những sản phẩm này. Cái họ muốn truyền đạt là khát khao tạo nên sự khác biệt. Khác biệt thay đổi thế giới này bởi những con người điên rồ và hơi bị “hâm”, “chập mạch” và “dở người” một chút! Còn bạn, bạn muốn “bán” điều gì trong cuộc sống này? Hay nói cách khác, cách bạn tạo ra giá trị với cuộc đời này như thế nào? Bạn hãy ngồi lại khoảng 10 phút suy nghĩ và viết ra cụ thể, bạn muốn “bán” điều gì trong cuộc đời này nhé!?
Thái Phạm
Có thể bạn quan tâm:
THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG XÂY DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG