fbpx

Bán lẻ Việt ngược dòng: Ồ ạt mở chuỗi mới, dòng tiền đầu tư đổ về mạnh

Ngành bán lẻ là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong hai năm qua, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác phải chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19, qua đó khiến nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong số đó, các doanh nghiệp bán lẻ đi ngược dòng khi liên tục mở rộng quy mô, chứng minh cho tiềm năng phát triển lớn.

Gam màu sáng

Theo Tổng cục Thống kê, vào năm 2020, khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện và tác động lên các ngành nghề thì bán lẻ vẫn là một trong những mảng màu tươi sáng nhất. Dù không đạt mức tăng trưởng 12,7% như trong năm 2019, nhưng quy mô của ngành bán lẻ Việt Nam vẫn tăng thêm 11 tỷ USD.

Năm 2021, các chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong hai năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.

Những tín hiệu tích cực này tiếp tục được thể hiện qua các con số sau 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2022 đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng, theo Bộ Công thương.

Chính nhờ dư địa phát triển vẫn còn lớn, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã tăng tốc, mở rộng quy mô các chuỗi bán lẻ trong thời gian gần đây với tham vọng sẽ chiếm thị phần lớn trên thị trường.

Doanh nghiệp bán lẻ ồ ạt mở rộng quy mô

Đầu tháng 8, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức hội nghị với các đối tác, trong đó có một phần nói về chuỗi siêu thị Emart. Theo đó, đơn vị cũng đặt ra kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới, đến năm 2026 mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số một tại Việt Nam.

Ngoài ra, ông Chun Byung Ki – Tổng giám đốc THISO Retail cho biết, Emart Việt Nam đang khẩn trương triển khai kế hoạch khai trương thêm hai đại siêu thị trong năm 2022 gồm Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12).

“Năm ngoái, siêu thị Emart có doanh thu 1.600 tỷ đồng, dẫn đầu doanh thu lẫn lượng khách bình quân trên một siêu thị ở Việt Nam. Với 20 siêu thị, doanh thu có thể đến 32.000 tỷ đồng nên mục tiêu một tỷ USD (tương đương 23.500 tỷ đồng) không khó”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco nhấn mạnh.

Trước đó, một đại gia khác tại Việt Nam là Nova Consumer cũng đã hoàn tất thương vụ M&A với công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods) vào cuối quý II, qua đó sở hữu công ty Anco Family Food đã giúp Nova Consumer hoàn thiện chuỗi 3F (Feed – thức ăn chăn nuôi, Farm – nông trại, Food – thực phẩm) để sản xuất thực phẩm chất lượng cao, an toàn đến tay người tiêu dùng.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Nova Consumer, thương vụ M&A nói trên sẽ giúp công ty nhanh chóng gia nhập thị trường hàng tiêu dùng nhanh – thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Dự kiến sau M&A, Nova Consumer sẽ sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp với 80.000 điểm bán hàng. Đây là cơ sở để Nova Consumer đặt ra các mục tiêu tham vọng.

Ngoài ra, các tên tuổi lâu đời hơn trên thị trường bán lẻ Việt Nam như Masan Group hay CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi liên tục mở các chuỗi cửa hàng mới trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các ông lớn nước ngoài cũng “không chịu ngồi yên” khi chứng kiến các doanh nghiệp Việt mở rộng quy mô. Chẳng hạn, trong tháng 5, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cho biết Tập đoàn Aeon Mall đã có chủ trương triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam đến năm 2025, trong đó có thêm 3 – 4 dự án tại Hà Nội.

Tập đoàn Aeon Mall hiện đang vận hành 6 dự án tại Việt Nam, trong đó có hai dự án tại Hà Nội là Aeon Mall Hà Đông và Long Biên. Tập đoàn hiện đang triển khai dự án Aeon Mall Hoàng Mai và kế hoạch đầu tư dự án Aeon Mall Bắc Từ Liêm.

Dòng vốn tiếp tục đổ mạnh vào bán lẻ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022.

Nếu xét trên số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,6%, 25,6% và 17,5% tổng số dự án.

Có thể thấy, sau hai năm đại dịch COVID-19, khẩu vị của các nhà đầu tư nước ngoài đã có đôi chút thay đổi. Nếu như trong hai năm qua là sự lên ngôi của các doanh nghiệp công nghệ, thì sau khi đại dịch dần được kiểm soát, các nhà bán lẻ lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá từ Vietdata, ngành bán lẻ được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với xu hướng chung của toàn ngành là thương mại điện tử. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, từ những startup cho tới các ông lớn đã được các quỹ đầu tư quốc tế rót vốn kể từ đầu năm 2022, tiêu biểu có thể kể tới như Con Cưng, SoBanHang,…

Ông Vivek Kaul, Giám đốc ngành Bán lẻ của công ty dịch vụ bất động sản CBRE khu vực châu Á nhận định Việt Nam vẫn là một trong những thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh.

Hà An

Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: SIÊU CÒ – SIÊU SAO BÁN HÀNG

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề