fbpx

Basic Economics: Vai trò Giá cả “bàn tay vô hình” của thị trường

Basic Economics – giá cả là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò đa dạng trong việc điều tiết thị trường, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Basic Economics Vai trò Giá cả bàn tay vô hình của thị trường

Vai trò của giá cả

Một khi chúng ta đã biết rằng việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm để sử dụng nhiều cách khác nhau là nhiệm vụ quan trọng mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải đối mặt, vậy câu hỏi tiếp theo sẽ là: Một nền kinh tế sẽ làm điều gì đó như thế nào?

Rõ ràng là những nền kinh tế khác nhau sẽ làm điều này theo những cách khác nhau. Trong nền kinh tế của chế độ phong kiến, chủ trang viên chỉ cần nói với người dưới quyền mình những việc họ phải làm và nơi cần đặt tài nguyên: Trồng ít lúa mạch lại và trồng nhiều lúa mì hơn, bón phân ở đây, phủ thêm cỏ khô ở đó, tháo nước cho các vùng đầm lầy. Điều tương tự cũng xảy ra trong các xã hội cộng sản của thế kỷ XX như Liên Xô chẳng hạn. Nền kinh tế của chủ nghĩa cộng sản hiện đại được tổ chức tương tự như xã hội phong kiến, nhưng ở mức độ phức tạp hơn: Chính phủ là người ra lệnh xây dựng một đập thủy điện trên sông Vôn-ga, quyết định sản xuất rất nhiều tấn thép ở Siberia, thúc đẩy trồng rất nhiều lúa mì ở Ukraina. Ngược lại, trong nền kinh tế thị trường do giá cả điều phối, không hề có người đứng đầu ban hành các mệnh lệnh điều khiển hoặc điều phối hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.

Việc một nền kinh tế công nghệ cao, vô cùng phức tạp có thể vận hành mà không cần bất kỳ trung tâm điều khiển nào khiến rất nhiều người khó lòng tin được. Người ta cho rằng Tổng thống cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đã hỏi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher như thế này: “Vậy bà chịu trách nhiệm về lương thực cho mọi người thế nào?”. Câu trả lời là bà ấy không lãnh trách nhiệm này. Giá cả mới là thứ làm điều đó. Hơn nữa, người dân Anh được ăn uống tốt hơn so với người dân Liên Xô, mặc dù người Anh không hề sản xuất đủ lương thực để tự nuôi mình trong hơn một thế kỷ. Giá mang thức ăn từ các nước khác đến cho họ.

Nếu không có vai trò của giá cả, thử tưởng tượng xem sẽ cần đến một bộ máy cồng kềnh thế nào để chịu trách nhiệm về lương thực cho đất nước này, khi mà chỉ riêng thành phố Luân Đôn đã tiêu thụ hàng tấn thực phẩm thuộc mọi chủng loại mỗi ngày. Tuy nhiên, đội quân phục vụ bộ máy cồng kềnh này có thể được phân bổ một cách hiệu quả hơn – và những người mà bộ máy cồng kềnh này cần đến có thể làm việc hiệu quả ở những vị trí khác trong nền kinh tế – bởi vì cơ chế giá cả đơn giản hoàn toàn có khả năng thực hiện nhiệm vụ tương tự một cách nhanh, rẻ và hiệu quả hơn.

Điều này cũng đúng với Trung Quốc, quốc gia vẫn theo chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng đã cho phép thị trường tự do hoạt động trong phần lớn nền kinh tế của quốc gia mình từ đầu thế kỷ XXI. Mặc dù Trung Quốc chiếm đến 1/5 tổng dân số thế giới, nhưng nước này chỉ sở hữu 10% diện tích đất canh tác của thế giới, vậy nên việc cung cấp thức ăn cho người dân vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng y như trong quá khứ, trong khoảng thời gian khi nạn đói lặp lại liên tục khiến hàng triệu người Trung Quốc thiệt mạng mỗi ngày. Ngày nay, giá cả đã thu hút lương thực thực phẩm từ các quốc gia khác đến với Trung Quốc:

Nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc đang đến từ nước ngoài – từ Nam Mỹ, Mỹ và Úc. Điều này đồng nghĩa với sự giàu có, thịnh vượng cho các nhà kinh doanh và chế biến nông sản như Archer Daniels Midland. Họ đang tiến vào Trung Quốc theo tất cả những cách mà bạn có thể hình dung ra được đối với một thị trường quốc gia có giá trị thực phẩm chế biến là 100 tỷ đô la, với mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Điều này như là “của trời cho” đối với nông dân miền trung tây nước Mỹ, những người đang được hưởng giá đậu tương tăng hơn khoảng 2/3 so với năm trước. Cũng đồng nghĩa với một chế độ ăn uống tốt hơn cho người Trung Quốc, họ đã tăng lượng calo tiêu thụ của cơ thể họ lên 1/3 chỉ trong vòng 25 năm qua.

Nhờ sức hấp dẫn của giá cả, vào đầu thế kỷ XXI, công ty gà rán KFC của Mỹ đã bán được nhiều hàng ở Trung Quốc hơn so với ở Mỹ. Mức tiêu thụ các sản phẩm từ sữa bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng lên gần gấp đôi chỉ trong vòng năm năm. Một nghiên cứu đã ước tính rằng 1/4 người trưởng thành ở Trung Quốc bị thừa cân – thực ra bản thân thông tin này không phải là tin tức tốt, nhưng đó là sự phát triển đáng mừng ở một quốc gia từng bị nạn đói đeo bám dai dẳng.

Đưa ra quyết định kinh tế 

Sự thật rằng trong nền kinh tế thị trường, không có bất cứ cá nhân hoặc nhóm các cá nhân cụ thể nào kiểm soát hoặc điều phối vô số hoạt động kinh tế, không có nghĩa là những hoạt động này chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên hoặc hỗn loạn. Mỗi người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà bán lẻ, chủ đất hoặc công nhân đều thực hiện các giao dịch cá nhân với những người khác dựa trên những điều khoản đồng thuận giữa hai bên.

Giá cả truyền tải những điều khoản ấy, không chỉ cho những người trực tiếp liên quan đến giao dịch đó mà còn cho toàn bộ hệ thống kinh tế – và thực ra là cho toàn thế giới. Nếu một người nào đó ở nơi khác có sản phẩm tốt hơn hoặc mức giá thấp hơn cho cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ, thì sự thật này sẽ được truyền tải và hành động thông qua giá cả mà không cần bất kỳ quan chức hoặc ủy ban nào phải đưa lệnh/chỉ dẫn cho người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất – thực ra, giá cả làm việc này còn nhanh hơn quá trình thu thập thông tin để làm cơ sở cho các mệnh lệnh/chỉ dẫn của bất kỳ nhà hoạch định nào.

Nếu có người ở Fiji tìm ra cách sản xuất giày tốt hơn với mức chi phí thấp hơn, thì không lâu sau bạn sẽ thấy những đôi giày đó được bán với giá hấp dẫn ở Mỹ hay Ấn Độ, hoặc bất cứ nơi nào nằm giữa hai quốc gia đó. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, người Mỹ đã có thể bắt đầu mua máy ảnh từ Nhật Bản, dù quan chức ở Washington không chắc về việc người Nhật có làm ra máy ảnh hay không. Bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào cũng có hàng triệu sản phẩm, nên chúng ta không thể mong đợi nhà lãnh đạo của các quốc gia biết hết những sản phẩm đó là gì được, và càng không thể mong họ biết chính xác số nguồn lực nên được phân bổ cho việc sản xuất mỗi sản phẩm đó được.

Giá cả đóng một vai trò cực kỳ quan trọng để xác định nơi mà mỗi tài nguyên nên được sử dụng ở mức độ nhất định, và cách để chuyển các sản phẩm thu được đến tay hàng triệu người. Tuy nhiên, không có nhiều người hiểu về vai trò này và nó thường bị các chính trị gia coi thường. Trong hồi ký của mình, Thủ tướng Margaret Thatcher từng đề cập rằng Mikhail Gorbachev “hiểu biết rất ít về kinh tế học”, mặc dù vào thời điểm đó ông ấy là lãnh đạo của quốc gia lớn nhất thế giới. Thật không may, ông ấy không phải là người duy nhất trong lĩnh vực đó. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới, ở các quốc gia lớn và nhỏ khác nhau.

Ở những nước mà giá cả tự động điều phối các hoạt động kinh tế, sự thiếu hiểu biết về kinh tế không cấp thiết bằng những nước mà ở đó, những lãnh đạo chính trị cố gắng chỉ đạo và điều phối các hoạt động kinh tế.

Rất nhiều người chỉ đơn giản coi giá cả là một trở ngại trên con đường đạt được những thứ mình muốn. Ví dụ như những người muốn sống trong một ngôi nhà nhìn ra bãi biển có thể từ bỏ kế hoạch này khi họ phát hiện ra rằng bất động sản cạnh biển đắt đỏ đến mức nào. Nhưng giá cao không phải là lý do duy nhất khiến tất cả chúng ta không thể sống trong những ngôi nhà nhìn ra biển.

Thực tế hoàn toàn ngược lại: Hầu như không có đủ nhà hướng biển để bán và giá cả chỉ đơn giản là phản ánh lại thực tế ngầm đó mà thôi. Khi có quá nhiều người muốn mua nhà hướng biển, những căn nhà đó sẽ trở nên rất đắt đỏ do nguyên tắc cung và cầu. Nhưng giá cả không phải là nhân tố gây ra sự khan hiếm. Sự khan hiếm tương tự cũng xảy ra dưới chế độ phong kiến, chế độ chủ nghĩa xã hội hoặc trong xã hội bộ lạc nguyên thủy.

Dù chính phủ có đưa ra một “kế hoạch” để dân chúng có thể “tiếp cận phổ cập” đối với những ngôi nhà hướng biển, đồng thời đưa ra “giới hạn” giá cho loại bất động sản này, việc này sẽ không thể thay đổi được tỷ lệ cao dân số có nhu cầu mua nhà hướng biển. Với một lượng dân số nhất định và một lượng bất động sản ven biển nhất định, nếu không có giá cả, việc phân chia sẽ buộc phải diễn ra theo hướng quan liêu, thiên vị chính trị hoặc phân chia cơ hội ngẫu nhiên – tuy vậy, việc phân chia vẫn phải diễn ra.

Ngay cả khi chính phủ đưa ra quy định rằng nhà hướng biển là “quyền cơ bản” của mọi thành viên trong xã hội, điều đó vẫn sẽ không thể thay đổi được tình trạng khan hiếm ngầm. thu Giá cả giống như sứ giả truyền tin vậy – đôi khi nó sẽ truyền tin xấu, như trong trường hợp bất động sản ven biển ở trên, nhưng đôi khi nó sẽ truyền đi tin tốt. Ví dụ, máy tính ngày càng trở nên rẻ và tốt hơn với tốc độ nhanh hơn, đó là kết quả từ những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên đa phần những người được hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ cao đó không hề hiểu rõ những thay đổi công nghệ này cụ thể là gì. Nhưng giá cả chuyển tải kết quả cuối cùng cho họ – đây mới là điều quan trọng giúp họ ra quyết định và nâng cao năng suất, chất lượng sống tổng thể của mình từ việc sử dạng máy tính.

Tương tự như vậy, nếu người ta đột nhiên phát hiện ra những quặng sắt khổng lồ mới ở đâu đó, có lẽ chỉ có chưa tới 1% dân số sẽ nhận thức về quặng sắt mới này, nhưng tất cả mọi người đều sẽ phát hiện ra rằng giá của những thứ làm bằng thép đang trở nên rẻ hơn. Chẳng hạn những người nghĩ đến việc mua bàn làm việc mới sẽ phát hiện ra bàn làm việc bằng thép rẻ hơn nhiều so với bàn làm việc bằng gỗ, và chắc chắn sẽ có một số người thay đổi ý định mua loại bàn làm việc khác ý định ban đầu vì mức giá mới này. Điều tương tự cũng xảy ra nếu họ so sánh các sản phẩm khác làm bằng thép với các sản phẩm cùng loại làm từ nhôm, đồng, nhựa, gỗ hoặc các vật liệu khác. Tóm lại, sự thay đổi về giá sẽ cho phép toàn xã hội – thực ra là cho phép người tiêu dùng trên khắp thế giới – tự động điều chỉnh sang một mỏ quặng sắt có sẵn dồi dào hơn, ngay cả khi 99% những người tiêu dùng này hoàn toàn không hề biết về phát hiện mới này.

Giá cả không chỉ là cách tiền bạc luân chuyển. Vai trò chính của nó là cung cấp các động lực về mặt tài chính để tác động đến hành vi sử dụng các nguồn lực và các sản phẩm mà chúng tạo ra. Giá cả không chỉ định hướng người tiêu dùng mà còn định hướng cả người sản xuất nữa. Khi mọi thứ đã được hoàn thành, các nhà sản xuất không thể biết được hàng triệu người tiêu dùng khác nhau đang muốn gì. Chẳng hạn các nhà sản xuất ô tô chỉ biết rằng khi họ sản xuất ô tô với một bộ tính năng cụ thể, họ có thể bán những chiếc ô tô đó với một mức giá đủ để bù đắp cho chi phí sản xuất và giúp họ thu được lợi nhuận, nhưng khi sản xuất một dòng ô tô có bộ tính năng khác, thì họ lại không bán được tốt như bình thường. Để thanh lý những chiếc xe không bán được, người bán phải giảm giá xuống mức cần thiết để các đại lý có thể bán được hàng, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chịu lỗ. Một giải pháp thay thế khác là họ sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn hơn, bằng cách không thanh lý chúng.

Mặc dù hệ thống kinh tế thị trường tự do đôi khi còn được gọi là hệ thống lợi nhuận, nhưng trên thực tế nó là một hệ thống lãi/lỗ – và đối với tính hiệu quả của nền kinh tế, các khoản lỗ cũng quan trọng y như các khoản lãi vậy, bởi vì các khoản lỗ sẽ cho người sản xuất biết họ phải ngừng làm gì: ngừng sản xuất sản phẩm gì, ngừng đổ nguồn lực vào đâu, ngừng đầu tư vào cái gì. Lỗ buộc người sản xuất phải ngừng sản xuất những gì người tiêu dùng không mong muốn. Mặc dù không biết lý do tại sao người tiêu dùng thích một bộ tính năng này mà không phải là một bộ tính năng khác, các nhà sản xuất vẫn sẽ tự động sản xuất nhiều hơn những sản phẩm kiếm được lợi nhuận cao và giảm lượng sản xuất của những sản phẩm đang làm họ thất thoát tiền bạc. Điều này đồng nghĩa với việc họ đang sản xuất những sản phẩm người tiêu dùng muốn và ngừng sản xuất những sản phẩm họ không muốn. Mặc dù các nhà sản xuất chỉ tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân và công ty của họ, tuy nhiên từ quan điểm của nền kinh tế nói chung, toàn xã hội đang sử dụng các nguồn lực khan hiếm một cách hiệu quả hơn nhờ các quyết định do giá cả dẫn dắt.

Giá cả đã hình thành nên một mạng lưới giao tiếp trên toàn thế giới từ rất lâu, trước khi có Internet. Giá cả kết nối bạn với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào thị trường được phép hoạt động tự do trên thế giới, như vậy những nơi có mức giá bán một loại hàng hóa cụ thể thấp nhất có thể bán hàng hóa đó trên khắp thế giới. Kết quả là, bạn có thể mặc áo sơ mi sản xuất tại Malaysia, đi giày sản xuất tại Ý và mặc quần sản xuất tại Canada, trong khi lái xe ô tô sản xuất tại Nhật Bản với lốp xe sản xuất tại Pháp.

Những thị trường có điều phối giá sẽ giúp mọi người ra hiệu cho người khác biết số lượng sản phẩm họ muốn và họ sẵn sàng trả bao nhiêu cho sản phẩm đó, đồng thời những người khác cũng có thể báo hiệu số lượng sản phẩm họ có thể cung cấp với mức giá trao đổi như thế nào. Giá cả phản hồi lại cung và cầu, nhờ đó tài nguyên thiên nhiên di chuyển từ những nơi dồi dào như Úc, sang những nơi nghèo nàn đến mức gần như không có như Nhật Bản. Người Nhật sẵn sàng trả giá cao hơn người Úc để mua những tài nguyên đó. Mức giá cao hơn này sẽ bao gồm cả chi phí vận chuyển với mức lợi nhuận lớn hơn so với khi bán tài nguyên này trong nội bộ nước Úc – nơi có mức giá thấp hơn nhờ nguồn cung dồi dào sẵn có. Một khi phát hiện ra các mỏ bô-xít (bauxite) lớn mới ở Ấn Độ, giá thành của gậy bóng chày nhôm ở Mỹ sẽ giảm xuống. Vụ lúa mì thất thu nặng ở Argentina sẽ khiến mức thu nhập của nông dân ở Ukraina tăng lên, bởi vì nhu cầu dành cho sản phẩm lúa mì của họ trên thị trường thế giới đột ngột tăng lên, và do đó mức giá cũng tăng cao hơn.

Bô-xít (boxide – hay bauxite (tiếng Pháp)): là một loại quặng nhôm nguồn gốc đá núi lửa có màu hồng, nâu được hình thành từ quá trình phong hóa các đá giàu nhôm hoặc tích tụ từ các quặng có trước bởi quá trình xói mòn. Quặng boxide phân bố chủ yếu trong vành đai xung quanh xích đạo, đặc biệt trong môi trường nhiệt đới. Khoảng 95% lượng bô-xít được khai thác trên thế giới đều được dùng để luyện
thành nhôm.

Khi một số mặt hàng được cung cấp với số lượng nhiều hơn so với nhu cầu trên thị trường, những người bán hàng sẽ buộc phải cạnh tranh để cố gắng loại bỏ lượng sản phẩm dư thừa. Do vậy mức giá buộc phải giảm xuống, ngăn cản sản xuất thêm những sản phẩm này trong tương lai. Kết quả là những nguồn lực từng được sử dụng để sản xuất mặt hàng đó sẽ được giải phóng để có thể sản xuất những sản phẩm khác đang có nhu cầu lớn hơn. Ngược lại, khi nhu cầu đối với một mặt hàng cụ thể vượt quá mức cung hiện có trên thị trường, mức giá tăng cao do sự cạnh tranh của người tiêu dùng sẽ khuyến khích sản xuất mặt hàng này nhiều hơn, và các nguồn lực sẽ được rút ra khỏi các bộ phận khác trong nền kinh tế để thực hiện điều này.

Tầm quan trọng của giá trong thị trường tự do thương mại đối với hoạt động phân bổ nguồn lực thể hiện rõ trong các tình huống khi giá cả không được phép thực hiện chức năng này. Ví dụ như trong thời kỳ kinh tế của Liên Xô, do chính phủ kiểm soát, giá cả không được ấn định bởi cung và cầu mà được quyết định bởi các nhà hoạch định trung ương – họ sẽ phân bổ các nguồn lực cho các mục đích sử dụng khác nhau bằng cách đưa ra những mệnh lệnh trực tiếp, và giá cả chỉ là phần bổ sung thêm khi các nhà hoạch định này nâng lên hoặc hạ xuống mức họ thấy phù hợp. Hai nhà kinh tế học Liên Xô, Nikolai Shmelev và Vladimir Popov, đã mô tả một tình huống khi chính phủ của họ tăng giá mua da chuột chũi, khiến cho các thợ săn săn lùng và bán mặt hàng này nhiều hơn:

Sức mua của nhà nước tăng lên, và thế là giờ đây tất cả các trung tâm phân phối đều chứa đầy những tấm da sống này. Ngành công nghiệp không thể sử dụng tất cả số da này và chúng thường bị thối rữa trong nhà kho trước khi được xử lý. Bộ Công nghiệp nhẹ đã hai lần yêu cầu Goskomtsen giảm giá thu mua, nhưng “yêu cầu vẫn chưa được thông qua”. Và điều này chẳng hề đáng ngạc nhiên chút nào. Các thành viên chính phủ quá bận rộn nên chưa thể đưa ra quyết định được. Họ không có thời gian cho việc đó: Ngoài việc đặt giá cho da chuột chũi, họ còn phải theo dõi 24 triệu mức giá khác nữa.

Một cơ quan chính phủ có thể bị quá tải khi cố gắng theo dõi 24 triệu mức giá khác nhau, nhưng một quốc gia với hơn 100 triệu có thể làm nhiệm vụ này một cách dễ dang hơn, bởi vì những cá nhân hoặc doanh nghiệp chỉ cần theo dõi những mức giá liên quan đến việc ra quyết định của chính họ là đủ rồi. Vô số các quyết định biệt lập này diễn ra được là nhờ tác động của cung – cầu đối với giá cả và ảnh hưởng của giá đối với hành vi của người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Tiền bạc lên tiếng – và mọi người phải lắng nghe. Nhờ vậy, họ thường phản ứng nhanh hơn so với các nhà hoạch định của chính phủ – những người phải thu thập các báo cáo rồi mới ra quyết định được.

Mặc dù khi điều phối một nền kinh tế, việc ra lệnh cho mọi người cụ thể về những việc họ phải làm có vẻ là một cách quản lý hợp lý hoặc có trật tự hơn, nhưng trên thực tế nó lại hoạt động kém hiệu quả hơn. Trường hợp như mặt hàng da chuột chũi trong ví dụ trên diễn ra vô cùng phổ biến với nhiều loại hàng hóa khác trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô, nơi mà vấn đề kinh niên là có những thời điểm hàng hóa chất động trong khom và có những thời điểm hàng được sản xuất với cùng một nguồn tài nguyên bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong nền kinh tế thị trường, giá của hàng hóa dư thừa sẽ tự động tăng giảm theo cung và cầu, trong khi giá của hàng hóa thiếu hụt sẽ tự động tăng lên cũng bởi lý do tương tự – kết quả nó sẽ tạo ra sự chuyển dịch nguồn lực từ tập trung vào sản xuất hàng hóa dư thừa sang tập trung cho sản xuất những hàng hóa thiếu hụt, một cách hoàn toàn tự động kinh các nhà sản xuất tìm cách để thu được lợi nhuận và tránh thua lỗ.

Vấn đề ở đây không phải là các nhà hoạch định đã mắc những sai lầm cụ thể ở Liên Xô hay ở bất kỳ quốc gia nào khác đi theo hướng kinh tế theo kế hoạch. Dù cho các nhà hoạch định trung ương mắc phải bất kỳ sai lầm nào đi chăng nữa, thì tất cả các loại hệ thống kinh tế cũng đều mắc phải rất nhiều loại sai lầm, dù đó là tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, hay bất cứ loại hình kinh tế nào khác. Vấn đề cốt lõi nhất của kinh tế kế hoạch hóa tập trung là nhiệm vụ điều phối cả nền kinh tế này đã nhiều lần được chứng minh là quá sức đối với con người ở bất kỳ quốc gia nào đi theo hình thái kinh tế này.

Như 2 nhà kinh tế học Liên Xô Shmelev và Popov đã từng nói:

Dù cho chúng tối muốn tổ chức nền kinh tế một cách hợp lý, không lãng phí đến mức nào đi chăng nữa, dù cho chúng ta khao khát sắp xếp cấu trúc kinh tế một cách chặt chẽ,kín kẽ đến thế nào đi chăng nữa, nhưng việc đó vẫn không nằm trong khả năng của chúng tôi.

Happy Live team biên soạn/ Basic Economics

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề