Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ đi đâu về đâu hậu đại dịch Covid-19?
Mất gần 3 tháng trời “ngủ đông” bắt buộc và có thể sẽ cần thêm một thời gian nữa để quen dần với nếp sống “bình thường mới”, câu hỏi đặt ra với ngành du lịch, qua đó là với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam là bao giờ phân khúc này có thể đạt được những điểm sáng tăng trưởng như đã từng đạt được trước đây?
Kích cầu du lịch nội địa
“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi…”. Câu nói của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet đúng với giai đoạn cuối của mọi cuộc khủng hoảng và cuộc suy thoái, và có thể thấy thị trường hậu Covid-19 này có vẻ cũng không mấy khác biệt. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp kết quả kinh doanh quý II này của nhiều doanh nghiệp còn nhiều “biến số”, những ai dũng cảm bắt đáy hồi giữa tháng 4 đến giờ hầu hết đều có lãi lớn nhỏ tùy mã.
Với thị trường bất động sản, lời đồn về việc giảm giá đồng loạt do dịch bệnh dường như không đúng. Thực tế, trong quý I/2020, nhiều dự án chung cư, đất nền tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng giá từ 1- 3,5% so với cũng kỳ, theo báo cáo vừa được Bộ Xây dựng công bố.
Đối với bất động sản du lịch, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I, nguồn cung bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Chẳng hạn, số lượng căn hộ du lịch được nghiệm thu đưa vào sử dụng chỉ bằng 9% so với quý IV/2019; biệt thự du lịch không có sản phẩm mới nào trong cả quý vừa qua. Nếu tình trạng đình trệ này tiếp tục, nguy cơ chênh lệnh lớn về cung – cầu bất động sản du lịch sẽ sớm xảy ra thậm chí ngay từ đầu quý II này khi đã gần 1 tháng qua, Việt Nam không xuất hiện ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng và khách du lịch nội địa bắt đầu tấp nập ngay từ kỳ nghỉ lễ 30/4-1.5.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch nhận định, sau khi đỉnh dịch đi qua, thị trường du lịch nội địa từng bước hồi phục trước. Những khách hàng tiềm năng nhất là nhóm khách công vụ và khách thăm họ hàng, bạn bè do nhu cầu kết nối lại công việc và các mối quan hệ mật thiết. Bên cạnh đó, sau giai đoạn cách ly, thị trường du lịch tiếp cận môi trường số sẽ có nhiều yếu tố mới theo hướng năng động, tích cực hơn.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư bất động sản nhanh nhạy cũng đang bắt đầu “ngó nghiêng” các sản phẩm bất động sản du lịch đã “thành hình”, có thể khai thác. Nhất là dự án của các nhà đầu tư lớn, có uy tín, tiềm lực tài chính tốt, có kinh nghiệm vận hành, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, có nguồn khách ổn định.
“Giai đoạn hậu dịch bệnh này, condotel sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn do nút thắt pháp lý đã được gỡ bỏ. Nếu như tại Thái Lan – một quốc gia cũng mạnh về du lịch, condotel chỉ có thời hạn sở hữu 30 năm, thì Việt Nam vừa công nhận vị thế pháp lý của condotel với thời gian sở hữu 50 năm và còn có khả năng có thể gia hạn. Nếu mua lúc này, tôi sẽ chọn của một chủ đầu tư uy tín để chắc ăn với khoản cam kết lợi nhuận và năng lực cho thuê lại”, một nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu cho biết.
Lợi thế điểm đến an toàn sau dịch
Ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương từ đầu tháng 5 trở lại đây cho thấy, các khu nghỉ dưỡng lớn đã sẵn sàng hoạt động trở lại. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn trong việc tung ra các chương trình kích cầu du lịch trên quy mô lớn. Chẳng hạn, tại Sa Pa (Lào Cai) các khách sạn, homestay, các nhà xe du lịch giảm giá dịch vụ từ 30 – 50%; Vinpearl cũng tung ra chính sách khuyến mãi kích cầu du lịch với mức ưu đãi lên tới 50%; hay Sun Group cũng giảm giá cho người dân đi du lịch tại Fansipan hay Bà Nà Hills…
Đặc biệt, một điểm đáng lưu ý, sau dịch Covid-19, yếu tố an toàn đã kích thích nhu cầu gia tăng trải nghiệm nhiều hơn ở các dự án chất lượng cao, gắn với yếu tố xanh, giao hòa với thiên nhiên, sở hữu môi trường trong lành thay vì chắt bóp để ở trong những khách sạn, resort không đảm bảo về vệ sinh môi trường và an toàn cho sức khỏe.
Theo ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Phú Long, đây được xem là xu hướng tốt, gia tăng thêm những yêu cầu về chất lượng dịch vụ của các cơ sở, dịch vụ lưu trú hay các khu vui chơi giải trí phục vụ theo xu hướng tăng trải nghiệm sống, hòa mình với thiên nhiên. Chưa kể, nó cũng sẽ tạo ra bước đệm chuẩn bị tốt giúp hình ảnh Việt Nam dễ được ưu tiên tìm đến như là một “nơi trú ẩn” an toàn sau thời điểm dịch bệnh tại các nước trên thế giới kết thúc.
Dĩ nhiên, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cần một khoảng thời gian để hồi phục hoàn toàn để số đông các nhà đầu tư tiếp tục trở lại với thị trường vốn còn nhiều tiềm năng này. Trải qua khó khăn, sau sự thanh lọc tự nhiên, ưu tiên lựa chọn sản phẩm bất động nghỉ dưỡng để đầu tư cũng sẽ khác.
Bởi lẽ, dường như ở thời điểm này, câu chuyện cam kết lợi nhuận ở mức rất cao không phải là cách sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư. Bài học từ sự “vỡ trận” cam kết lợi nhuận của một số dự án đã khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp trở nên e dè. Họ thận trọng hơn khi đi tìm những chủ đầu tư có dự án triển vọng thực sự với mô hình phát triển ưu tú theo hướng điểm đến đa trải nghiệm “all in one” (tất cả trong một) cùng chính sách kinh doanh với lợi nhuận bền vững.
Chẳng hạn, Vinhomes hiện đang phát triển tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng Grand World tại Phú Quốc theo mô hình “thành phố không ngủ”. Vốn đã có kinh nghiệm quản lý những bất động sản “tất cả trong một” lại được thừa hưởng năng lực vận hành các khu du lịch của Vinpearl, Grand World Phú Quốc hướng đến đem đến hình thức du lịch kết hợp với trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, vốn được du khách quốc tế và trong nước ngày càng ưa chuộng.
Bên cạnh đó, Phú Long đang phát triển một dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô 290 ha tại bãi Ông Lang (Phú Quốc), với định hướng là khu nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa di sản. Chủ dự án này phát triển theo mô hình đa trải nghiệm “all in one”, nhà đầu tư khi đầu tư vào các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ở đây là mua cả hệ sinh thái, dòng tiền đầu tư vì thế sẽ ổn định hơn.
Tập đoàn Novaland lại chọn hướng phát triển một quần thể du lịch nghỉ dưỡng gắn với thể thao tại siêu dự án 1000ha NovaWorld Phan Thiết. Khu du lịch này được chủ đầu tư phát triển với đầy đủ các tiện ịch vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp cùng các giải đấu thể thao trong nước và khu vực…
Trước đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã ghi nhận một số chủ đầu tư triển khai các quần thể du lịch “all in one”. Chẳng hạn như Bà Nà Hills, Asia Park, Sun World Ha Long Park, Hòn Thơm (Phú Quốc) của Sungroup… Điểm chung của mô hình này là tỷ lệ lấp đầy công suất phòng luôn ở ngưỡng rất cao từ 80 – 90%, đem lại hiệu quả trong khai thác lợi nhuận dự án cho chủ đầu tư
Theo đại diện Savills Việt Nam, thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Đây là cơ sở để tin tưởng vào tương lai ngành bất động sản nghỉ dưỡng khi mà Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh.
Do đó, nếu “tham lam”, có thể tính toán việc đầu tư ngay từ bây giờ!
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live