Bí mật đằng sau quỹ Medallion: Cỗ máy kiếm tiền tỷ đô của “ông vua định lượng” Jim Simons
Jim Simons, người đàn ông đã biến toán học thành một công cụ kiếm tiền vô cùng lợi hại. Với quỹ Medallion, Jim Simons đã đạt được những thành tích mà không một quỹ đầu tư nào khác có thể sánh bằng.
Trong thế giới đầy biến đổi của tài chính và đầu tư, có một tên tuổi được coi là huyền thoại của ngành tài chính định lượng – Jim Simons. Từ năm 1988, Medallion – quỹ phòng hộ (hedge fund) hàng đầu của Renaissance Technologies – đã tạo ra mức lợi nhuận trung bình 66% mỗi năm, làm tăng các lợi nhuận giao dịch lên hơn 100 tỷ đô la. Không một ai trong giới đầu tư tiệm cận được mức đó cả, kể cả các tên tuổi nổi tiếng như Warren Buffett, George Soros, Peter Lynch, Steve Cohen và Ray Dalio… đều ở xa tít phía sau.
Jim Simons là một nhà toán học và nhà đầu tư nổi tiếng. Được biết đến với cái tên “Quant King” (Vua Định lượng), ông đã tích hợp việc sử dụng phân tích định lượng vào chiến lược đầu tư của mình. Simons là người sáng lập của Renaissance Technologies và quỹ Medallion của công ty này được coi như một Cỗ máy kiếm tiền vĩ địa nhất trong lịch sử tài chính. Cuộc đời và sự nghiệp của ông không chỉ là sự đột phá vượt qua những giới hạn, mà còn là cả niềm tin không ngừng vào sức mạnh của con số và thuật toán.
Niềm đam mê với con số từ thuở nhỏ
Những vết tích đầu tiên về sự thông minh độc đáo và niềm đam mê không ngừng với con số đã xuất hiện trong cuộc đời của Jim Simons từ khi ông còn nhỏ. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường tại Mỹ, Simons ngay từ nhỏ đã thể hiện sự thông minh, nhiệt huyết và luôn tò mò với những thách thức của số học. Việc Jimmy thích làm hơn bất cứ thứ gì khác là suy nghĩ, và thường là về toán học. Jimmy bận rộn với những con số, hình dạng và các góc. Khi lên ba, Jimmy đã nhân đôi rồi chia đôi các con số và tìm ra luỹ thừa của các số từ 2 tới 1024. Một ngày nọ khi đi biển thì gia đình cậu dừng lại để đổ xăng. Điều này khiến Jimmy vô cùng bối rối vì theo suy luận của Jimmy thì chiếc xe của gia đình cậu không bao giờ hết xăng, vì sau khi dùng hết một nửa bình xăng thì sẽ còn nửa còn lại, tiếp tới là nửa của số đó và cứ thế không bao giờ cạn. Đứa trẻ bốn tuổi đã vấp phải một bài toán kinh điển với mức độ logic cao. Nhà triết học Hy Lạp Zeno của xứ Elea là người đầu tiên đề cập tới bài toán nan giải này, một trong những nghịch lý đã thách thức các nhà toán học trong nhiều thế kỷ.
Vào năm 14 tuổi, Simons có một công việc làm thêm mùa lễ tại một phòng kho dưới hầm ở Boston. Khi làm việc tại đây Simons hay suy tư đến nỗi để lẫn phân cừu, hạt giống và gần như mọi thứ khác với nhau. Quá thất vọng nên chủ cửa hàng đã để ông đi quét các hành lang bằng gỗ cứng, một công việc lặp đi lặp lại và không cần suy nghĩ. Với Simons thì đây là một cơ hội để suy nghĩ: “Người ta đang trả tiền cho mình suy nghĩ!” – Jimmy 14 tuổi nghĩ vậy. Khi kết thúc công việc làm thêm mùa Giáng sinh, vợ chồng chủ cửa hàng hỏi ông về kế hoạch lâu dài của cậu – “Cháu muốn học toán ở MIT.” – Họ phá lên cười khi nghe điều đó, một cậu bé lơ đãng đến nỗi không thể phân biệt những dụng cụ làm vườn đơn giản lại nuôi mộng theo đuổi ngành Toán ở Viện Công nghệ Massachusetts.
Bỏ mặc những định kiến và với niềm tin mãnh liệt vào con số, tài năng vượt trội, tinh thần làm việc kiên trì cùng khả năng xử lý các vấn đề phức tạp đã giúp Jim Simons nhận được bằng cử nhân toán học từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1958 và một bằng tiến sĩ toán học từ Đại học California, khi ông mới chỉ 20 tuổi.
Và như lịch sử đã chứng minh, thì tất cả mới chỉ là khởi đầu cho một sự nghiệp lẫy lừng…
Trước khi thành lập Quỹ Medallion, Jim Simons đã làm gì?
Năm 1962, bản luận án tiến sĩ của Jim Simons với đề tài: “Về sự biến đổi của các hệ thống Holonomy” đã được hoàn thành chỉ trong vòng hai năm. Một tạp chí danh tiếng đã đăng luận án và điều đó giúp Simons giành được công việc giảng dạy đầy danh giá kéo dài ba năm tại MIT. Năm 1963, Simons đảm nhận vị trí nghiên cứu tại Harvard, tại đó ông dạy hai lớp cao học tài năng. Từ năm 1964 đến năm 1968, ông là thành viên trong đội ngũ nghiên cứu của Phân khúc Nghiên cứu Truyền thông tại Viện phân tích Quốc phòng (CRD của IDA) và trở thành lãnh đạo khoa Toán ở Đại học Stony Brook. Ở tuổi 30, hiếm ai có được một CV trong mơ như Jim Simons.
Do việc phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh Việt Nam có thể ảnh hưởng tới tính bảo mật của tổ chức, ông bị buộc phải rời khỏi IDA. Sau đó, ông tập trung vào công việc giảng dạy môn hình học của mình tại Đại học tổng hợp Stony Brook. Năm 1974 giáo sư Shiing-Shen Chern và Jim Simons đã công bố công trình “Các dạng đặc trưng và các hằng số hình học”, giới thiệu hằng số Chern-Simons. Hằng số này thể hiện tính chất không đổi ngay cả khi trải qua các loại biến đổi đặc biệt và tỏ ra rất hữu ích trong các lĩnh vực toán học khác nhau. Năm 1976, ở tuổi 37, Simons được trao giải Hình học Oswald Veblen của Hiệp hội Toán học Mỹ – giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực này – cho công trình với Chern cũng như nghiên cứu trước đây của anh về các đa tạp tối thiểu. Một thập kỷ sau, nhà vật lý lý thuyết Edward Witten và những người khác phát hiện rằng Lý thuyết Chern-Simons có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của vật lý, như lĩnh vực vật chất ngưng tụ, lý thuyết dây và siêu trọng lực. Lý thuyết Chern-Simons thậm chí còn có vai trò quan trọng đối với các phương pháp được Microsoft và các công ty khác sử dụng trong nỗ lực phát triển máy tính lượng tử có khả năng giải quyết các vấn đề vốn khó khăn đối máy tính hiện đại như nghiên cứu dược phẩm hay trí thông minh nhân tạo. Tính tới năm 2019, đã có hàng chục ngàn trích dẫn Lý thuyết Chern-Simons trong các công trình nghiên cứu – ước tính cứ ba ngày lại có một trích dẫn. Điều này củng cố vị trí rất cao của Simons trong ngành toán và vật lý.
Simons đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Nhưng rất nhanh chóng, ông trôi ra xa khỏi thế giới toán học với khao khát chinh phục một đỉnh cao mới.
Quỹ Medallion huyền thoại
Simons là một chuyên gia mật mã hàng đầu, leo lên đến đỉnh cao của toán học và đã gầy dựng một khoa Toán tầm cỡ thế giới, tất cả đều diễn ra ở tuổi bốn mươi. Do đó, với tất cả những thành tựu mà mình đã đạt được, ông tự tin mình có thể chinh phục thị trường. Các nhà đầu tư đã mất hàng thế kỷ để cố gắng chinh phục thị trường nhưng chẳng mấy khi đạt được thành công lớn. Một lần nữa, những thử thách, thay vì khuất phục được Simons, dường như lại khơi dậy ngọn lửa trong ông.
“Dường như trên thị trường tồn tại một cấu trúc nào đó” – Simons nghĩ. Và ông chỉ cần tìm ra nó thôi.
Simons quyết định xem thị trường tài chính như mọi hệ thống hỗn loạn khác. Giống như các nhà vật lý thu thập một lượng lớn dữ liệu và xây dựng các mô hình tuyệt đẹp để xác định các quy luật trong tự nhiên, Simons sẽ xây dựng các mô hình toán học để xác định trật tự trong thị trường tài chính. Cách tiếp cận của ông có nhiều điểm tương đồng với chiến lược mà ông đã phát triển nhiều năm trước tại IDA, khi ông và các đồng nghiệp của mình viết bài nghiên cứu xác định rằng trong thị trường tồn tại những trạng thái ấn khác nhau có thể được xác định bằng các mô hình toán học.
Năm 1978, Simons đặt tên cho công ty đầu tư mới của mình là Monemetrics – một sự kết hợp giữa money (tiến) và econometrics (kinh tế lượng) để ám chỉ rằng ông sẽ sử dụng toán học để phân tích các dữ liệu tài chính và tìm kiếm lợi nhuận từ các giao dịch và một quỹ phòng hộ tên là Limroy. Ở IDA, Simons đã tạo được các mô hình trên máy tính để lọc ra các tín hiệu” giấu trong những thông tin liên lạc của kẻ thù. Ở Stony Brook, ông đã phát hiện, tuyển mộ và quản lý các nhà toán học tài năng. Giờ đây Simons sẽ thiết lập một nhóm những bộ não tài ba để sử dụng các dữ liệu nhằm xác định xu hướng của thị trường và phát triển các công thức toán học để tìm kiếm lợi nhuận từ chúng.
Bằng việc thuê các nhà toán học, nhà thống kê và nhà vật lý, Renaissance Technologies (tiền thân là Monometrics) cùng với quỹ đầu tư đắt giá của họ, Medallion Fund, đã được thành lập vào năm 1982. Jim Simons đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và CEO của Renaissance Technologies cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2010. Jim Simons và đội ngũ nhân viên của ông, bao gồm nhiều giáo sư Toán học, đã tạo nên một “cỗ máy kiếm tiền” độc đáo bằng việc kết hợp tài chính định lượng và công nghệ máy tính hiện đại. Tuy nhiên, cách hoạt động của họ vẫn được bao bọc bởi bí mật. Đối với cả Wall Street và những người hiểu biết về thị trường,”công thức thành công” của Jim vẫn là một ẩn số.
Nhờ vào dữ liệu phân tích về hoạt động của Renaissance Technologies, các chuyên gia kinh tế từ Bloomberg đã nhận thấy rằng quỹ Medallion đã thực hiện những bước đột phá lớn trong cách thức hoạt động.
Tính tới mùa hè năm 2019, quỹ Medallion của Renaissance đã đạt mức tăng trung bình hàng năm – trước khi trả phí của các nhà đầu tư – là khoảng 66% kể từ năm 1988 và lợi nhuận sau phí khoảng 39%. Vào tháng Sáu năm 2019, Renaissance quản lý tổng cộng 65 tỷ đô la, khiến nó trở thành một trong những công ty quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, và đôi khi nó chiếm tới 5% khối lượng giao dịch mỗi ngày trên thị trường chứng khoán, không bao gồm các giao dịch tần suất cao.
Chuyên gia ước tính rằng, nếu bạn đầu tư 1.000 USD vào quỹ vào năm 1998, thì đến giữa năm 2016, số tiền này sẽ tăng lên thành 13.830.598 USD – tức là tăng gấp 13.830 lần, tương đương tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 40%.
Bí quyết kiếm tiền từ đầu tư của Jim Simons vẫn rất bí ẩn…
Ở năm 2018, lợi nhuận riêng của Medallion là 104.5 tỷ USD. Ngoài ra, Renaissance cũng có lãi từ ba quỹ phòng hộ dành cho các nhà đầu tư bên ngoài, ba quỹ này quản lý khoảng 55 tỷ USD tại tháng 04 năm 2019 (Nguồn: Báo cáo thường niên của Medallion). Trước khi Jim Simons trở thành cái tên được biết đến rộng rãi, giao dịch hộp đen (Black Box Trading) – chiến lược đầu tư được quyết định bởi các thuật toán máy tính không phải lựa chọn ưu tiên đối với các quỹ đầu tư, so các cách phân tích cổ phiếu truyền thống. Thế nhưng, chỉ sau đó không lâu, tần suất sử dụng.
Black Box nhanh chóng chiếm tới hơn 50% tổng số các giao dịch cổ phiếu tại New York.
Theo ước đoán của các nhà khoa học, thuật toán Renaissance Technologies sử dụng có tốc độ cao với độ phức tạp theo hàm số mũ. Lý thuyết Chern-Simons cũng có khả năng áp dụng vào Black Box giúp Jim Simons tính toán và xác định xu hướng của thị trường nhanh hơn các đối thủ, qua đó kịp thời đưa ra quyết định đầu tư. Trong giới tài chính, sự khác biệt dù chỉ một phần trăm giây khi đặt lệnh cũng dẫn tới sự chênh lệch khổng lồ về lợi nhuận.
Bản thân Simons cũng từng khẳng định: Bí mật hoạt động trong quỹ của tôi thậm chí còn lớn hơn bất cứ nơi nào tôi đã từng làm việc. Hằng ngày, trụ sở của Renaissance Technologies chỉ mở cửa cho khoảng 300 nhân viên và các đối tác quan trọng. Quỹ cũng xây dựng khu dân cư riêng cho các nhân viên và gia đình của họ mang tên Renaissance Riviera. Và dù có rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp phân tích thuật toán mà Jim Simons sử dụng, nhưng họ vẫn không thể tìm ra cách mà ông đã ứng dụng thuật toán này vào các mô hình phân tích đầu tư. Có thể nói rằng, phương pháp đầu tư của Jim Simons vẫn còn là một ẩn số và phải bỏ nhiều thời gian hơn nữa để có được câu trả lời mà mình muốn.
Nhiều người tin rằng không có mô hình hoặc chỉ báo nào có thể thành công trên thị trường lâu dài. Họ tự hỏi phương pháp thành công của Medallion sẽ còn kéo dài bao lâu. Nhưng giờ đây, với việc Jim Simmons đã nghỉ hưu, cỗ máy in tiền vẫn đang vận hành mượt mà. Ngay cả vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế bùng nổ như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nhiều quỹ phòng hộ đang gặp khó khăn, Quỹ Medallion của Renaissance Technologies vẫn mang lại lợi nhuận hơn 20%.
Dù đạt được nhiều thành công mang tính đột phá trong giới tài chính nhưng Simons không đổ hàng tỷ đô la của mình phung phí vào những dự án phù phiếm. Ông dành tiền và sức lực của mình cho những nỗ lực có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Hoạt động thiện nguyện
Năm 1994, ông và vợ Marilyn thành lập Quỹ Simons, một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ các dự án giáo dục, y tế, đặc biệt là bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ, và cũng là tổ chức tài trợ chính cho Math for America – tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các giáo viên toán và khoa học trung học. Ông cũng có nhiều hoạt động từ thiện khác trên danh nghĩa 2 người con trai quá cố của mình. Năm 2011, cặp đôi này đã trao số tiền kỷ lục 150 triệu USD cho Đại học Stony Brook, ngôi trường mà Simons đã từng gắn bó.
Sau sự thành công vang dội của Medallion Fund, việc áp dụng phương pháp đầu tư định lượng đã trở thành một xu hướng được nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư trên khắp thế giới quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được mức thành công tương tự như Medallion Fund. Điều này xuất phát từ những thách thức đặt ra bởi sự đa dạng và phức tạp của các thị trường tài chính khác nhau trên toàn cầu.
Việc thực hiện mô hình đầu tư định lượng yêu cầu khả năng tiếp cận dữ liệu lớn, phân tích thông tin phức tạp và thậm chí phải đối mặt với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường. Những yếu tố này có thể thay đổi tùy theo từng quốc gia và khu vực, tạo ra những thách thức riêng biệt mà các quỹ đầu tư định lượng phải đối mặt.
Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của ngành tài chính và đầu tư, việc đầu tư theo trường phái định lượng cũng đã thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, môi trường tài chính ở Việt Nam có những đặc thù riêng, từ sự thay đổi nhanh chóng của quy định tài chính đến sự biến động đôi khi khó lường trước được trên thị trường. Dù vẫn còn nhiều rủi ro, khó khăn nhưng đồng thời, cơ hội cũng đang mở ra. Sự phát triển của công nghệ và khả năng tiếp cận dữ liệu ngày càng tốt, nhất là khi hệ thống KRX sắp vận hành và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giúp thúc đẩy sự xuất hiện của các quỹ đầu tư định lượng tại Việt Nam, tạo nên những cơ hội mới.
Tạm kết
Jim Simons là một biểu tượng tài chính với cuộc đời và sự nghiệp đầy ấn tượng. Từ niềm đam mê với toán học đến việc sáng tạo ra mô hình đầu tư định lượng đột phá, ông đã thay đổi cách nhìn về đầu tư. Sự thành công của Medallion Fund không chỉ là câu chuyện về sự thông minh mà còn về sự đột phá và niềm tin vào sức mạnh của con số và thuật toán.
Hoai An Le (Theo Spiderum)
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Trí Tuệ Tỷ Đô Của Các Bậc Thầy Đầu Tư 2022