Bí mật tiến đến sự giàu có là: Mua tích trữ cổ phiếu khi giá giảm, nhưng điều quan trọng là: Mua tích trữ cổ phiếu cụ thể nào?
Rất khó để tìm ra một doanh nghiệp hoàn hảo để bạn đầu tư- thậm chí chẳng bao giờ có công ty nào như vậy. Chưa kể, số lượng doanh nghiệp tuyệt vời mà bạn có thể hiểu rõ giá trị của chúng để mua tích trữ cũng không phải là quá nhiều. Một khi chúng ta tìm đúng doanh nghiệp thì việc xác định khi nào nên mua tích trữ là một việc dễ dàng: Bạn chỉ cần đợi và mua tích trữ dần khi giá cả hạ xuống.
Việc mua cổ phiếu cũng giống như mua một chiếc xe hơi. Bạn có thể mua một chiếc xe Maserati, và bạn chắc chắn sẽ tủm tỉm cười vì mua được chiếc xe giá hời, hoặc bạn chắc chắn sẽ sôi máu vì mua hớ. Bạn sẽ xem xét: “phần cứng” của xe còn tốt không, khung gầm còn ngon không, dàn đồng có rỉ sét hay không. Trả lời được những câu hỏi đó bạn đã định giá được chiếc xe. Dĩ nhiên, sẽ có những vấn đề vụn vặt khác cần cân nhắc nhưng bạn hoàn toàn có thể ước đoán được số tiền để sửa chữa những lỗi bề ngoài ấy, và vẫn có thể xác định chiếc xe là một món hời. Nhưng nếu “phần cứng” không tốt thì chi phí tân trang và chi phí mua xe sẽ còn lớn hơn nhiều so với giá của xe hơi đó có thể được bán trong tương lai. Nếu bạn mua chiếc xe xét về cơ bản là không tốt với bất cứ giá nào, bạn đã mất tiền. Nhưng nếu bạn mua chiếc xe cơ bản là tốt và đang hạ giá, bạn có cơ hội kiếm tiền khi bán ra.
Cũng tương tự như mua cổ phiếu, việc xác định được giá trị của doanh nghiệp là vấn đề then chốt trong mua tích trữ cổ phiếu. Những người giàu lên nhờ mua các công ty, họ chỉ có thể giàu lên nếu biết được giá trị của công ty đó. Khi chúng ta biết rõ giá trị của một doanh nghiệp mà chúng ta đang mua vào, chúng ta sẽ vui vẻ với cái giá đã trả cho nó và không cảm thấy lo lắng nếu như giá cổ phiếu đang đi xuống. Thực tế, đó chính là cơ hội.
Vậy giá trị của một doanh nghiệp được tính như thế nào?
Giá trị của một doanh nghiệp được dựa trên 4 yếu tố:
- Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 12 tháng gần nhất
- Tỷ lệ tăng trưởng EPS trong 10 năm tới
- Chỉ số PE trong 10 năm vừa qua
- Tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu chấp nhận được
Trong bốn yếu tố kể trên, yếu tố thứ nhất và thứ tư không khó để tìm kiếm thông tin trên mạng Internet. Để biết EPS trong 12 tháng gần nhất, bạn tìm trên MSN hoặc Yahoo, hãy search từ khóa Trailing Twelve Months (ttm) EPS. (Tại Việt Nam, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các thông tin này tại các chuyên trang về tin tức tài chính như cafef.vn hoặc vietstock.vn hoặc cophieu68.vn).
Còn tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu chấp nhận được MARR, yếu tố đứng thứ tư trong danh sách, nó cố định ở mức 15% và chẳng bao giờ thay đổi. Bạn thắc mắc là tại sao là 15%. Là bởi vì mức 15% vừa đủ trang trải các chi phí cho lạm phát, lãi suất trái phiếu, thuế, và cũng bao gồm một phần tiền lãi xem như tiền công cho nỗ lực của chúng ta. Bạn phải ghim vào đầu con số này khi định giá một công ty: 15%. Chỉ có thể hơn, không thể bớt.
Với yếu tố thứ ba, chỉ số PE (Price per Earning) trong 10 năm của một công ty, cũng không quá khó để tìm kiếm. Bạn hãy tìm chỉ số PE trong quá khứ của công ty đó. Đừng lấy thông tin của quý gần nhất, mà là của 10 năm vừa qua. Bởi vì nó sẽ giúp ta dự báo được chỉ số PE của tương lai của công ty này. Ở bước này, thấu hiểu doanh nghiệp sẽ rất hữu ích: Nếu, ví dụ, một công nghệ mới sẽ biến sản phẩm của công ty trở nên lỗi thời, khi ấy những số liệu PE trong quá khứ không còn giá trị ước đoán nữa. Nhưng nếu bạn theo đúng ba chữ M, ngay từ đầu bạn đã chẳng quan tâm đến một công ty sẽ sớm lỗi thời phải không?
Tính được giá trị của doanh nghiệp là một bước quan trọng để tạo ra lợi nhuận trong Quy tắc số 1, nhưng mua bán nương theo các ông lớn sẽ giúp bạn tránh bị mất tiền nếu bạn tính sai giá trị, vì nó cho bạn một cách thức đáng tin cậy để tháo lui trước khi thị trường sụp đổ. Do đó, chúng ta có thể phạm khá nhiều sai lầm trong khâu tính toán giá trị của công ty. Chúng ta không thể làm thế khi chúng ta đầu tư theo phương pháp mua tích trữ cổ phiếu. Khi chúng ta mua tích trữ cổ phiếu, chúng ta sẽ không dùng những công cụ đó để tháo chạy. Thay vào đó, chúng ta sẽ cư xử như những người chủ của một công ty tư nhân. Những lý do để chúng ta phải thoát ra khỏi công ty chỉ là khi công ty không còn tuyệt vời nữa, hoặc khi giá quá cao đến nỗi chúng ta không thể từ chối cơ hội gom tiền mặt hoặc khi chúng ta buộc phải có tiền ngày – chúng ra chỉ chấp nhận ba lý do trên để tháo lui khỏi doanh nghiệp mà thôi. Đừng bao giờ bán cổ phiếu giữa chừng vì giá cổ phiếu giảm. Hãy học hỏi theo cách phản ứng của những người giàu nhất trên tạp chí Forbes, họ sẽ bỏ thêm tiền ra mua cổ phiếu khi chúng tụt giá để làm tăng nhanh tỷ lệ lợi nhuận gộp. Khi chúng ta mua tích trữ, chúng ta đang theo đuổi một số tiền lớn, nhưng phải kiên định một thời gian dài để lấy được nó.
Vì lẽ đó, là một nhà đầu tư cổ phiếu theo phương pháp mua tích trữ, chúng ta cần phải nắm chắc giá trị của công ty hơn khi chúng ta là người mua bán cổ phiếu tích cực. Điều đó có nghĩa là một nhà mua tích trữ cổ phiếu phải biết chắc về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận tương lai hơn là một người thường xuyên giao dịch cổ phiếu.
Nguồn: Phil Town, sách Payback Time – Ngày Đòi Nợ/Happy.Live tổng hợp và biên tập
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(mua tích trữ cổ phiếu và làm giàu dưới tác động của lãi kép)