Bí quyết giúp thế hệ sau của gia tộc Rockefeller duy trì sự giàu có và đẳng cấp trí tuệ
Gia tộc Rockefeller không chỉ nổi tiếng với tài sản khổng lồ mà còn với những hậu duệ xuất sắc về học vấn và trí tuệ. Hãy khám phá 3 bí quyết then chốt đã giúp họ giữ vững vị thế đỉnh cao qua nhiều thế hệ.
Là bậc cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái mình giỏi giang, thành công. Nhưng làm thế nào để giáo dục trẻ thành thiên tài? Đây quả là câu hỏi khó nhằn. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm giáo dục trẻ của một trong những vị tỷ phú giàu bậc nhất thế giới – ông Rockefeller, người được mệnh danh là “vua dầu mỏ”.
Tỷ phú Rockefeller lớn lên trong gia đình nghèo khó. Ông bắt đầu kinh doanh từ năm 22 tuổi và làm việc trong suốt 70 năm để tạo nên nhiều kỳ tích. Kinh nghiệm sống phong phú và trí tuệ kinh doanh của ông đáng để mọi người học hỏi.
Vị tỷ phú này còn rất chú trọng đến việc giáo dục thế hệ sau. Con cháu được Rockefeller giáo dục đều là những người thông minh, là “học bá” hoặc là giới tinh hoa kinh doanh. Con trai của ông là người đứng đầu, kế nghiệp gia đình, tiếp nối công việc làm từ thiện của cha. Ngoài ra, thế hệ sau của tỷ phú còn có những cái tên lừng danh như Lawrence Rockefeller – cha đẻ của quỹ đầu tư mạo hiểm thiên tài Phố Wall, Nelson Rockefeller, David Rockefeller,…
Người xưa vẫn thường nói: “Không ai giàu 3 họ” nhưng đối với gia tộc Rockefeller, họ đã thịnh vượng suốt sáu thế hệ và đến nay chưa hề có dấu hiệu suy tàn. Điều này chính xác là do khái niệm về sự giàu có của họ có liên quan chặt chẽ đến nền giáo dục mà gia đình họ đã truyền cho con cái họ từ khi còn nhỏ.
Tỷ phú Rockefeller đã để lại cho thế hệ sau 38 bức thư gói gọn những thành tựu, kinh nghiệm kinh doanh, trải nghiệm với nhiều người khác nhau. Đó là kiến thức mà các bậc phụ huynh cũng nên trang bị cho mình trong quá trình đồng hành cùng con cái.
1. Biết cách học và vận dung để phát huy vai trò của kiến thức
Rockefeller đã nói với con trai mình trong thư: “Con nên nhận thức rõ ràng rằng kiến thức trong sách vở rốt cuộc cũng chỉ là kiến thức, trừ khi con có thể áp dụng những kiến thức này vào hành động. Hơn nữa, kiến thức trong sách giáo khoa cơ bản là do những người thợ tri thức ít kinh nghiệm biên soạn nên khó có thể giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn. Con phải biết cách học và áp dụng linh hoạt”.
Dù chúng ta có trình độ học vấn cao đến đâu, nếu không áp dụng được những gì đã học thì chúng ta vẫn sẽ trống rỗng kiến thức.
Wu Jihong, tốt nghiệp Đại học Nhân dân năm 1998 và Zhang Xiaoyong, tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa năm 1996, là những ví dụ điển hình cho việc không thể áp dụng những gì đã học nên gặp khó khăn khi tìm việc làm. Cuối cùng, 2 người phải quay về quê hương của họ. Wu Jihong phải sống bằng trợ cấp sinh hoạt, còn Zhang Xiaoyong làm nhân viên bảo vệ.
Vì vậy, chỉ khi bạn đã học được kiến thức và có thể học và áp dụng nó thì đó mới được coi là kiến thức của chính bạn.
2. Phải biết cách tự cứu chính mình
Như người ta thường nói: “Chỉ có chịu đựng gian khổ mới có thể trở thành bậc thầy” . Việc vượt qua những con đường khó khăn đầy gian khổ không chỉ tạo nên tính cách mạnh mẽ mà còn tạo động lực để chiến thắng mọi thứ.
Người chưa từng trải qua bất hạnh là người bất hạnh nhất. Nhiều người nổi tiếng hay giàu có chỉ sau một đêm, cuối cùng cũng sớm suy tàn, mất hết vinh quang. Chỉ có chịu đựng gian khổ lâu dài thì chúng ta mới có thể đạt được thành tựu bền vững.
Vì vậy, khi con trai của Rockefeller vừa tốt nghiệp, Rockefeller đã không nhận con vào làm mà sắp xếp cho con ở vị trí cuối cùng của công ty để đào tạo.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại nghĩ hoàn toàn ngược lại, mong con mình sẽ nhận được mức lương hàng năm cao chót vót ngay khi ra trường. Như mọi người đều biết, thành công dễ đạt được cũng dễ mất đi.
3. Người cho mình thông minh là kẻ ngốc, còn người biết hành động ngu ngốc mới thực sự thông minh
Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy lãnh đạo của nhiều công ty áp dụng phong cách làm việc chuyên quyền, áp bức nhân viên khiến hiệu quả không cao, nội bộ lục đục. Trên thựctees, đây là cách quản lý yếu kém, và người sếp đó không có năng lực lãnh đạo.
Ai cũng muốn được tôn trọng và rất nhạy cảm, khó chịu khi bị coi thường. Điều này trực tiếp dẫn đến việc thiếu động lực làm việc.
Những nhà lãnh đạo hay quản lý thông minh luôn là người rộng lượng, biết khen ngợi người khác. Họ sẽ nhận được sự tôn trọng của cấp dưới. Họ biết hạ thấp bản thân, tôn trọng cấp dưới và học cách khiêm tốn. Nói cách khác, đừng thể hiện sự thông minh của mình. Người càng thông minh thì càng có nhiều khả năng hành động ngu ngốc.
Trên thực tế, những người biết hành động có phần ngốc nghếch có thể tránh được những rối ren, phức tạp không đáng có. Và họ thường nhận được thiện cảm từ mọi người xung quanh.
Hoai An Le (Theo Thanh niên Việt)