“Bố già” và 4 bài học khởi nghiệp quý giá không thể bỏ qua
Tác phẩm điện ảnh kinh điển Bố già của đạo diễn Francis Ford Coppola dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo chứa đựng những lời khuyên quý giá dành cho các doanh nhân khởi nghiệp.
Giúp đỡ là cách xây dựng mạng lưới quan hệ
Trong cảnh mở đầu của phần đầu tiên, Don Vito Corleone nói với một người đàn ông đang cầu xin sự giúp đỡ của mình: “Một ngày nào đó, và có thể ngày đó không bao giờ đến, tôi sẽ yêu cầu anh làm cho tôi một việc”. Ông trùm có một danh sách dài những người nợ mình và rất nhiều người bạn ở các vị trí cao. Mạng lưới vô giá này không thể được xây dựng qua mạng xã hội cho dù Facebook có tồn tại từ 60 năm trước. Nó được xây dựng bằng cách giúp đỡ, làm ơn mà không nghĩ đến chuyện được báo đáp ngay và đón nhận những việc này với một cung cách lịch sự. Mạng lưới quan hệ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với các doanh nhân khởi nghiệp.
Đừng nói khi đang lắng nghe
Trong phim có nhiều cảnh mà Bố già Vito và con trai nhỏ Michael, người sau này trở thành Bố già, lắng nghe người khác nói. Mọi người nhờ giúp đỡ, các doanh nhân thì đề xuất ý tưởng kinh doanh mạo hiểm, các gia đình đối thủ bày tỏ quan điểm của họ – Bố già đều lắng nghe chăm chú với sự kính trọng. Khi con trai lớn Sonny ngắt lời một ai đó trong một cuộc họp, ông liền xin lỗi thay cho con trai mình. “Họ nói và nên được lắng nghe,” đó là lời của Bố già.
Điều này đặc biệt quan trọng với các doanh nhân châu Á, nơi mà phần nhiều của việc giao tiếp được diễn ra một cách gián tiếp. Mọi người thường tránh việc giải thích rườm rà mà chủ yếu dựa vào sự ngầm hiểu. Lắng nghe một cách cẩn thận, đặc biệt là những tín hiệu không lời, nếu không, bạn sẽ bỏ qua điều mà người đối diện thực sự muốn nói.
Doanh nghiệp lớn hơn tiền
“Chuyện làm ăn” của Bố già không chỉ là chuyện làm ăn. Vito chăm sóc những người làm việc cho ông, đối xử với họ như gia đình. Nếu bạn quan tâm đến lợi ích của những người làm việc cho mình, bạn sẽ tăng thêm cơ hội kiếm tiền. Nói một cách khác, hãy bảo đảm là doanh nghiệp của bạn đang phục vụ, thỏa mãn một nhu cầu xã hội rồi hãy lo lắng về doanh số.
Để súng lại, mang bánh cannoli về nhà
Khi Peter Clemenza, một cánh tay mặt của Bố già rời nhà để xử lý một kẻ thân cận làm hỏng việc của nhà Corleone, vợ của ông nhắc ông nhớ ghé tiệm bánh để mua ít bánh cannoli mang về nhà. Clemenza đã nói câu thoại nổi tiếng này với tay sát thủ khi xong việc: “Hãy để súng lại, mang bánh cannoli về nhà”.
Nếu bạn là một doanh nhân khởi nghiệp, công việc sẽ chiếm phần lớn thời gian của bạn. Nhưng đừng nên để điều này xen vào những nghĩa vụ gia đình của bạn. Cũng như Don Vito nói: “Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình không bao giờ có thể là một người đàn ông thật sự”.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU