Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra ‘cửa’ giúp doanh nghiệp Việt Nam làm ra mạng xã hội thắng được Facebook
“Giả sử mình viết được 1 mạng như Facebook thì đấy là bình thường, mình phải thay đổi triết học của Facebook thì đấy mới là giá trị”, bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tại buổi trao đổi diễn ra ở Khu phần mềm Quang Trung (QTSC) – TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chữ IT không còn là chữ IT nữa. IT đã gắn với viễn thông để thành ICT. ICT cũng không còn là ICT nữa. ICT đã gắn với những gì liên quan đến số, công nghệ số. Công nghệ số bây giờ là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là kinh tế số, xã hội số”.
Như vậy, theo quan điểm của Bộ trưởng, Việt Nam muốn hùng cường, muốn thành nước công nghiệp phát triển, thì phải dựa vào công nghệ, mà công nghệ chủ yếu là công nghệ số. Những nước đi sau như Việt Nam có cơ hội rất lớn.
Ngoài câu chuyện doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Hùng đặt vấn đề Việt Nam cần có mạng xã hội “made in Vietnam”.
“Tại sao không nghĩ đến chuyện viết ra một mạng xã hội thay thế Facebook vì triết học của Facebook đã không còn phù hợp với thế giới.”, bộ trưởng Hùng khẳng định.
Theo ông hiện có 2,3 tỷ người dùng Facebook tạo ra giá trị nhưng chỉ rơi vào một người là Zuckerberg. Và luật chơi Facebook 2,3 tỷ người này không được phép quyết định.
“Và Facebook đi đến các nước vào bảo tôi không tuân thủ luật pháp địa phương: Tôi có luật pháp riêng của tôi. Tại sao mình không nghĩ ra một mạng xã hội để những người chơi trong đấy quyết định luật chơi của mình và giá trị tạo ra được chia sẻ và tôi đến đâu tôi tuân thủ luật pháp, nhập gia tùy tục”, ông Hùng đặt câu hỏi cho các doanh nghiệp CNTT.
Tuy nhiên bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt chỉ “copy” ý tưởng của Facebook thì sẽ không “có cửa” thắng được mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
“Facebook họ chi ra chục tỷ (USD) nghiên cứu một năm. Nhưng giả sử mình viết được 1 mạng như Facebook thì đấy là bình thường, mình phải thay đổi triết học của Facebook thì đấy mới là giá trị.
Tức là bây giờ mạng xã hội của tôi giá trị được chia sẻ với tất cả mọi người, mạng xã hội của tôi là luật chơi anh em được quyền quyết định, mạng xã hội của tôi được may đo theo luật pháp địa phương. Ra một mạng xã hội như thế thì may ra mới có cửa thắng. Thế nên may được cái áo giống người khác chưa phải là giỏi, nó phải là may cái áo với một triết học khác thì đấy mới là cửa thành công“, bộ trưởng phân tích.
Ngoài mạng xã hội, ông Hùng cũng đặt hàng các doanh nghiệp về việc phát triển công cụ tìm kiếm. Theo đó doanh nghiệp CNTT cần nghĩ khác, làm khác đi. Cụ thể bộ trưởng lấy ví dụ: “Tại sao mình không nghĩ làm một công cụ tìm kiếm để cho mẹ mình chỉ cần nói 1 câu. Giả sử mẹ mình nhớ mang máng ngày xưa ăn một món ở Hà Nam năm 1937 và trước khi chết muốn ăn lại cái bánh đấy. Cụ thì không biết gõ máy tính mà chỉ nói được và máy tính cũng không đưa ra 1 triệu câu trả lời mà đưa ra 1 câu trả lời thôi. Vì nếu đưa 1 triệu câu trả lời thì cụ không biết đọc cái gì.”
Số liệu dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quảng cáo trong nước như VCCorp, Zing, 24H, VnExpress… chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, tương đương 33,3%.
Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66,7%, tương đương 387,1 triệu USD (trong đó, Facebook khoảng 235 triệu USD, Google khoảng 152,1 triệu USD).
ANTS cũng dự đoán năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, ANTS dự đoán năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.
Mặc dù doanh thu khủng, nhưng Google, Facebook không đóng thuế tại Việt Nam, không những thế, lại đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước.
Một lãnh đạo Tổng cục thuế từng thừa nhận, điểm khó trong công tác thu thuế là các doanh nghiệp này hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh cũng như không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua đại lý hoặc mua – bán trực tuyến. Trường hợp thông qua các đại lý trong nước thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật khi phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào ý thức về nghĩa vụ thuế của các đại lý trong nước. Ngoài ra còn trường hợp mua – bán trực tuyến và thanh toán qua thẻ tín dụng thì khó xác định.
Nguồn: CafeBiz