Các bài học năng lượng từ xung đột Nga – Ukraine
Trong số những lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga tính đến ngày 4/3, chưa có biện pháp nào nhằm vào xuất khẩu năng lượng của nước này. Tuy nhiên, “cơn bão” trừng phạt đã ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường năng lượng vì đặt ra trở ngại lớn cho việc thanh toán các giao dịch dầu lửa. Chưa kể, dầu thô của Nga cũng ế ẩm vì các nhà giao dịch không dám mua do lo ngại bị vướng lệnh trừng phạt sau này.
Về phần mình, EU tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bị cắt nguồn cung khí đốt. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng đã quyết định xả 60 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược của các quốc gia thành viên, trong đó Mỹ dự định xả 30 triệu thùng để bổ sung nguồn cung cho thị trường.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí đốt Nga là quá lớn để có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Ngoài ra, lượng dầu dự trữ mà IEA xả ra thị trường chỉ là “muối bỏ bể” nếu so với một sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga – quốc gia khai thác khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu 4-5 triệu thùng trong số này.
Dưới đây là ba bài học về an ninh năng lượng được rút ra từ xung đột Nga-Ukraine
Chính sách năng lượng là “hòn đá tảng” trong chính sách an ninh của một quốc gia. Chuyên gia Steve Cicala của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) – một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ – cho rằng châu Âu đã “quá bất cẩn” khi cho phép mình lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga. “Trong thời gian tới, EU nên hành động nhanh nhất có thể để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga”, ông Cicala nói với hãng tin CNBC.
Tuy nhiên, độc lập năng lượng không có nghĩa là an ninh năng lượng. “Mục tiêu phải là an ninh năng lượng, mà an ninh năng lượng không phải là độc lập năng lượng”, giáo sư David Victor của Đại học California, San Diego phát biểu.
Theo ông Victor, độc lập năng lượng có nghĩa là một quốc gia dựa vào các nguồn cung năng lượng trong nước. Nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, sự linh hoạt trở nên rất hạn hẹp nếu một trong trong những nguồn cung đó bị gián đoạn hoặc cạn kiệt. Như vậy, một thị trường toàn cầu vận hành trơn tru vẫn là giải pháp tốt hơn cả. “An ninh năng lượng đến từ sự đa dạng, và chỉ sự đa dạng mà thôi”, ông Victor kết luận.
Đối với châu Âu, sự phụ thuộc quá mức vào các đường ống dẫn khí đốt từ Nga chính là vấn đề. EU chỉ tự đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu khí đốt và nhập khẩu 90% còn lại, trở thành thị trường nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới – theo dữ liệu của cơ quan năng lượng EU. Trong đó, 41% lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu đến từ Nga, 24% đến từ Na Uy và 11% đến từ Algeria.
Giải pháp ngắn hạn của EU cho trường hợp gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga là tăng nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu biển từ Mỹ và Qatar. “Châu Âu đang tăng nhập khẩu khí đốt từ các nước khác. Đó chính là một cách giúp họ cải thiện an ninh năng lượng”, ông Victor nói.
Trong những năm qua, EU đã giảm phụ thuộc vào than nhằm tiến tới mục tiêu khí hậu là đến năm 2050 đạt trung tính carbon và đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 55% khí thải. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan thống kê Eurostat, đến năm 2020, 32% tiêu thụ năng lượng của EU vẫn là dầu và các sản phẩm từ dầu; 25% là khí tự nhiên, 11% là nhiên liệu hoá thạch thể rắn; 13% là năng lượng hạt nhân; và 19% là các nguồn năng lượng tái sinh.
Việc tập trung phát triển năng lượng tái sinh là một vấn đề rất quan trọng, theo ông Aaron Praktiknjo, Trưởng bộ phận kinh tế học hệ thống năng lượng thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng E.ON, Đại học RWTH Aachen, Đức. “Tôi cho rằng EU không nên mắc phải sai lầm là không đẩy mạnh hơn nữa năng lượng tái sinh. Lấy Đức làm ví dụ. Chỉ trong vòng khoảng 20 năm, tỷ trọng năng lượng tái sinh trong tiêu thụ điện của Đức đã tăng khoảng 10 lần, từ 5% lên 50%. Cùng với đó, giá điện mà người tiêu dùng đầu cuối phải trả đã tăng gấp đôi, chủ yếu để có nguồn trợ cấp cho phát triển năng lượng tái sinh”, ông Praktiknjo nói.
Một dự thảo do hãng tin Reuters thu thập được cho thấy Chính phủ Đức đang xem xét đẩy mạnh việc sự dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh, với mục tiêu đến năm 2035 toàn bộ nhu cầu tiêu thụ điện của nước này sẽ được đáp ứng bởi năng lượng tái sinh.
Điều chỉnh mạng lưới điện của EU để thích ứng với việc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh cũng đòi hỏi sự nâng cấp hệ thống và cần có sự phối hợp giữa các quốc gia. Chưa kể, nhiệm vụ này cũng đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ – một vấn đề mà nhiều nhà cầm quyền muốn tránh – theo ông David King, Chủ tịch Công ty Tư vấn về khủng hoảng năng lượng Climtate Crisis Advisory Group.
Theo vị chuyên gia này, các nỗ lực vận động hành lang của các nhà cung cấp năng lượng truyền thống cũng có thể làm tăng thêm sự lưỡng lự trong việc điều tiết ngành năng lượng. “Nước Mỹ có hệ thống vận động hành lang lớn nhất thế giới cho ngành công nghiệp năng lượng hoá thạch. Sức mạnh của hệ thống vận động hành lang ở Mỹ cũng có ảnh hưởng đến các quốc gia khác nữa. Bởi vậy, tôi cho rằng các nhà cung cấp năng lượng truyền thống sẽ tìm cách để không bị đánh bật”.
Một vấn đề khác là các chính trị gia không ưu tiên chính sách năng lượng vì nhiều cử tri quan tâm đến các vấn đề cấp bách hơn. Giáo sư về chính sách năng lượng Benjamin K. Sovacook thuộc Trường Kinh doanh, Đại học Sussex, Anh, nhận xét: “Tổng chi phí năng lượng có vẻ lớn, nhưng thực ra chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi tiêu của các hộ gia đình mỗi tháng. Vì thế, vấn đề chi phí năng lượng sẽ không quan trọng như khoản vay thế chấp nhà, học phí đại học hay khoản vay mua xe. Mỗi hộ gia đình ở Anh và EU phải chi hàng nghìn Bảng hoặc Euro mỗi năm vào những khoản này, nhưng chỉ vài trăm Bảng hay Euro cho năng lượng”.
Vị giáo sư này cho biết thêm rằng trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, cử tri ưu tiên các vấn đề như người nhập cư, phản ứng với đại dịch Covid-19, chi tiêu quân sự, y tế, và xung đột vũ trang ở Ukraine, thay vì chống biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. “Và không một chính trị gia nào muốn bị coi là khiến giá năng lượng tăng lên trong ngắn hạn vì đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế, cho dù cách làm này mang lại lợi ích trong dài hạn và mang lại lợi ích về sau cho xã hội”, ông Sovacook phát biểu.
Việc sản xuất năng lượng hạt nhân không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng một bộ phận cử tri ở các nước lo ngại về rủi ro xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân và việc thiếu kho chứa bền vững cho chất thải hạt nhân.
Ông Victor cho rằng ở một góc độ nào đó, xung đột Nga-Ukraine sẽ là “một bài kiểm tra” đối với năng lượng hạt nhân, vì Ukraine có 15 lò phản ứng hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang giám sát các lò phản ứng này trong bối cảnh chiến sự.
“Những người vốn lo lắng về hạt nhân sẽ thấy rằng các cuộc giao tranh gần nhà máy điện hạt nhân của Ukraine là một lý do nữa để lo lắng”, ông Victor phát biểu. “Còn những người xem điện hạt nhân là một phần trong chiến lược chung để chống ô nhiễm và giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ nước ngoài cũng coi xung đột Nga-Ukraine là một lý do nữa để duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân và xây thêm những nhà máy như vậy ở châu Âu”.
Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), đến tháng 3/2011, khoảng 25% nguồn cung điện của Đức đến từ năng lượng hạt nhân. Sau đó, Chính phủ Đức thông qua một đạo luật cắt giảm điện hạt nhân sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. “Giờ đây, giá khí đốt tăng cao và xảy ra tình trạng thiếu năng lượng, Đức sẽ có động lực để tái khởi động điện hạt nhân. Dù chỉ là trong ngắn hạn, cách làm này sẽ giúp giảm bớt cú sốc”, chuyên gia Steve Cicala nói với CNBC. “Quyết định của Đức ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân là thiển cận và thiếu cân nhắc, và nhà chức trách đã không đánh giá kỹ lưỡng về làm cách nào để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ đó mà ra. Sự thiếu hụt đó đã có ngay từ trước khi xuất hiện nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga”, ông Cicala phát biểu.
Nhưng không phải quốc gia nào cũng đóng cửa nhà máy điện hạt nhân như Đức. Cộng hoà Séc, Pháp, Ba Lan và Anh đều đang thúc đẩy kế hoạch mở thêm lò phản ứng hạt nhân – theo chuyên gia John Kotek thuộc Viện Năng lượng hạt nhân (NEI). Ông Kotek nói rằng, trong bối cảnh Nga bị trừng phạt, các công ty năng lượng điện hạt nhân ở Mỹ đứng trước cơ hội lớn mở ra ở thị trường châu Âu.
Nguồn: vneconomy.vn