Các lệnh cơ bản không thể bỏ qua khi đầu tư chứng khoán
Đến với chứng khoán, ngoài làm quen với các mã cổ phiếu và những biểu đồ, những con số thì các lệnh cũng là một trong những thứ quen thuộc với nhà đầu tư. Bởi vậy nếu muốn có một ngày giao dịch thành công thì ít nhất bạn nên hiểu rõ những lệnh cơ bản trong chứng khoán.
1. Lệnh giới hạn (lệnh LO)
Lệnh giới hạn hay còn gọi là lệnh LO (limit order) là lệnh được dùng nhiều nhất trong các phiên giao dịch bởi nó cho phép người dùng giao dịch tại 1 mức giá nhất định hoặc còn tốt hơn. Lệnh sẽ được huỷ khi chính người dùng huỷ lệnh hoặc hết ngày giao dịch.
Lệnh LO còn gọi là lệnh chờ, nghĩa là thường thì khi đặt lệnh LO bạn sẽ treo lệnh và xếp hàng chờ mua bán chứ không khớp ngay lập tức. Lệnh LO ưu tiên khớp sau lệnh ATO, ATC trong phiên khớp lệnh định kỳ và khớp sau lệnh MP trong phiên khớp lệnh liên tục.
Ví dụ: Khi bạn đặt mua, bán cổ phiếu HVG, bằng 1 lệnh LO thì lệnh đó sẽ xếp hàng vào sau những lệnh đang chờ mua bán. Nếu bạn đặt lệnh mua 100 cổ phiếu HVG với mức giá 5.2 thì dòng 5.2 trong cột chờ Mua sẽ có KL tăng lên 100.
Lệnh LO có thể được sử dụng trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM. Đồng thời sử dụng trong tất cả các phiên giao dịch.
Lệnh LO có khối lượng và mức giá cố định khiến cho nhà đầu tư có thể đặt mua, bán tại mức giá ưng ý. Điều này rất quan trọng bởi vì vị thế giá mua ảnh hưởng rất lớn % lợi nhuận của bạn, giá mua thấp đồng nghĩa với giảm thiểu rủi ro. Sau khi đặt lệnh LO, bạn có thể tránh việc phải mua giá cao hoặc bán giá thấp. Lệnh LO có thể biến thành lệnh MP nếu bạn đặt mua với giá cao hơn hoặc bằng giá bán thấp nhất, hoặc bạn đặt bán với giá bán thấp hơn hoặc bằng giá mua cao nhất.
Trong phiên khớp lệnh định kỳ ATO, ATC, lệnh LO có thể khớp với giá tốt nhất khác với giá bạn đặt. Nếu bạn đặt mua với giá cao hơn giá cuối cùng thì sẽ được mua với giá cuối cùng (được mua với giá thấp hơn giá đặt), còn thấp hơn thì không khớp. Nếu bạn đặt bán với giá thấp hơn giá cuối cùng thì sẽ được bán với giá cuối cùng (được bán giá cao hơn giá đặt), còn cao hơn thì không khớp.
Ví dụ: Nếu bạn mua cổ phiếu HVG với giá 5.3 trong khi giá cuối của HVG sau khi kết thúc phiên ATC ngày 22/01/2019 là 5.2 thì đồng nghĩa với việc bạn cũng được mua với giá 5.2 (mua giá tốt hơn) (trừ trường hợp không khớp hoặc không khớp hết do thiếu đối ứng về khối lượng).
2. Lệnh thị trường (lệnh MP)
Lệnh MP (Market Price), lệnh thị trường, là lệnh cho phép người dùng mua, bán tại mức giá tốt nhất. Tức là mua tại giá bán thấp nhất, bán tại giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Lệnh MP sẽ được thực hiện ngay khi được nhập vào hệ thống nếu có lệnh LO tương xứng.
Lệnh MP có thể khớp lệnh gộp nhiều bước giá. Nếu như sau khi khớp lệnh tại mức giá tốt nhất vẫn còn khối lượng chưa khớp hết thì lệnh sẽ tiếp tục khớp lên mức giá tốt nhất tiếp theo cho đến khi khớp hết khối lượng đặt của bạn.
Ví dụ: Nếu bạn đặt mua 100 cổ phiếu HVG với lệnh MP và hiện tại đang có 3 mức giá 5.2 (KL 30); 5.3 (KL 150); 5.4 (KL 100) thì đầu tiên bạn sẽ được khớp lệnh 30 cổ giá 5.2; và 70 cổ còn lại khớp giá 5.3.
Nếu khối lượng đặt của lệnh MP vẫn còn và không thể tiếp tục khớp được nữa thì lệnh MP sẽ được chuyển thành lệnh LO mua tại mức giá cao hơn một đơn vị yết giá so với giá mua cuối cùng trước đó hoặc lệnh LO bán tại mức giá thấp hơn một đơn vị yết giá so với giá bán cuối cùng trước đó. Trường hợp giá thực hiện cuối cùng là giá trần đối với lệnh mua MP thì lệnh MP sẽ được chuyển thành lệnh LO mua tại giá trần, là giá sàn đối với lệnh bán MP thì sẽ chuyển thành lệnh LO bán tại giá sàn.
Lệnh MP chỉ sử dụng trên sàn HOSE và chỉ trong phiên khớp lệnh liên tục. Lệnh MP sẽ tự động hủy nếu không có lệnh LO đối ứng tại thời điểm nhập lệnh vào hệ thống.
Lệnh MP phù hợp với nhà đầu tư trong giai đoạn đua lệnh, thể hiện rằng bạn muốn khớp bằng mọi giá trong phiên khớp lệnh liên tục. Bạn sẵn sàng mua với giá cao và bán với giá thấp. Lệnh mua MP thường sử dụng khi bạn mua đuổi vì chắc chắn rằng cổ phiếu sẽ tăng giá. Lệnh bán MP thường sử dụng khi bạn bán tháo vì chắc chắn rằng cổ phiếu sẽ giảm giá.
3. Lệnh đóng/ mở cửa (ATC/ ATO)
Lệnh ATO (At The Openning), lệnh mở cửa, là lệnh tranh mua bán tại mức giá mở cửa, nghĩa là mua bán bằng mọi giá trong khoảng giá sàn và giá trần. Lệnh ATO có khối lượng cố định nhưng giá thì thay đổi. Giá mở cửa ATO sẽ là mức giá có khối lượng giao dịch lớn nhất.
Lệnh ATO được ưu tiên khớp trước lệnh LO. Lệnh ATO chỉ dùng ở phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa để xác định giá mở cửa và sẽ tự động tự hủy bỏ sau thời điểm xác định giá mở cửa nếu lệnh không khớp hoặc không khớp hết. Lệnh ATO chỉ được áp dụng trên sàn HOSE.
Lệnh ATC (At The CLosing), lệnh đóng cửa, cũng tương tự như lệnh ATO nhưng đây là mua bán tại mức giá đóng cửa. Lệnh ATC có thể áp dụng đối với các cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX.
Khi đặt mua bằng lệnh ATO, ATC thì hãy giả định khối lượng cổ phiếu muốn mua ở mức giá trần của phiên đó để đảm bảo tiền trong tài khoản vẫn đủ để thanh toán khi được khớp. Xét về mức độ ưu tiên trước lệnh LO thì lệnh ATO, ATC có thể được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để tranh mua, bán trong phiên khớp lệnh định kỳ khi mức độ mong muốn mua, bán của bạn đối với cổ phiếu đó là lớn.
Bạn sẵn sàng chấp nhận mọi mức giá chỉ để đổi lấy quyền được ưu tiên giao dịch cổ phiếu. Nếu bạn thấy giá khớp có thể thấp thì đưa lệnh ATO, ATC của mình vào để tranh mua. Nếu thấy giá khớp có thể cao thì đưa lệnh ATO, ATC vào để tranh bán. Nhưng hãy nhớ giá ATO, ATC chỉ là tạm tính trong khoảng thời gian phiên khớp lệnh định kỳ. Bạn có thể được ưu tiên mua bán nhưng lại có thể bị thiệt về giá chẳng hạn bị mua giá cao và bán giá thấp.
Nhà đầu tư đặt lệnh ATO, ATC khi vào phiên đóng cửa và mở cửa thì sẽ không thể sửa hoặc hủy lệnh này, trong khi hoàn toàn không thể kiểm soát được mức giá mà mình sẽ giao dịch như lệnh LO. Trong phiên khớp lệnh định kỳ, chỉ cần ít nhất một lệnh với khối lượng lớn tức khắc sẽ thay đổi hoàn toàn giá khớp của phiên ATO,ATC, thậm chí thay đổi giá cổ phiếu hoàn toàn so với biến động giá của cả ngày. Bạn nên dành phần lớn thời gian đầu phiên ATO, ATC để quan sát, nhận định xu thế giá cổ phiếu trong phiên. Sau đó, trong những phút cuối, bạn mới đưa ra quyết định và nhập lệnh. Như vậy sẽ hạn chế rủi ro hơn.
Nguồn: SIC
Có thể bạn quan tâm