fbpx

Cách kiếm lợi nhuận 18000%: 10 điều răn của William O’Neil, dạy bạn cách về đầu tư chứng khoán

Để đầu tư thành công và tồn tại lâu dài trong đầu tư cổ phiếu, bản thân nhà đầu tư phải duy trì sự khách quan và tỉnh táo không được ngủ quên trong chiến thắng và cái bẫy của tiền tài danh vọng. Và sau đây là 10 điều răn của William O’Neil, sẽ giúp nhà đầu tư sống sót bằng cách kìm giữ cái tôi chính mình.

cach-kiem-loi-nhuan-18000-10-dieu-ran-cua-william-oneil-day-ban-cach-ve-dau-tu-chung-khoan-happy-live-1

10 điều răn của William O’Neil: Nhà đầu tư hàng đầu thế giới

Điều răn đầu tiên

Điều răn #1 trong những quy tắc và nguyên lý có thể áp dụng trong cuộc sống nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng, mà Chris Kacher và Gil Morales đã nghe rất nhiều lần từ Bill O’Neil là: “Đừng bao giờ đánh mất bản thân”.

Ý tưởng cơ bản ở đây chúng ta phải giữ điềm đạm trước ảo tưởng và cái bẫy của vinh hoa phú quý, vì chúng thường khiến nhiều người “đánh mất chính mình” đến độ khi có quá nhiều ảo tưởng hay tiền muôn bạc vạn, rốt cuộc ta sẽ đến chỗ lụi tàn. Điều này là tối quan trọng.

Kinh nghiệm bao năm trên thị trường giúp O’Neil hiểu rõ gốc rễ những nguyên nhân khiến nhà đầu tư chịu khổ sở, từ đó học được cách không rơi vào thất bại và lụi tàn. Tuy nhiên, thói đời vẫn có những kẻ cảm thấy hả hê khi mong chờ lúc Bill O’Neil sa cơ lỡ vận, tiếc là chưa kẻ nào thành công. Nhà quản trị danh mục mà chúng tôi trích dẫn đầu chương đã dự đoán thị trường con gấu tàn khốc 2000 – 2002 sẽ kết thúc khi và chỉ khi Nhật Báo IBD phá sản, lời bình luận này cho thấy sự thiếu chính xác và ngạo mạn của ông ta, nhưng thực tế, không ít những kẻ nghĩ như vậy. Dễ hiểu thôi, khi bạn thành công, bạn thường trở thành mục tiêu của một cảm xúc tiêu cực: ĐỐ KỴ.

Một ví dụ về kiểu đố kỵ này là khi chúng tôi nghe tin đồn O’Neil bị “kẹp chết hàng” cổ phiếu bán dẫn đang rất “hot” lúc đó là Cymer, Inc. (CYMI). Thiên hạ cho rằng cú giảm mạnh của cổ phiếu này đã khiến O’Neil chịu khoản lỗ lớn và tình hình có thể rất ngàn cân treo sợi tóc. Nếu lời đồn trên là sự thật thì chắc chắn chúng tôi đã biết khi trò chuyện với O’Neil,  bởi ông chưa một lần mất đi sự kiên định, bất chấp bao chông gai thị trường bắt ông trải qua.

Hóa ra, dù CYMI có gây ra cho ông bất cứ khoản lỗ nào hay không, ông cũng không hề nao núng. Giả như phải chịu lỗ lớn chăng nữa, nó cũng chẳng thể nào nghiêm trọng hơn những gì ông từng chứng kiến trong quá khứ và gượng dậy vươn lên trong suốt sự nghiệp của mình. Đến tận lúc này, chúng tôi cũng không biết liệu câu chuyện trên là sự thật hay chỉ là lời thêu dệt của đám người có mong ước đáng buồn được thấy O’Neil ngã ngựa, nhưng chúng tôi biết chắc một điều: hai năm sau đó, O’Neil và những nhà quản lý danh mục của ông, mà chúng tôi tự hào được góp mặt vào thời gian ấy, đã kiếm được tỷ suất sinh lợi bốn con số trên thị trường chứng khoán.

cach-kiem-loi-nhuan-18000-10-dieu-ran-cua-william-oneil-day-ban-cach-ve-dau-tu-chung-khoan-happy-live-1
Đồ thị ngày của Cymer, Inc. (CYMI), 1997. O’Neil đối mặt với bão tố nhưng không hề bị quật ngã

Điều răn thứ 2

Khả năng đứng dậy và phục hồi sau mỗi giai đoạn khó khăn bằng can đảm và bền chí chính là Điều Răn #2 của O’Neil: “Đừng bao giờ hành động trong tâm thế sợ hãi”.

Nếu bạn cảm thấy sợ hãi trên thị trường, vì gần đây mới chịu thua lỗ hay vì sai lầm gì đó khác, hoặc thậm chí vì bạn lo ngay ngáy khi chấp nhận mức độ rủi ro lớn, thì bạn đang đặt bản thân mình vào vị thế đưa ra những quyết định không rõ ràng và thiếu chính xác. Hoặc là tìm cách điều chỉnh quy mô vị thế giao dịch để loại bỏ sợ hãi, hoặc chấp nhận sự thật rằng nếu lúc nào bạn cũng sợ hãi trường kỳ khi tham gia thị trường, thì tốt nhất đừng nên đầu tư vào đây nữa.

Nguyên lý luôn hành động trong tâm thế vững chãi cũng được thể hiện rõ ở phương pháp kinh doanh của O’Neil. Có lẽ công ty chúng tôi khá là khác người ở điểm này, bởi chúng ta gắn bó mật thiết với thị trường chứng khoán, chúng tôi sử dụng nó làm công cụ dự đoán cho hoạt động kinh doanh của mình. Khi thị trường đạt đỉnh và thị trường con gấu có thể sắp bắt đầu, chúng tôi biết thị trường đang bắt đầu chiết khấu sự đi xuống của nền kinh tế. Lúc điều này xảy ra, O’Neil thường tiến hành cắt giảm 10% chi phí của mỗi phòng ban trong công ty, giúp công ty trụ được trong thời kỳ kinh tế suy thoái và đứng trong tâm thế vững chãi, sẵn sàng đối phó khi con tàu kinh tế chuẩn bị lao dốc. Hành động từ tâm thế vững chãi cũng có nghĩa là không nợ nần, vì thế công ty không bị lệ thuộc vào bất cứ khoản nợ nào trong hoạt động. Dòng tiền là vua, và với những khoản đầu tư đều đặn và thành công của bộ phận các nhà quản trị danh mục, công ty của O’Neil luôn trụ vững. Do đó, hành động trong tâm thế vững chãi cũng đồng nghĩa với việc nếu đang ở vị thế yếu, ta phải điều chỉnh ngay lập tức để tuân thủ điều răn này.

Điều răn thứ 3

O’Neil đối mặt với những kẻ gièm pha và chỉ trích bằng cách biến sự tiêu cực của họ thành tích cực. Khi đối diện với những kẻ bới lông tìm vết và nói xấu sau lưng, O’Neil đơn giản nhắc chúng tôi Điều Răn #3, đó là “Bạn học được từ kẻ thù nhiều hơn từ bằng hữu”.

Theo cách của O’Neil, đây là sự chuyển hóa từ điều tiêu cực thành tích cực, và những lời chỉ trích của các bên thứ ba được xem như bài học tiềm năng. Thực sự, quy tắc này chứa đựng phần nào thực tế, rằng kẻ thù luôn vạch lá tìm sâu ở bạn và điều bạn làm, tìm kiếm bất cứ lỗi lầm nào có thể phóng đại lên nhằm đạt mục đích là hạ bạn đo ván. Tuy nhiên, trong quá trình đấy, họ có thể giúp bạn phát hiện những lĩnh vực bạn còn yếu kém hoặc sai sót, một “khiếm khuyết” như O’Neil hay nói. Ngược lại, bạn có thể trở nên dựa dẫm vào bạn bè mình, vì họ luôn thấy những điều tốt đẹp nhất nơi bạn, và suy cho cùng, với những ai muốn hoàn thiện bản thân thì điều này không mấy hữu dụng. Khi đưa ra nhận xét, O’Neil luôn đóng vai một người “thương cho roi cho vọt”, ông bàng quang trước thành công của bạn, thay vào đó tập trung mổ xẻ nó và phơi bày sai lầm của bạn. 

Theo thông lệ chia thưởng trong ngành đầu tư, chúng tôi được trả một tỷ lệ phần trăm nhất định dựa trên tổng lợi nhuận ròng của tài khoản mà chúng tôi quản lý cho O’Neil. Vì thế, giả sử bạn đang quản lý tài khoản $2 triệu và nó đã tăng lên $30 triệu, bạn sẽ được hưởng một tỷ lệ phần trăm chia thưởng dựa trên tổng lợi nhuận ròng $28 triệu. Vào năm 1999, quản lý tiền cho Bill O’Neil là nơi chi trả mức thưởng hậu hỉnh nhất. Sau khi lãi lớn vào năm 1999 và đến ngày chi thưởng, chúng tôi tưởng rằng Bill sẽ đến văn phòng với cả xấp séc tiền thưởng, ca tụng chúng tôi vì đã có chiến thắng tuyệt vời. Nhưng không! Thay vào đó ông bắt đầu đưa ra một vài ghi chú đánh giá lại tất cả những giao dịch tồi tệ và sai lầm ngớ ngẩn của chúng tôi. Ông kết luận: “Nếu các anh làm mọi thứ thật chính xác, tỷ suất sinh lợi có khi lên cả 1.000%!

Điều răn thứ 4

Chúng tôi đã thuộc nằm lòng Điều Răn #4 của O’Neil: “Không bao giờ ngừng học hỏi và tiến bộ, cách duy nhất để làm điều này là thường xuyên rà soát lại sai lầm và sửa chữa chúng”.

Như chúng ta đều biết, mọi người thường xuyên nói về thành công trên thị trường, nhưng chỉ vài người tập trung vào sai lầm. O’Neil dồn hết sự chú ý và tập trung vào việc chỉnh sửa các sai lầm của ông.

Điều răn thứ 5

O’Neil đưa ra Điều Răn #5: “Đừng bao giờ nói về cổ phiếu của bạn”. Thường mọi người cảm thấy phấn khích và ba hoa với tất cả mình đang thành công thế nào trên thị trường. Đây là một trong những điều mà O’Neil cực kỳ ghét. Bằng cách tuân thủ chặt nguyên tắc không bao giờ bàn luận về cổ phiếu của mình, bạn loại bỏ mong muốn thỏa mãn cái tôi khi khoe khoang về thành công của mình. Hãy cố gắng thực hành quy tắc này, bạn sẽ thấy nó thay đổi cách nhìn của bạn về cách xử lý cổ phiếu.

Điều răn thứ 6

Tính ra Điều Răn #5 có thể giúp bạn thực hành Điều Răn #6: “Đừng ngất ngây lúc thị trường ở đỉnh”, vì đó thường là thời điểm để bán.

Nếu William O’Neil được yêu cầu phải lựa chọn chỉ sử dụng một khung thời gian trên đồ thị giá, ông sẽ lựa chọn đồ thị tuần. Ít nhất đó là điều ông từng nói với chúng tôi, và có nguyên nhân sâu xa ở đằng sau. Thứ nhất, O’Neil tránh phản ứng quá mức với các thông tin mới hoặc tín hiệu nhiễu, bao gồm các giao động giá bất thường trong ngày. Đồ thị trong ngày (intraday) đối với O’Neil gần như không có tác dụng. Một lần, ông bảo với tôi rằng việc có bảng giá trực tuyến khiến ông bị phân tâm, vì dù có mua bán trễ 20 phút so với thời gian thực cũng không phải điều ảnh hưởng quá lớn đến khung thời gian ông đang sử dụng.

O’Neil muốn săn tìm các “cổ phiếu lớn” được các nhà đầu tư tổ chức mua vào, vì họ sẽ thường xuyên phân bổ tiền vào các cổ phiếu chiến thắng lớn, tiêu biểu nhất trong bất cứ chu kỳ tăng trưởng kinh tế nào. Các nhà đầu tư tổ chức mua và bán vị thế của họ trong khoảng thời gian vài tuần, thậm chí là vài tháng, vì thế những hoạt động này chắc chắc không thể hiện trên đồ thị trong ngày, và thậm chí nhiều trường hợp là không thể hiện trên đồ thị ngày. Vì lý do này, đồ thị tuần là “công cụ trực quan” nên được lựa chọn.

Điều răn thứ 7

Điều Răn #7 là “Trước hết hãy dùng đồ thị tuần đầu tiên, sau đó đến đồ thị ngày. Không cần quan tâm đồ thị trong ngày.” Đồ thị tuần loại bỏ nhiều tín hiệu nhiễu vốn có trong các biến động ngắn hạn, đồng thời mang đến các manh mối ý nghĩa về hành động tích lũy của nhà đầu tư tổ chức.

Điều răn thứ 8

Sử dụng đồ thị tuần làm phương pháp chính để nhận biết hành động tích lũy của nhà đầu tư tổ chức ở cổ phiếu cũng nhất quán với Nguyên Lý Cổ Phiếu Lớn, tức nguyên lý tinh lọc phương pháp O’Neil thành Điều Răn #8 cơ bản, quan trọng là: “Tìm cổ phiếu lớn, sau đó tìm cách sở hữu một lượng lớn”.

Điều răn thứ 9

Có lẽ đây là một trong những quy tắc quan trọng nhất mà O’Neil từng dạy chúng tôi, và là quy tắc mà chúng tôi thấy không hề dễ dàng để tuân thủ. Điều Răn #9 là: “Hãy cẩn thận với người mà bạn đưa lên giường”. Điều này không hề dính dáng gì đến chuyện yêu đương của bạn, dù trong thời lắm dịch bệnh truyền nhiễm như bây giờ, nó vẫn mang tính thực tế cao. Tuy nhiên, điều O’Neil hàm ý ở đây là ta phải thận trọng với đối tác kinh doanh của mình.

O’Neil có niềm tin mãnh liệt rằng sự tin tưởng và lòng chính trực giữa hai con người là biến số quan trọng nhất trong cuộc sống và kinh doanh. Và chẳng dễ gì tìm được những điều này trong mối quan hệ giữa người với người và trong đối nhân xử thế. Đặc biệt trong giới đầu tư, bài học này lại càng quan trọng, vì thương trường vốn đầy rẫy những kẻ lừa lọc khiến bạn trắng tay như trùm lừa đảo Bernie Madoff, cũng như những con sâu giả dối, lừa gạt, thâm hiểm làm rầu nồi canh. Khi bạn tìm được những người có sự chính trực và đáng tin cậy, họ chính là đồng nghiệp đáng để bạn gìn giữ trong đời, là những bằng hữu mà bạn gửi gắm niềm tin trong thế gian vàng thau lẫn lộn, nơi chẳng dễ gì tìm được lòng tin và đạo đức. O’Neil từng nói, cuộc sống và thương trường sẽ đem đến cho bạn rất nhiều kẻ thù và những kẻ chỉ trích, vì thế hãy chọn bạn bè, bạn đời và cộng sự một cách cẩn trọng và sáng suốt!

Điều răn thứ 10

Một trong những đặc điểm nổi bật của O’Neil là sự tận tụy và đam mê mãnh liệt với thị trường, điều chúng tôi rút ra thành Điều Răn #10: “Luôn duy trì sự tập trung đến mức tối đa”. Duy trì “sự tập trung đến mức tối đa” không có nghĩa là trở thành kẻ cuồng công việc, vì điều này hàm ý rằng ta chỉ trở thành kẻ nô lệ vô tri trong công việc của mình. Điều răn này muốn nói ta hãy tìm kiếm đam mê trong đời, để “công việc” ta làm không còn là công việc theo nghĩa đen nữa, mà là lúc ta được sống với đam mê của mình. Không phải ai cũng may mắn được làm công việc mà mình yêu thích, nhưng đó là điều mà O’Neil luôn hướng đến trong cuộc sống. Và duy trì sự tập trung tối đa là một cách nói con người luôn phải tìm kiếm và theo đuổi đam mê trong đời, dù bằng cách này hay cách khác. Chính điều này khiến cuộc đời trở nên đáng sống, và bằng cách theo đuổi đam mê không ngừng nghỉ, chúng ta đạt đến trạng thái tập trung cao độ, từ đó lại càng chạm đến nhiều thành công hơn. Theo quan điểm của O’Neil, ngồi uống bia, xem tivi, chơi game không bao giờ là những hoạt động giá trị, thậm chí còn chẳng thú vị chút nào. Như cách O’Neil thường nói: “Đừng cưỡi ngựa xem hoa mà hãy dốc hết sức mình!”

Hiểu điều này sẽ giúp bạn hiểu tại sao O’Neil thấy chẳng việc gì phải nghỉ phép. Kỳ nghỉ là thứ dành cho những người ghét công việc của mình. O’Neil từng nói với chúng tôi rằng, nếu chúng tôi có thể rời văn phòng đi nghỉ 3 tuần, suy cho cùng chúng tôi đang tự chứng minh mình chẳng mấy quan trọng trong hoạt động của công ty. Vào năm 1999, chúng tôi biết kỳ nghỉ gần nhất của O’Neil là vào năm 1982, khi đó ông đưa gia đình đến với thiên nhiên hùng vĩ của Oregon, cả nhà sống trong một căn nhà gỗ không điện thoại, không tivi, và không có bất cứ phương tiện nào để liên hệ với thế giới bên ngoài. Con trai của ông, Scott, và vợ ông kể lại, O’Neil đã mang theo những cuốn sách đồ thị và dành hết thời gian tại vùng đất hoang dã ấy để chúi mũi vào nghiền ngẫm sách. Chỉ sau vài ngay, O’Neil đâm chán, rốt cuộc ông về sớm để trở lại với niềm đam mê của ông, thị trường cổ phiếu và trở lại với “văn minh nhân loại”.

Sự “tập trung đến mức tối đa” của O’Neil mang nghĩa ông không bao giờ thấy mình được khuây khỏa nơi hoang dã nào, đơn giản vì nó không phải là niềm đam mê của ông. Đối với nhiều người, ví dụ như nhiếp ảnh gia vĩ đại chuyên chụp cảnh thiên nhiên Ansel Adams, cắm trại hàng tuần liền ở thung lũng Yosemite trong núi Sierra – Nevada, phía Đông bang California là một phần đam mê trong đời, và hẳn là trong lĩnh vực này, Ansel Adams thể hiện góc nhìn riêng của mình về “tập trung đến mức tối đa”. Chắc hẳn, giao dịch trên thị trường chính là một phần “đam mê bất tận” của O’Neil, giống như cắm trại nơi hoang dã là đam mê của vị nhiếp ảnh gia nọ. Toàn bộ ý nghĩa của Điều Răn #10 là đây.

Kết luận:

Đây là những nguyên tắc vượt ra ngoài rất nhiều nguyên tắc mà đa phần nhà đầu tư đều đã tiếp xúc thông qua sách và nghiên cứu của O’Neil, hãy nhớ điều quan trọng nhất là luôn cố gắng hành động một cách thuần khiết và đơn giản. O’Neil không muốn sa lầy vào việc theo dõi hàng loạt chỉ báo, mà chủ yếu dựa vào hành động giá/khối lượng, như một người đọc bảng giá xưa cũ nhằm nhận biết dòng tiền lớn đang chảy vào đâu trong điều kiện thị trường.

Qua quá trình kinh nghiệm và nghiên cứu, O’Neil hiểu một số chỉ báo chỉ hữu ích trong một khoảng thời gian nhất định, và 15 năm chỉ là một lát cắt bé nhỏ trong bức tranh tổng thể. O’Neil giữ cho hệ thống của mình được tiết chế và tinh giản. Ông không muốn bị sa lầy vào những thú vụn vặt. Các chỉ báo mà ông sử dụng đã được kiểm chứng qua nhiều chu kỳ thị trường. Chúng từng hữu dụng vào những năm 1920, một giai đoạn rất khác với hiện tại, và đến giờ vẫn vậy, vì chúng dựa trên bản chất con người, một yếu tố vốn không bao giờ thay đổi. O’Neil chủ yếu dựa vào hành vi giá/khối lượng của các cổ phiếu dẫn dắt và chỉ số thị trường trên đồ thị tuần, sau đó là trên đồ thị ngày, hình dạng mẫu hình của các cổ phiếu dẫn dắt và chỉ số thị trường, sức mạnh giá tương đối (RS), đường chỉ báo RS phải xác nhận đỉnh cao mới, sự bảo trợ của các nhà đầu tư tổ chức, mức xếp hạng tích lũy/phân phối, xếp hạng nhóm, và đường trung bình động 50 ngày. Nếu bạn muốn tận mục sở thị sự giản đơn ấy áp dụng vào thực tế, hãy làm việc cùng với O’Neil, bạn sẽ sớm nhận ra tất cả các chỉ báo thị trường, công cụ và đủ thứ lỉnh kỉnh đi kèm là không cần thiết trong quá trình làm giàu trên thị trường.

Cách đây vài năm, sau khi rời khỏi “tổ” của O’Neil, chúng tôi lại càng thấm thía chân lý ẩn chứa phía sau những điều răn này khi chúng tôi phải đối mặt với thế giới “bên ngoài vòng tay của O’Neil.” Chúng là cẩm nang hướng dẫn đầy hữu dụng trong mọi trường hợp, giúp bạn làm chủ đạo đức, thái độ, hành vi ứng xử và thậm chí, chúng giúp bạn tập trung, kiên định với con đường của mình, như lời O’Neil từng khuyên chúng tôi, “Cẩn tắc vô ưu.” Tất nhiên, tất cả những điều răn này đã thấm nhuần vào con người chúng tôi, khi chúng tôi còn quản trị tiền cho Bill O’Neil. Đó là khoảng thời gian mà chúng tôi được làm việc, kề cận người đàn ông đáng kính, với những bài học kinh nghiệm không thể nào quên. Chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về những kinh nghiệm này trong chương tới

Happy Live team tổng hợp/Cách kiếm lợi nhuận 18000% từ thị trường chứng khoán

Dành cho nhà đầu tư thích đi theo xu hướng của thị trường để tận dụng cơ hội kiếm tiền

Bộ sách Giao dịch theo xu hướng đánh bại thị trường

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề