Làm thế nào để theo đuổi công việc bạn yêu thích?
Có nhiều người mang trong mình ảo tưởng chỉ cần có tấm bằng loại ưu, tốt nghiệp từ trường danh tiếng thì công ty được họ nhắm trúng sẽ tự động trải thảm mời họ về làm việc. Hoặc cũng có khá nhiều bạn trẻ tự ti về bằng cấp mình đang có, không dám “apply” vào những vị trí mình mong muốn, cho rằng đó không phải là công việc dành cho mình. Dù là hai trường hợp trái ngược, những cả hai nhóm người này đều mắc chung một lối suy nghĩ sai lầm: bằng cấp sẽ quyết định nơi làm việc của bạn.
“Điều đầu tiên tôi muốn bạn hiểu là để có được công việc yêu thích đừng nghĩ đi học ở trường điểm, đi du học hay đi học lên thạc sĩ, tiến sĩ bạn mới có được công việc mình mơ ước. Tôi không nói việc học hành là sai, nhưng cái sai là ở tư duy. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều người muốn đi học, tìm bằng cấp cao hơn với hy vọng có công việc tốt hơn. Và dùng bằng cấp đó, xin vào một công ty có tên tuổi, danh tiếng, an nhàn, có được công việc với mức thu nhập thụ động (hàng tháng được sếp trả lương). Hoặc khi gặp khó khăn trong công việc, nhiều người liền nghĩ tới việc đi học một bằng cấp cao hơn, đi du học, học MBA,… Vì họ nghĩ rằng khi học MBA, du học nước ngoài, một công ty lớn nào đó của Việt Nam sẽ tự động trải thảm đỏ, rước họ về công ty của mình và trả cho họ một mức lương xứng đáng.
(*) Bài viết được trích từ sách Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Chiến lược làm chủ vận mệnh hoàn hảo, xem thêm thông tin sách tại đây:
Tôi đã bàn điều này ở Chương 1, trong niềm tin sai lệch đầu tiên rồi phải không? Tôi không nói rằng học tập không có hiệu quả. Cá nhân tôi là một người học tập cả đời nên tôi thấy học tập rất quan trọng, đóng một vai trò cốt yếu đến thành công của bạn. Dù vậy, tôi chỉ muốn nói rằng, nếu bạn cứ nghĩ học tập là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề thì đây là cánh cửa ngắn nhất dẫn đến thất bại nặng nề trong sự nghiệp của bạn. Khi gặp khó khăn, thất bại hoặc những việc không như ý, bạn sẽ trở thành những sĩ phu bất đắc chí, quay sang đổ lỗi cho cuộc đời, cho rằng cuộc đời này quá bất công với bạn. Bạn quá xuất sắc và đáng được nhiều điều tuyệt vời hơn là những thứ tầm thường. Xã hội này không có nơi nào phù hợp để bạn sử dụng hết kiến thức mà mình có được. Bạn đang dẫn mình đi theo một mô hình KSA rập khuôn.
K là Knowledge, kiến thức. Bạn luôn quan tâm là nên học ở trường nào, lấy bằng của trường nào. Nếu đã học kinh tế thì phải học trường oách, trường danh tiếng và khi cầm tấm bằng đỏ trên tay, bạn hy vọng các công ty sẽ trải thảm đỏ để mời bạn – những sinh viên mới ra trường. Bạn cho rằng mình có lợi thế cạnh tranh so với người khác. Chữ S là Skill, kỹ năng. Sau khi làm việc đã được hai năm, bạn tự cho rằng mình đã có kinh nghiệm ở lĩnh vực bạn đang làm và muốn nhảy việc. Và khi công ty mới đề nghị cho bạn mức lương cao hơn công ty cũ 10% – 15%, bạn tự hài lòng và cho rằng mình được trả công xứng đáng và có bước tiến trong sự nghiệp. Nhưng thực tế, bạn đang theo đuổi một quan điểm vô cùng lạc hậu: đi học, lấy bằng, có đủ kinh nghiệm ở công ty to (dù chưa học được gì từ công ty cũ nhưng vẫn ghi vào CV cho oách) và nhảy việc. Thực tình, suy nghĩ đó sẽ khiến bạn không thể tiến xa trong sự nghiệp.
Chữ A – Attitude, thái độ. Trước khi sáng lập ra Happy Live, tôi đã từng phỏng vấn rất nhiều bạn trẻ hàng năm tại một công ty FMCG hàng đầu tại Việt Nam. Có nhiều bạn trẻ có bằng MBA ở Mỹ, Anh, Úc hay bằng BA (Bachelor of Arts – Bằng cử nhân) tại nhiều quốc gia, đặt câu hỏi với tôi là ở đây có thể cho các bạn ấy công việc gì, trả cho các bạn được bao nhiêu tiền, làm ở đây có giúp họ học tập và phát triển hay không,… Nhưng không một người nào hỏi tôi là các bạn có thể đóng góp gì cho công ty, có thể làm gì để giúp công ty phát triển và ở đây có thách thức nào chờ đợi khi các bạn vào làm,… Có nhiều người còn không bỏ công nghiên cứu vào công ty mình đang phỏng vấn. Công ty đó có bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu mặt hàng cần kinh doanh, các hoạt động kinh doanh đang diễn ra như thế nào,… Thậm chí họ không hề biết công ty đó đang quảng cáo trên truyền hình với thông điệp gì. Họ muốn vào phòng thị trường, phòng marketing, phòng sales nhưng thay vì nghiên cứu xem công ty đang có gì họ lại chăm chăm vào giá trị của bản thân, như họ có bằng gì, kỹ năng gì. Họ cho rằng với thời gian học 4 năm đại học, 2 năm MBA họ có quyền đòi hỏi mức lương xứng đáng với kiến thức mình đang có. Tôi chỉ mỉm cười lịch sự và note nhẹ vào hồ sơ ứng viên 1 chữ F – Fail!
Ngày hôm nay, khi chia sẻ với các bạn điều này, nếu bạn vẫn tư duy theo mô hình KSA: Knowledge – Skill – Attitude bạn sẽ chỉ là nhận lấy thất bại trong sự nghiệp và những nhà tuyển dụng như tôi, vẫn sẽ cho bạn 1 chữ F.
Giải pháp tôi dành cho bạn là gì? Hãy đảo ngược KSA và cho mình một mô hình hoàn toàn mới: ASK. Có nghĩa, thái độ là điều quan trọng nhất, sau đó đến kỹ năng và cuối cùng là bằng cấp của bạn. Phần lớn các cộng sự của tôi tại Happy Live là những người tôi không cần đòi hỏi bằng cấp, tôi không quan tâm họ học ở đâu, lấy bằng loại gì,… Điều tôi quan tâm là họ có lạc quan và tích cực hay không, họ có cảm thấy bản thân là người may mắn hay không. Những công ty luôn cần các dòng máu mới và những dòng máu này phải đầy năng lượng và tích cực. Họ sẽ làm cho tổ chức nhiều sức sống hơn, họ sẽ khiến công việc ở tổ chức đó sáng tạo hơn, tốc độ hơn và thú vị hơn. Sống hòa đồng với mọi người và trên hết là để cái tôi của mình thấp hơn cái tôi của người khác. Hoặc để cái tôi của mình thấp hơn lợi ích của tập thể.
Khi bạn phỏng vấn vào bất cứ công ty nào, hãy tự tin thể hiện ý muốn được gắn bó và giúp công ty đó phát triển, luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì vì tập thể thì tôi dám chắc rằng, người lãnh đạo đó sẽ nhận bạn vào làm việc. Họ sẽ luôn tạo cơ hội cho bạn học tập và phát triển vì họ nghĩ bạn có khao khát vươn lên và nỗ lực vì thành công của tập thể.”
Trích từ chương 2 sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng
Có thể bạn quan tâm:
THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG XÂY DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG