fbpx

Cách tiết kiệm tiền của 4 nhóm cá tính phổ biến

Trong công việc, những người theo các trường phái cá tính khác nhau, thường có những cách theo đuổi thành công khác nhau. Tương tự như trong quản lý tiền bạc, người phấn đấu, người thích mạo hiểm, người lười biếng hay những người ưa lo sợ đều có những “bí kíp” tiết kiệm độc đáo của riêng mình.

Nghiên cứu mới nhất của Sandra Matz, Joe Gladstone và David Stillwell , trường đại học Cambridge, Anh quốc cho thấy tiết kiệm với nhân loại là một nỗ lực không hề nhỏ khi hành vi tiêu tiền thường gắn với những cảm xúc tích cực như tự tin, an toàn, mãn nguyện do chuyển biến tiền thành hàng hoá hay dịch vụ. Đây là một trong các tác nhân chính của bệnh lý nghiện shopping.

Ở phía ngược lại, tiết kiệm về cơ bản hoàn toàn không đem lại tác nhân kích thích tương tự nào cho não bộ của chúng ta và sẽ đòi hỏi những cố gắng tự thân nếu muốn biến nó thành một cách sống. Hiểu được cá tính của mình và xây dựng nên một chiến lược tiết kiệm riêng biệt, tích hợp thành công nó vào thói quen hàng ngày mới là cách nhẹ nhàng và êm ái nhất để đạt đến mục tiêu tài chính cho bản thân và gia đình mình.

1. Kiểu người phấn đấu

người phấn đầu

Động lực lớn nhất đằng sau mọi nỗ lực của các cá nhân này là một mục tiêu cụ thể và cảm giác mình đang trên đường về đích. Niềm vui lớn nhất tuýp người luôn phấn đấu là ý thức được rằng mình đang đạt đến mục tiêu, mỗi bước tiến đã qua cũng sẽ thúc đẩy họ đi nhanh hơn, làm nhiều hơn nữa. Nếu thuộc nhóm tính cách này thì tất cả những gì bạn cần là tạo các tài khoản tiết kiệm riêng cho mỗi một mục đích lớn khác nhau. Đừng dùng chung một sổ tiết kiệm duy nhất cho cả mua nhà, đổi xe mới cũng như quỹ du học cho con. Tách chúng thành ba tài khoản độc lập và theo dõi thường xuyên số dư ngày một tăng lên sẽ khiến cho mỗi mục đích chi tiêu trở nên một dự án chi tiết có hình dạng và tiến triển cụ thể, đo đếm được. Thành công trong việc tiết kiệm thường đến dễ dàng và tự nhiên với nhóm tính cách này, miễn là biết đặt bước đi đầu tiên đúng cách.

2. Kiểu người ưa mạo hiểm

người ưa mạo hiểm

Khinh thường trái phiếu, thờ ơ với cổ phiếu quỹ, những người thuộc nhóm tính cách này luôn luôn tìm kiếm lợi nhuận lớn và nhanh chóng dù trong thâm tâm họ tự hiểu rằng bạn đồng hành của mình là rủi ro cao. Ép mình vào một chế độ tiết kiệm cứng nhắc sẽ là màn tự tra tấn tinh thần dài ngày với những con bạc đầu tư, tất yếu sẽ dẫn đến thất bại khi sức hút liên tục, không ngơi nghỉ với họ là cảm giác đang mạo hiểm chứ không phải là tăng số dư tài khoản tiết kiệm. Vì thế, cách duy nhất để không đốt hết gia tài vào một dự án siêu mạo hiểm trong một ngày xấu trời nào đó là hãy giới hạn cho mình một khoản tiền đầu tư có thể mất.

Ví dụ cụ thể hơn: dành 5% hay 10% của toàn bộ tiền tiết kiệm cho mục đích đầu tư mạo hiểm, hãy coi đây là chi phí cần thiết để thoả mãn phần phiêu lưu trong con người bạn, xoa dịu khao khát làm giàu không khó luôn nằm trong tiềm thức. Nhưng nếu đã chiều chuộng bản thân như vậy thì điều kiện cần và đủ để có thể tiết kiệm tiền bạc là hãy tuân theo hai nguyên tắc sắt thép sau đây: (a) khoản tiền đó phải đủ nhỏ để có thể mất đi mà không ảnh hưởng tới các kế hoạch quan trọng của gia đình và bản thân. (b) đó là chi phí của cuộc chơi, nếu thua là hết, tuyệt đối không rút tiền tiết kiệm ra để tìm cách gỡ gạc.

3. Kiểu người lo lắng

người lo lắng

Tránh xa mọi thứ rủi ro, những người luôn âu lo về tiền bạc thường có trải nghiệm không mấy dễ chịu với suy thoái kinh tế hay các bong bóng cổ phiếu, bất động sản trong quá khứ. Tiết kiệm tiền bạc là bản năng thứ hai của họ, hành vi này đến với những người âu lo cũng tự nhiên cũng như hít thở và không cần đến bất kỳ lời khuyên chuyên gia hay kế hoạch chi tiêu phức tạp nào hết.

Thách thức lớn nhất với nhóm tính cách này không phải là cất trữ một phần tiền bạc cho tương lai, mà là tìm ra cách đầu tư có lợi tức cao hơn trái phiếu chính phủ mà không phải thức trắng hàng đêm chỉ vì…lo. Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trọn đời với giá trị tích luỹ an toàn, nhất là khi nhà bảo hiểm có lịch sử lâu đời và xếp hạng tín dụng tốt như Generali sẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất cho những chuyên gia tiết kiệm bẩm sinh nói trên. Nếu bạn thuộc nhóm âu lo thì không ai có thể dạy thêm bất cứ điều gì cho bạn về tiết kiệm hết, nhưng dùng bảo hiểm đúng cách rất sẽ có thể giúp bạn sống khoẻ và vui hơn.

4. Kiểu người lười

người lười biếng

Cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ năm 2008 và cơn bão nợ công ở châu Âu cho thấy thực tế đáng buồn là nhóm tính cách lười đang chiếm tỉ lệ không hề nhỏ trong xã hội hiện đại. Đặc điểm chung của nhóm này là sự chủ động tránh né, thậm chí không hề muốn nghĩ đến các chủ đề như tiết kiệm, đầu tư hay nghỉ hưu. Biết mình biết người, nếu tự thấy mình thuộc số này thì cách duy nhất để có thể tiết kiệm khi đó sẽ là tự động hoá, bạn hãy yêu cầu tự động trích một tỉ lệ lương tháng hay lợi nhuận định kỳ vào tài khoản tiết kiệm chỉ định trước.

Đầu tư kiếm lợi nhuận sẽ không thích hợp với nhóm tính cách này, nguyên nhân là sự thiếu vắng kỷ luật tài chính khi họ không hề quan tâm đến các khái niệm quan trọng nhất của nó. Các chuyên gia có thu nhập cao từ công tác chuyên môn nhưng xa lạ với tiền bạc và tiết kiệm nói chung cũng có thể được gồm trong kiểu tính cách này. Lời khuyên dành cho họ cũng sẽ giống như với nhóm người âu lo kể trên, hãy dùng bảo hiểm nhân thọ trọn đời để đơn giản hoá cũng như tự động hoá quá trình tiết kiệm. Lưu ý duy nhất là đừng tiếp cận nó theo kiểu “mua và quên”, hãy lên lịch làm việc với tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ ít nhất mỗi năm một hoặc hai lần để biết rằng tài khoản tiết kiệm/đầu tư của mình và gia đình đang ở đâu, cần có những điều chỉnh gì cho phù hợp với thay đổi trong nhu cầu thực tế.

Ngạn ngữ có câu “Người thành công nhất là người yêu công việc mình làm , người may mắn nhất là người có được công việc mình yêu thích”. Hiểu được sự cần thiết của tiết kiệm trong hoạch định cuộc sống là bước đi đầu tiên về phía một tương lai an toàn, ổn định. Tuy nhiên, để có thể biến tiết kiệm thành một phần không thể thiếu trong cách sống, cách tư duy của bạn thì tất yếu sẽ đòi hỏi ở bản thân mỗi người một mức độ thấu hiểu nhất định về chính mình. Nên nhớ, không có kế hoạch nào là hoàn hảo, nhưng kế hoạch tối ưu nhất sẽ là kế hoạch khả thi và được may đo riêng theo cá tính riêng, độc đáo của chính bạn.

Nguồn: Generali Life

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư tài chính happy.live

ĐỌC THỬ

Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm

Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững

101 Lời Khuyên Tài Chính Cá Nhân Từ Thái Phạm

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề