Cập nhật Báo cáo tài chính quý III: Công ty bất động sản lãi lớn nhờ chuyển nhượng cổ phần
Vạn Phát Hưng, Địa ốc Sài Gòn hay NHA đều báo lãi tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Phát Đạt thoát lỗ lớn nhờ nguồn thu từ chuyển nhượng cổ phần của đơn vị thành viên.
Tính tới sáng 16/10, đã có trên 20 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý III. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý III.
Ông lớn ngành thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) báo lãi sau thuế 3.022 tỷ đồng quý III, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước (2.000 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước và đạt 92% mục tiêu năm. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với 85%, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp.
Về doanh thu, Hòa Phát đạt hơn 34.000 tỷ đồng trong quý III, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024.
Đại diện một đơn vị lớn trong lĩnh vực chăn nuôi là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) ghi nhận 3.525 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chi phí gia tăng không đáng kể giúp cho lợi nhuận sau thuế của Dabaco gấp 25 lần cùng kỳ năm trước lên 312 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 quý gần đây. Động lực giúp Dabaco báo lãi đột biến đến từ tình hình giá nguyên liệu sản xuât thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định, công ty kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt là giá heo hơi tăng.
9 tháng đầu năm, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – Mã: POW) ước đạt 22.374 tỷ đồng doanh thu, tăng 1% so với cùng kỳ song lãi trước thuế giảm 18% xuống còn 833 tỷ đồng.
Tính riêng quý III, doanh thu PV Power ước đạt 6.749 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế khoảng 113 tỷ đồng, tăng 38% so với quý III/2023.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông là Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction – Mã: CTR) báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 483,5 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 72% kế hoạch năm. Doanh thu ba quý đạt 9.141 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ và cũng thực hiện được 72% mục tiêu năm.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính song theo cập nhật từ Chứng khoán Vietcap, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng với doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 9.300 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào mức tăng 23% trong doanh thu từ cá tra và các sản phẩm liên quan cùng với mức tăng 24% trong doanh thu từ collagen và gelatin. Công ty đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu cả năm sau ba quý.
Trong tháng 9, tăng trưởng doanh thu chậm lại ở mức 6% so với cùng kỳ (đạt 929 tỷ đồng), trong khi tháng 8 mức tăng này là 31%.
Đại diện trong lĩnh vực vận tải biển, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans – Mã: PVT) ước tính doanh thu 9 tháng đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ còn lợi nhuận trước thuế đi ngang, ước đạt 1.200 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 380 tỷ đồng, tương đương 146% kế hoạch 9 tháng.
Tính riêng quý III, PVTrans ước đạt 2.576 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 348 tỷ đồng; tăng gần 1% về doanh thu song giảm 13% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Sau ba quý, PVTrans đã thực hiện được 92% chỉ tiêu doanh thu và vượt 26% mục tiêu lợi nhuận của năm.
Công ty bất động sản lãi lớn từ chuyển nhượng cổ phần
Ở lĩnh vực bất động sản, doanh thu của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) chỉ còn chưa tới 3 tỷ đồng quý III, cùng kỳ đạt 355 tỷ trong bối cảnh ngành còn nhiều khó khăn, việc đầu tư và phát triển dự án của công ty chưa thuận lợi. Song nhờ lợi nhuận chuyển nhượng công ty liên kết giúp Phát Đạt ghi nhận khoản doanh thu tài chính 194 tỷ.
Khoản thu đột biến giúp công ty bất động sản này thoát lỗ và lãi ròng quý III chỉ giảm 50% so với cùng kỳ còn 51 tỷ đồng.
9 tháng, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 173 tỷ, lãi ròng 154 tỷ đồng; giảm lần lượt 69% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, CTCP Vạn Phát Hưng (Mã: VPH) báo lãi ròng đột biến 183 tỷ quý III nhờ khoản lãi chuyển nhượng cổ phần 349 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp lỗ 20 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của công ty. Doanh thu trong kỳ của VPH chỉ đạt 18 tỷ song đã gấp gần 7 lần quý III/2023.
Giải trình về sự tăng đột biến trong lợi nhuận, doanh nghiệp thông tin trong kỳ công ty đã hoàn thành pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu Dân Cư Nhơn Đức Nhà Bè 16,7 ha. Từ đó, công ty thực hiện chuyển nhượng 99% cổ phần tại công ty con là CTCP Bất Động Sản Nhà Bè cho đối tác.
Hiện tại, công ty đang hoàn thiện những bước sau cùng để hoàn tất việc chuyển nhượng cũng như tập trung nguồn lực để triển khai những dự án mới tiếp theo.
Luỹ kế 9 tháng, VPH ghi nhận doanh thu giảm 27% so với cùng kỳ còn 34 tỷ, lãi ròng 145 tỷ khi cùng kỳ năm 2023 lỗ 18 tỷ.
Tương tự, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (Mã: NHA) cũng lãi đột biến gần 12 tỷ, cùng kỳ chỉ đạt 60 triệu nhờ tăng nguồn thu từ mảng bất động sản.
Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Mã: SGR) công bố tình hình kinh doanh quý vừa qua với cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng do tăng nguồn thu từ dự án.
Quý III, SGR đạt 58 tỷ doanh thu thuần, 42,5 tỷ lãi sau thuế; tăng lần lượt 218% và 118% so với quý III/2023.
Theo báo cáo tổng hợp của Ban Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH), quý II năm tài chính 2024 (giai đoạn 1/7 – 30/9), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt trên 1.345 tỷ đồng, tăng 332% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng tăng vọt lên 519 tỷ đồng, tăng 964% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt trên 2.173 tỷ đồng doanh thu và 870 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Đóng góp chính trong kết quả kinh doanh quý II tới từ doanh số bán hàng và bàn giao gần 300 sản phẩm căn hộ, nhà liền kề tại các dự án của công ty giúp doanh số từ bất động sản tăng mạnh và đạt hơn 1.207 tỷ đồng.
Doanh số bán xe ô tô tải DongFeng (Trung Quốc) và đầu kéo Navistar (Hoa Kỳ) cũng tăng và đạt 138 tỷ đồng. Như vậy, doanh số cả hai mảng kinh doanh chính tăng mạnh so với cùng kỳ cũng như quý I năm tài chính 2024.
Bức tranh phân hoá của nhóm chứng khoán
Quý III, CTCP Chứng khoán VIX (Mã: VIX) có doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 554 tỷ đồng, tăng 71% so với quý III năm trước nhờ mức tăng từ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và lãi từ cho vay và phải thu.
Kết quả, VIX báo lợi nhuận sau thuế quý III đạt 265 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Chứng khoán MB (MBS) công bố doanh thu hoạt động quý III gấp rưỡi cùng kỳ lên 806 tỷ đồng nhờ tăng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và lãi từ cho vay và phải thu.
Lợi nhuận sau thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với quý III năm trước, song giảm 8% so với quý II liền trước.
Trái với bức tranh kinh doanh của VIX, MBS thì Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) ghi nhận 7 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu từ giảm lãi các khoản phải thu và cho vay, doanh thu môi giới.
Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 65 triệu đồng, giảm sâu so với 1,9 tỷ đồng của quý III/2023. Đây là kết quả thấp nhất kể từ sau quý IV/2022 (lỗ hơn 700 triệu đồng).
Tương tự, CTCP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (Mã: IVS) công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu 19 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. IVS báo lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng, giảm 44% so với quý III năm trước.
Chứng khoán Phố Wall (WSS) kết thúc quý III với mức lỗ sau thuế 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 400 triệu đồng. Đây là quý lỗ thứ 5 liên tiếp, nâng lỗ sau thuế chưa phân phối đến cuối tháng 9 lên 30 tỷ đồng.
Happy Live team sưu tầm/vietnambiz