Cắt lỗ 7% – quy tắc cứng nhắc không áp dụng cho số đông, tại sao?
“Đây hoàn toàn là điều vô lý khi phải cắt lỗ ở một mức chính xác như vậy, bất chấp mọi điều kiện thị trường khác.” John Bollinger
Bạn phải cảm thấy chúng phù hợp với bản thân thì bạn mới có thể áp dụng chúng vào thực tế giao dịch và đạt đến thành công.
Một nhà đầu tư bình thường sẽ chỉ có thể chịu được những khoản lỗ nhỏ sau đó phải cắt lỗ, trong khi một nhà đầu tư bản lĩnh sẽ chịu đựng được khoản lỗ nhiều hơn trong ngắn hạn nếu họ nhìn thấy được lợi nhuận trong trung hoặc dài hạn.
Quy tắc cứng nhắc không áp dụng cho số đông
Tại thời điểm quyển sách này được viết, đang thịnh hành các quy tắc cắt lỗ 7% hoặc 8%.
Đối với tôi (John Bollinger), đây hoàn toàn là điều vô lý khi phải cắt lỗ ở một mức chính xác như vậy, bất chấp mọi điều kiện thị trường khác. Mặc dù quy tắc cắt lỗ 8% có thể hoạt động tốt đối với một số nhà đầu tư, nhưng nó cũng có thể khiến những nhà đầu tư khác không kiếm được tiền hoặc mất tiền. Không có một quy tắc cứng nhắc nào như vậy có thể đúng với số đông nhà đầu tư.
Dưới đây là hai ví dụ chứng minh rằng việc nhà đầu tư điều chỉnh các khuôn khổ để phù hợp với nhu cầu của mình quan trọng đến như thế nào:
Một trang web mà tôi đã tạo ra để phân tích các cổ phiếu (EquityTrader.com) có trình bày một bảng xếp hạng hiệu suất đầu tư và tiềm năng của các khoản đầu tư. Xếp hạng hiệu suất đầu tư sẽ bao gồm các thước đo hiệu suất được dựa vào lịch sử hiệu quả đầu tư, được điều chỉnh theo các rủi ro, có các trọng số được xác định từ trước, phù hợp với dự báo trung hạn dựa trên biểu đồ ngày.
Xếp hạng tiềm năng được xây dựng dựa trên một mô hình tư duy logic, kết hợp cả phân tích kỹ thuật và cơ bản, có bản chất ngắn hạn, sử dụng nhiều công cụ giao dịch ngắn hạn. Dựa trên thông tin từ người dùng đã sử dụng các công cụ giao dịch chứng khoán (EquityTrader – ET) khác nhau, và chúng tôi đã nhận thấy việc kết hợp các công cụ giao dịch chứng khoán khác nhau để tạo ra các hệ thống giao dịch độc đáo sẽ đem lại hiệu quả đầu tư tối ưu hơn. Đó chính xác là điều chúng ta đang hướng đến.
Trong một nghiên cứu về lợi nhuận và hiệu quả đầu tư của một số hệ thống giao dịch được chào bán đại trà ra công chúng, chúng tôi nhận ra người sử dụng các hệ thống đó có những kết quả đầu tư rất khác nhau. Điều này chỉ ra một sự thật, khi một hệ thống được bán hoặc giảng dạy cùng một cách cho hàng tá những nhà đầu tư, sau một thời gian chúng ta sẽ có hàng tá hệ thống khác nhau. Vì nhiều lý do khác nhau, người dùng sẽ điều chỉnh hệ thống giao dịch sao cho phù hợp với nhu cầu của chính cá nhân họ.
Để thành công, các nhà đầu tư phải học cách độc lập trong suy nghĩ. Điều này luôn đúng bởi mỗi nhà đầu tư đều là một cá nhân độc đáo với các mục tiêu khác nhau, các tiêu chí chấp nhận rủi ro và kỳ vọng hiệu quả đầu tư khác nhau.
Mỗi nhà đầu tư đều phải tạo ra một hệ thống đầu tư không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn phải là một hệ thống mà họ có thể vận hành. Không có hệ thống nào có thể phát huy hiệu quả nếu bản thân họ không tin tưởng và tuân thủ hệ thống giao dịch. Vì vậy việc đầu tư thành công phải xuất phát từ một ý tưởng, một cách tiếp cận nhưng cần được tùy chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân nhà đầu tư mới có cơ hội mang lại thành công thực sự.
Suy nghĩ độc lập mới là chìa khóa dẫn đến thành công. Mặc dù vậy, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái khi suy nghĩ và làm theo số đông, làm theo những gì người khác đang làm hoặc làm theo điều họ bảo bạn làm. Tuy nhiên, đấy là một con đường vô cùng nguy hiểm. Như cách Robert Frost gọi đó là: “Con đường của sự mất mát”.
Trích từ ấn phẩm Bollinger on Bollinger Bands
THÂU TÓM ĐIỂM VÀO LỆNH TỐI ƯU – TỪ CHỈ BÁO BOLLINGER BANDS