Câu chuyện về một gia tộc quyền lực và giàu có bậc nhất lịch sử: Tiền nhiều đến nỗi không ai có thể đếm được
Ngày nay, vẫn còn tin đồn cho rằng gia tộc này đang kiểm soát tiền của mình qua Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Đơn giản là vì họ có quá nhiều tiền.
Tính cả số tiền mất đi sau vụ ly hôn đình đám, người giàu nhất thế giới hiện nay vẫn đang là ông chủ của Amazon – Jeff Bezos với khối tài sản lên tới 150 tỉ USD.
Nhưng hóa ra, số tiền mà Jeff Bezos đang sở hữu cũng chưa thấm tháp vào đâu khi đặt cạnh cái tên Rothschild – gia tộc được xem là quyền lực và giàu có bậc nhất lịch sử.
Bạn sẽ không thấy cái tên nào thuộc gia tộc này xuất hiện trong danh sách của Forbes đâu, vì khối tài sản khổng lồ ấy đã chia cho rất nhiều người thừa kế.
Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản của họ thì nhiều đến mức không ai có thể đếm hết được, dù có nguồn tin cho rằng nó dao động trong khoảng 350 tỉ – 1000 tỉ USD.
Thế kỷ 18 – 19: Khởi nguồn của một gia tộc quyền lực
Gia tộc Rothschild ra đời từ thế kỷ 18, là một gia tộc Do thái có nguồn gốc từ Frankfurt, Đức.
Thế hệ đầu tiên của gia tộc sống trong một ngôi nhà với gia huy là một tấm khiên nền đỏ có chạm khắc hình con đại bàng. Trong tiếng Đức “khiên đỏ” (red shield) phát âm nghe rất giống “Rothschild”.
Câu chuyện quyền lực của họ bắt đầu khi Amschel Mayer Rothschild (người đứng đầu gia tộc) lập ra một ngân hàng nhỏ tại Đức vào những năm 1760, rồi trao lại cho 5 người con trai.
Cả 5 đều là những nhân vật kiệt xuất thời bấy giờ, đã biến nó thành 5 ngân hàng tại các vùng khác nhau của châu Âu.
Các ngân hàng hợp tác với nhau hết sức suôn sẻ. Vì là 5 anh em ruột, họ không có bất kỳ hiềm khích nào, để rồi tạo ra một đế chế tài chính – ngân hàng thậm chí còn vượt qua cả những gia tộc cùng ngành vốn đã rất mạnh thời bấy giờ là Baring và Berenberg.
Thành công của họ cũng có sự đóng góp của một vài mánh khóe.
Nhà Rothschild đã thành lập công ty chuyển phát của riêng mình, nhằm thu được mọi thông tin đang diễn ra trên thế giới.
Họ còn sử dụng cả chim bồ câu đưa thư, để bất kỳ thứ gì xảy ra thì họ cũng sẽ là người đầu tiên biết được. Và trong trường hợp cần thiết, chính công ty này sẽ là nơi phát ra các tin đồn.
Thông tin trên thương trường là yếu tố sống còn, vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi nhà Rothschild thu được những món lợi khổng lồ.
Như trong trận Waterloo với quân Napoleon năm 1815, thông tin về chiến thắng của Anh Quốc đã được gửi cho chi nhánh ngân hàng tại London của Nathan Rothschild đầu tiên, một ngày trước khi chính phủ Anh biết được.
Nathan không vội thông báo ngay. Thay vào đó, ông ra lệnh bán ra một ít trái phiếu chính phủ Anh, khiến giá trị sụt giảm một chút.
Các nhà đầu tư thấy vậy, ai cũng nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy Anh sắp thua và ngay lập tức bán tống bán tháo những gì họ đang có, đẩy giá trị trái phiếu Anh đang từ “quá đắt” xuống mức cực thấp.
Chỉ chờ có thế, Nathan thâu tóm toàn bộ thị trường trái phiếu của chính phủ Anh, thu lợi tới 40% những gì đã bỏ ra chỉ sau 1 đêm.
Vào đầu thế kỷ 19, gia tộc Rothschild bắt đầu đặt ra những nội quy mà mọi thành viên buộc phải tuân thủ.
Phụ nữ trong gia tộc không được phép động tay vào chuyện tài chính. Đó là đặc quyền, và là nghĩa vụ của đàn ông thôi.
Tuy nhiên, quy định hà khắc nhất là họ không được phép lấy người ngoại tộc, nhằm đảm bảo về huyết thống và giữ gìn tài sản.
Anh chị em trong gia đình phải lấy nhau, bởi vậy gia phả của nhà Rothschild cứ thu hẹp dần. Như một người bình thường có bố, mẹ và 4 ông bà, thì một người nhà Rothschild chỉ có đúng 1 ông và 1 bà thôi.
Nhưng bất chấp những quy định hà khắc, quyền lực của nhà Rothchild vẫn tiếp tục tăng lên.
Đến cuối thế kỷ 19, gia tộc này kiểm soát đến phân nửa thế giới, đủ sức tài trợ chiến tranh cho quân đội các nước hay cấp vốn xây dựng kênh đào Suez tại Ai Cập.
Họ lớn mạnh đến nỗi, cái tên Rothschild khi đó còn được dùng để chỉ sự giàu sang.
Gia tộc Rothschild trong thế kỷ 20 – đế chế vẫn trụ vững sau 200 năm
Đế chế tài chính của nhà Rothschild vẫn rất vững mạnh trong giai đoạn này, và dĩ nhiên khối tài sản của họ cũng vậy. Tuy nhiên trong thời kỳ này, các nhân vật trong gia tộc còn có những đóng góp khác cho xã hội.
Như Ferdinand James Anselm de Rothschild – người được mệnh danh là nhà sưu tầm vĩ đại nhất Anh Quốc vào thế kỷ 20. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, ông có thể mua được mọi cổ vật hiếm nhất.
Ông cũng hết sức tốt bụng khi tuyên bố sẽ tặng lại bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Anh Quốc.
Có điều cũng bởi vậy mà các bảo tàng nảy ra ý đồ lợi dụng, tìm cách “gài” ông mua những thứ họ không thể trả nổi. Đơn giản vì họ biết sẽ có một ngày, mọi thứ trong bộ sưu tập đó sẽ thuộc về bảo tàng.
Walter Rothschild cũng là một nhà sưu tầm có tiếng, với bộ sưu tập lên đến 2,25 triệu con bướm.
Walter còn có sở thích thám hiểm, đến những vùng xa xôi nhất trên thế giới.
Nhờ ông mà rất nhiều loài vật mới đã được tìm thấy – từ côn trùng, sâu bọ, cho đến những chú kangaroo tại Úc. Và cũng nhờ ông, cái tên “Rothschild” đã được đặt cho không ít loài vật nhằm vinh danh người tìm ra chúng.
Đế chế thời hiện đại
Các hậu duệ của nhà Rothschild ngày nay không sống cùng nhau, mà rải rác tại nhiều nước. Một số người thậm chí làm những công việc chẳng liên quan đến truyền thống của gia tộc.
Dẫu vậy, vẫn có tin đồn cho rằng gia tộc Rothschild tiếp tục duy trì sự kiểm soát của mình thông qua Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Tất nhiên, đây chỉ là tin đồn dạng “thuyết âm mưu” thiếu căn cứ mà thôi.
Ở thời điểm hiện tại, nhà Rothschild đang hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất rượu vang được hơn 150 năm.
Họ cũng sở hữu nhiều cơ sở sản xuất rượu vang, có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, và sang tận Úc.
Nổi tiếng nhất là nhãn vang Pháp Château Lafite Rothschild, và một loại rượu của Israel của Baron Edmond James de Rothschild.
Một số khác lại theo con đường học hành – như Emma Rothschild, nhà sử học hiện đang lưu giữ khu vực “Thành tựu nhà Rothschild” trong ĐH Cambridge.
Được biết, Emma cũng là người trẻ nhất từng theo học ĐH Oxford. Ở thời điểm nhập trường, bà mới 15 tuổi.
Hậu duệ khác của nhà Rothschild – David – thì muốn cống hiến cho môi trường.
Anh sáng lập ra Adventure Ecology – tổ chức chuyên thực hiện những dự án phục vụ mục đích bảo vệ môi trường. Năm 2007, tổ chức của anh đã đến Ecuador để bảo vệ những cánh rừng ở đây khỏi bị chặt phá bừa bãi.
Năm 2010, anh xây dựng một con thuyền từ 12.500 chai nhựa, rồi băng qua 1/2 biển Thái Bình Dương trên đó.
Nguồn: Soha
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU