Cha tiến sĩ tiết lộ quy tắc 6-3-1 nuôi 2 con vào ĐH top đầu của Mỹ: Con không thành công cũng thành nhân!
Đối với mỗi đứa trẻ, giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường là quan trọng nhất, nên cha mẹ cần áp dụng quy tắc 6-3-1 trong khoảng thời gian này để trẻ được phát triển toàn diện.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình tài giỏi, mạnh mẽ và ngoan ngoãn. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh phải chú ý đến cách nuôi dạy con trẻ ở từng giai đoạn: tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông.
Vị tiến sĩ này có 2 người con. Người con trai William đã đạt giải thưởng Premier Award – danh hiệu cao nhất dành học sinh trung học Mỹ. Cậu cũng được học bổng toàn phần của 6/8 trường thuộc hệ thống đại học hàng đầu nước Mỹ – Ivy League. Đến cả các trường đại học danh tiếng khác như MIT và Stanford cũng mời William nhập học. Cuối cùng, William đã chọn Stanford.
Cô con gái của tiến sĩ Yin cũng có thành tích học tập ngang ngửa anh trai. Cô đã nhận được thư mời nhập học của các trường Ivy League như ĐH Cornell, nhưng quyết định theo học tại ĐH Vanderbilt.
Theo tiến sĩ Yin, William không chỉ học giỏi mà còn rất độc lập và trưởng thành. Bên cạnh việc học máy tính ở đại học, cậu cũng tham gia vào ban nhạc sinh viên. Cô con gái thứ hai tuy chưa chính thức vào học, nhưng cũng rất quan tâm đến ngành sinh học và y học.
Để nuôi dạy hai con thành người tài giỏi như ngày hôm nay, tiến sĩ Yin đã áp dụng quy tắc 6-3-1, tương ứng với từng bậc học.
6 nhiều (cần chú ý trong giai đoạn tiểu học)
Nói nhiều hơn
Thời còn học lớp 2, con gái của tiến sĩ Yin rất nhút nhát và rụt rè. Khi muốn đi vệ sinh, cô bé chỉ dám chỉ về hướng nhà tắm chứ không dám hỏi giáo viên. Tuy nhiên, cô bé đã trở thành người dẫn chương trình của trường khi lên cấp 2. Tất cả là nhờ vào quá trình dạy bảo, thay đổi của cha mẹ.
“Ngay cả khi đứa trẻ nói những điều vô nghĩa, cứ để cho chúng nói. Cha mẹ nên tích cực tranh luận với con, khuyến khích con nói ra những suy nghĩ của mình,” tiến sĩ Yin chia sẻ.
Ngoài ra, còn một chi tiết nhỏ cha mẹ cần để ý. Theo tiến sĩ Yin, người lớn thường cao hơn trẻ em, khiến trẻ em cảm thấy khó chịu, khó gần gũi khi nói chuyện với cha mẹ. Vì thế, các bậc phụ huynh nên ngồi xuống trong lúc trò chuyện để xóa đi khoảng cách với con cái.
Nhìn nhiều hơn
Cha mẹ nên cố gắng giúp trẻ khám phá thế giới bằng cách đưa tới bảo tàng, công viên hay sở thú. Điều này sẽ giúp trẻ mở rộng kiến thức mà còn giúp trẻ biết được vẻ đẹp của thế giới.
Suy nghĩ nhiều hơn
Đừng áp đặt rằng con bạn luôn vâng lời mới là ngoan ngoãn. Hãy đặt câu hỏi để trẻ tích cực suy nghĩ tìm câu trả lời. Kể cả khi bạn không trả lời được câu hỏi ấy, hãy hướng dẫn chúng tự tìm câu trả lời phù hợp.
Viết nhiều hơn
Viết không chỉ giúp trẻ giải tỏa tâm lý và rèn luyện các kỹ năng logic, mà còn là những kỹ năng cần thiết cho việc học tập và sự nghiệp sau này.
Yêu nhiều hơn
Tình cảm là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình hoàn thiện tính cách của trẻ. Nếu trẻ em biết quan tâm, yêu mến người khác từ bé, điều này có thể đem lại lợi ích bất ngờ trong tương lai.
Tiến sĩ Yin đưa ra một ví dụ. Hai người con của ông được học piano từ bé, nhưng không định đi theo con đường chuyên nghiệp. Họ không tham gia thi đấu hay biểu diễn. Vậy làm sao để chúng có động lực tập piano tiếp? Tiến sĩ Yin cho biết, hàng xóm nhà ông là một cặp vợ chồng già. Ông thường bảo 2 người con tập một số tiết mục để tặng cho họ. Đôi vợ chồng ấy đã rất hạnh phúc khi xem biểu diễn, và đó chính là động lực để 2 đứa trẻ tiếp tục học nhạc.
Vận động nhiều hơn
Theo tiến sĩ Yin, cha mẹ nên khuyến khích con cái tập thể dục nhiều hơn để cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, họ cũng nên đi cùng con mình để tăng cường gắn bó tình cảm gia đình.
3 mở rộng (cần chú ý trong giai đoạn THCS)
Mở rộng giao lưu, kết bạn
Khi lên cấp 2, trẻ em cần được khuyến khích kết bạn nhiều hơn. Cha mẹ không nên lo sợ rằng con sẽ kết bạn với những người không tốt và nhiễm thói hư tật xấu. Hãy để con được tự do kết bạn. Ngoài ra, cần tránh để con chia bè chia phái, chỉ chơi với một nhóm duy nhất.
Nhiều đứa trẻ có tính cách trưởng thành hơn thường nghĩ mình không có tiếng nói chung với các bạn đồng trang lứa. Tiến sĩ Yin cho biết: “Hãy khuyến khích trẻ khám phá điểm mạnh, điểm tốt của đối phương. Điều đó sẽ giúp chúng tương tác dễ dàng hơn với mọi người.”
Mở rộng tài năng
Đây là thời điểm rất tốt để con bạn phát triển những sở thích khác bên cạnh việc học tập, chẳng hạn như: vẽ, múa, hát, chơi thể thao,…
Mở rộng kiến thức về khoa học
Tiến sĩ Yin cho rằng, ngoài nghệ thuật ra, trẻ em cũng nên tăng cường tiếp xúc với các môn khoa học. Nếu có thể tìm thấy lĩnh vực yêu thích trong giai đoạn này, trẻ em có thể lấy đó làm định hướng phát triển cho tương lai.
1 đột phá (cần chú ý trong giai đoạn THPT)
Sau khi đã khám phá các môn nghệ thuật, khoa học từ cấp 2, trẻ sẽ biết lĩnh vực mình yêu thích là gì khi lên cấp 3. Đây chính là thời điểm “chín muồi” để trẻ tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực thế mạnh của mình, tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực đó. Nhờ đó, trẻ có thể tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ sau này.
Nguồn: CafeF
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh