Chân dung tập đoàn Singapore với 3.000 nhân viên đi lên từ xe thịt nướng bán rong vỉa hè
Chân dung tập đoàn Singapore với 3.000 nhân viên đi lên từ xe thịt nướng bán rong vỉa hè. Làm thế nào mà từ một người bán thịt lợn nướng rong, ông Teo Swee Ee lại có thể xây dựng nên cả một đế chế hùng mạnh ở Châu Á?
Chúng tôi xin giới thiệu chuỗi các bài Made in Asia về những doanh nghiệp châu Á lâu đời và nổi tiếng thế giới.
- Thành lập năm 1933, Bee Cheng Hiang đã có hàng trăm cửa hàng với hơn 3.000 nhân viên.
- Thương hiệu này chỉ sử dụng thịt lợn hảo hạng đã ướp, tuy nhiên công thức làm nên thành công lại vẫn là bí mật khi thịt vẫn tươi ngon sau vài ngày mà không có bất kỳ chất bảo quản nào.
Đối với nhiều người Châu Á, thịt lợn hầu như là món không thể thiếu trong những dịp lễ tết. Với người Trung Quốc thì thịt lợn nướng hầu như thành món bắt buộc trong các dịp Tết nguyên đán. Trong số những thương hiệu thịt lợn nướng thì Bee Cheng Hiang được coi là nổi tiếng nhất với lịch sử từ năm 1933.
Điều thú vị là nhà sáng lập Bee Cheng Hiang, ông Teo Swee Ee vốn chỉ là một người bán hàng rong. Hàng ngày, ông Teo đẩy chiếc xe bán hàng rong của mình dọc các con phố tại Singapore với than nóng và thịt lợn nướng đã tẩm gia vị.
Khởi điểm, người đàn ông này chuyên đỗ trước các tụ điểm giải trí đông người qua lại như rạp chiếu phim, rạp hát. Mùi thơm của thịt nướng khiến ông bán khá đắt hàng, nhất là vào những dịp lễ tết.
Sau này, công việc kinh doanh tốt giúp ông Teo có đủ tiền mở một cửa tiệm tại phố Rochor-Singapore vào năm 1945 rồi một chi nhánh thứ 2 nữa tại đường Victoria.
Trớ trêu thay, chi nhánh tại đường Victoria lại gần khu đỗ xe tải, làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Tuy vậy ông Teo khá nhanh nhạy khi trả tiền cho chủ đội xe để sơn quảng cáo thương hiệu lên những chiếc ô tô. Động thái này không chỉ khiến cửa hàng tại đường Victoria đông khách mà còn khiến Bee Cheng Hiang được nhiều người Singapore biết đến.
Điều thú vị là do mảng quảng cáo thời đó còn ít nên khi thấy logo thương hiệu của ông Teo tràn ngập trên những chiếc xe tải ở mọi nẻo đường, phần lớn người Singapore đã nghĩ rằng Bee Cheng Hiang là một tập đoàn lớn kinh doanh thịt nướng chứ không biết đây chỉ là 2 cửa hiệu nhỏ.
Cho đến ngày nay, Bee Cheng Hiang đã có 376 cửa hàng ở 12 nước trên thế giới, từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia cho đến Hàn Quốc.
Bí mật làm nên thành công
Để nói đến thành công của Bee Cheng Hiang thì không thể không nhắc đến bí quyết làm thịt. Thông thường người Trung Quốc làm thịt nướng sẽ để khô, ướp gia vị và cắt những thớ thịt lợn theo những bộ vị khác nhau tùy giá tiền mà sản phẩm họ định bán. Đến thời điểm hiện tại, kỹ thuật này cũng được Bee Cheng Hiang sử dụng cho cả thịt gà và bò.
Thông thường người Trung thời đó thường dùng đậu nành làm phụ gia cho thịt nướng nhưng Bee Cheng Hiang lại chỉ có thịt không với nước sốt. Thậm chí mỗi chi nhánh cửa hàng của Bee Cheng Hiang đều tự nướng thịt theo hương vị riêng của họ với mục đích quảng cáo là chính, trong khi phần lớn sản phẩm được bán online và phân phối từ nhà máy ở Senoko-Singapore.
Điều thú vị nữa là trong khi các doanh nghiệp toàn cầu hóa hướng tới tự động hóa và công nghiệp hóa thì Bee Cheng Hiang vẫn kiên quyết làm sản phẩm thủ công, nghĩa là nướng thịt bằng tay trên những vỉ tre.
Ngoài ra, Singapore vốn phải nhập khẩu lương thực nên Bee Cheng Hiang cũng phải lấy nguồn thịt từ nhiều nơi. Bởi vậy để đảm bảo chất lượng thịt đầu vào đúng tiêu chuẩn, Bee Cheng Hiang phải dùng nhân lực thay vì máy móc cho việc giám sát và thực hiện trong hầu như mọi quy trình.
Chính vì điều này mà Bee Cheng Hiang luôn tự hào sản phẩm của họ không sử dụng chất tạo màu, tạo vị, phụ gia công nghiệp hay bất cứ chất bảo quản nào khác. Đây là một điều hiếm có bởi thịt nướng của Bee Cheng Hiang vẫn giữ được độ tươi ngon ở nhiệt độ nóng ẩm sau 1-2 ngày. Công thức làm nên điều đặc biệt đó chỉ được truyền lại trong gia đình họ Teo và một số người cực kỳ thân cận.
Những người đầu bếp tham gia Bee Cheng Hiang trước khi được truyền thụ bí mật nướng thịt của dòng họ Teo đều được yêu cầu làm việc với trái tim. Họ được dạy tưởng tượng mình đang nướng thịt cho người thân trong gia đình ăn và chú tâm vào chất lượng sản phẩm.
Chính nguyên tắc này đã giúp Bee Cheng Hiang trường tồn được qua hàng loạt đối thủ cạnh tranh bắt chước.
“Chúng tôi chẳng lo lắng lắm về những kẻ bắt chiếc bởi chúng tôi cũng đang không ngừng phát triển“, CEO Daniel Wong, cháu của nhà sáng lập Teo hiện đang điều hàng Bee Cheng Hiang nói.
Hàng năm, Bee Cheng Hiang tốn khoản tiền khá lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cho đội ngũ các chuyên gia ẩm thực của mình. Mỗi năm, đội ngũ R&D của Bee Cheng Hiang cho ra đời hàng trăm sản phẩm mới nhưng chỉ 10% trong số đó được chấp nhận đưa vào kinh doanh. Thậm chí có năm, Bee Cheng Hiang chào bán tới 20 dòng sản phẩm mới, một con số đáng nể với công ty chuyên kinh doanh thực phẩm.
Đầu thập niên 2000, Bee Cheng Hiang đã nhanh nhạy chào bán những gói thịt nướng ăn vặt hút chân không, nhắm tới thế hệ học sinh hoặc nhân viên văn phòng. Năm 2017, Bee Cheng Hiang tiếp tục cho ra mắt dòng sản phẩm thịt nướng xiên bọc trong những túi nhỏ, thuận tiện cho người sử dụng.
Ngoài ra, hãng còn ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới kết hợp với thịt nướng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Đây là lý do mỗi khi bạn bước vào các chi nhánh của Bee Cheng Hiang cũng sẽ bị hoa mắt bởi rất nhiều loại thịt cũng như sản phẩm khác nhau.
Với hơn 3.000 lao động, Bee Cheng Hiang thực hiện chính sách quản lý nhân viên khá thân thiện khi coi mọi người như người thân. Tất cả giám đốc của công ty đều đã tại nhiệm được 15 năm, một con số đáng kinh ngạc với doanh nghiệp có 30 năm lịch sử.
“Chúng tôi không phân bổ ngân sách cho từng bạn hàng năm hay đặt mục tiêu tăng trưởng các thứ. Chúng tôi chỉ nhắm tới mở mới 1-2 cửa hàng tại mỗi thị trường hàng năm. Chất lượng vẫn là ưu tiên số 1 của công ty. Sự phát triển của công nghệ khiến khách hàng ngày nay đặt yêu cầu rất cao với sản phẩm. Bởi vậy trừ khi doanh nghiệp phát triển được đồng đều cả chất lượng lẫn lợi nhuận, bằng không chúng tôi sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thương hiệu truyền thông”, CEO Wong thừa nhận.
Nguồn Nhịp Sống Kinh Tế