fbpx

Chỉ một câu hỏi, Steve Jobs đã đưa Apple từ bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp ngàn tỉ đô

Thành công hiện tại của Apple khiến không ít người quên rằng trước đây công ty này từng lâm vào tình cảnh suýt phá sản. Khi ấy, một câu hỏi của Steve Jobs đã đưa “gã khổng lồ công nghệ Mỹ” đứng dậy và quay trở lại đường đua.

 Người kế nhiệm Tim Cook bên chân dung của Steve Jobs
Người kế nhiệm Tim Cook bên chân dung của Steve Jobs

Tập trung vào điều cốt lõi

Đó là ngày 23.09.1997, khi Steve vừa trở về Apple sau khi bị sa thải năm 1985. Số tiền còn lại trong ngân hàng chỉ đủ để Apple duy trì trong khoảng 3 tháng. Tương lai giờ đây thật ảm đạm, cơ hội sống sót của công ty quá mong manh, chứ chưa nói tới viễn cảnh Apple trở thành doanh nghiệp niêm yết đầu tiên của Mỹ đạt vốn hóa 1 nghìn tỉ đô la Mỹ.

Tại cuộc họp nhân viên công ty, Steve xuất hiện trong chiếc áo cao cổ màu đen thường thấy, mặc quần short thay vì jeans xanh. Ông đã gửi đến các nhân viên một thông điệp mãnh liệt và tha thiết, truyền cảm hứng cho cả đội tìm ra hướng giải quyết đưa công ty ra khỏi vũng lầy hiện tại.

Steve thông báo với nhân viên rằng Apple đã loại bỏ 70% các dòng sản phẩm hiện hành. “Có quá nhiều thứ không cần thiết. Apple đang dần lơ là việc thực hiện thật tốt những điều cơ bản. Chúng ta sẽ chỉ tập trung vào 30% những gì cốt lõi.”

Rồi Steve giải thích vì sao ông lại chọn cắt giảm số lượng sản phẩm. Tất cả bắt đầu bằng một câu hỏi sâu sắc: “Apple là ai và đâu là vị thế của chúng ta trong thế giới này?”

Nhằm trả lời câu hỏi trên, một chiến dịch mang tên “Nghĩ khác đi” (Think Different) đã được triển khai, đánh dấu bước đi của Apple trên con đường trở thành công ty niêm yết đáng giá nhất nước Mỹ.

Apple là ai?

“Phương châm của chúng ta không phải tạo ra những thiết bị giúp con người hoàn thành công việc, dù ta hoàn toàn có thể thực hiện tốt điều này. Điều Apple hướng tới còn hơn cả thế. Giá trị cốt lõi của Apple chính là niềm tin những ai sống với đam mê có thể khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Những người đủ điên rồ để nghĩ rằng bản thân có thể thay đổi thế giới chính là những người thực sự làm được điều đó.”

Steve Jobs tuyên bố Apple sẽ không còn quảng bá “tốc độ và bộ máy” của mình nữa. Thay vào đó, công ty sẽ truyền đạt lợi ích của sản phẩm đến những khách hàng chủ chốt của mình: những người “điên rồ” và rất khác biệt.

Câu hỏi tốt tạo ra chiến lược tốt

Những điều trên đã nhắc nhở chúng ta rằng niềm đam mê chính là cội nguồn của mọi thứ. Ta không thể truyền cảm hứng cho người khác nếu bản thân không giàu cảm hứng. Nhưng chỉ tự hỏi “Chúng ta đang theo đuổi điều gì?” vẫn chưa đủ. Steve Jobs đã chỉ ra rằng những lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng sẽ đặt ra những câu hỏi đầy ý nghĩa và sâu sắc về mục tiêu cốt lõi của công ty. Những câu hỏi có thể bao gồm:

  • Điều gì mang lại động lực cho chúng ta hằng ngày?
  • Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc?
  •  Làm thế nào giúp cho khách hàng đạt được ước muốn của họ?
  •  Đâu là giá trị cốt lõi của chúng ta?
  • Chúng ta đại diện cho điều gì?
  • Đâu là vị thế của chúng ta trong thế giới này?

Đáp án cho các câu hỏi trên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt sứ mệnh cốt lõi của công ty.

“Cảm hứng” được định nghĩa là “khơi gợi nhiệt huyết” cho người nghe. Vấn đề nằm ở chỗ: ta không thể truyền lửa nhiệt huyết nếu không thể tự đốt lửa đam mê cho chính mình. Khi Steve Jobs quay trở lại Apple sau 12 năm vắng bóng, Apple đang rơi vào tình trạng túng quẫn. Ông đã ngồi xuống và tự hỏi bản thân: “Tôi muốn mọi người biết gì về công ty mình?”. Như vậy để xác định đam mê của bản thân, ta cần phải tự chất vấn những câu hỏi đúng đắn. Giá trị của công ty bạn có thể không đạt tới 1 nghìn tỉ đô la Mỹ bằng việc đặt ra câu hỏi đúng, nhưng làm được điều này, ta sẽ tiến gần tới thành công hơn cả tưởng tượng của chính mình.

Nguồn: Forbesvietnam

Các viết cùng chủ đề