Chỉ tiêu 165.000 đồng/ngày, Yoko Ogasawara trở thành “bậc thầy tiết kiệm” tại Nhật Bản
Hơn 4 thập kỷ chỉ tiêu 165.000 đồng/ngày, Yoko Ogasawara – “bậc thầy tiết kiệm” Nhật Bản – chia sẻ 10 chiến lược giúp bà thành công. Áp dụng ngay để tối ưu chi tiêu, đạt mục tiêu tiết kiệm hiệu quả!
Xuất hiện trên chương trình tin tức Nhật Bản “Mezamashi 8”, Yoko Ogasawara, một chuyên gia 71 tuổi nổi tiếng khắp đất nước này nhờ lối sống tiết kiệm đặc biệt.
Yoko Ogasawara từng được nhiều tạp chí phỏng vấn và còn là tác giả của một cuốn sách về nghệ thuật tiết kiệm. Bằng cách chi trung bình 1.000 yen (165.000 đồng) tương đương 31.000 yen (hơn 5 triệu đồng) một tháng cho quần áo, thực phẩm và phương tiện đi lại.
Trong khi đó một bát cơm donburi giá 700 yen, một bát mì đơn giản giá 600 yen, vé xem phim thông thường giá 1.800 yen…Như vậy, một người sống tại Tokyo trung bình cần 73.705 mỗi tháng, gấp đôi số tiền mà bà lão 71 tuổi đang dùng.
Người phụ nữ Nhật thừa nhận tiết kiệm là bản chất bẩm sinh và là sở thích hàng đầu của bà. Hãy cùng khám phá cách chuyên gia tiết kiệm này chi tiền ra sao mỗi ngày nhé!
Dùng cốc để pha trà
Là người yêu trà, Ogasawara đã tái sử dụng túi trà đã qua sử dụng để ngâm cùng gạo nấu cơm. Theo bà cách làm này vừa bổ sung dinh dưỡng cho gạo, vừa giảm nhu cầu sử dụng trà hàng ngày.
Ngoài ra, người phụ nữ này cũng không dùng ấm pha trà rồi rót ra cốc để uống như cách thức thông thường mà trực tiếp đổ trà vào tách để pha, nhằm tiết kiệm nước.
Dùng giấy cuộn cho sinh hoạt
Ogasawara khẳng định bà đã không sử dụng giấy rút hoặc giấy đóng gói hàng chục năm nay, mà thay thế bằng giấy cuộn thường được dùng trong nhà vệ sinh.
Theo bà, một cuộn giấy vệ sinh có giá khoảng 25 yen và có thể dùng 300 lần khi xé 20 cm mỗi lần. Trong khi đó, hộp khăn giấy tại Nhật chứa 200 tờ và có giá 60 yen. Quan điểm của Ogasawara là sử dụng giấy cuộn tiết kiệm chi phí hơn.
Thay thế giấy ghi chú bằng giấy bỏ đi
Với bà Yoko, việc nhìn lại là điều quan trọng nhất khi tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Để làm chủ được việc chi tiêu, bà cho rằng cần phải vạch ra những khoản không cần thiết. Ví dụ, bà thu thập các biên lai mua sắm lại và biến chúng thành một cuốn sổ ghi chú nhỏ với mặt trắng phía sau là nơi ghi chép.
Ngoài ra người phụ nữ này còn chăm chỉ sắp xếp ví, lấy biên lai ra và cất giữ theo tháng. Bà ghi lại những khoản chi tiêu hàng ngày, đến cuối tháng tổng kết thu chi, nếu nhiều hơn so với dự tính phải điều chỉnh lại cho tháng sau.
Tận dụng các tuýp kem, sữa rửa mặt
Ogasawara luôn đảm bảo tận dụng từng chút một từ các tuýp son môi, kem đánh răng, kem dưỡng da hay các sản phẩm tương tự. Mỗi khi sản phẩm sắp hết, không thể bóp ra được nữa, bà lại cắt chúng ra để dễ dàng lấy và sử dụng tiếp thay vì vứt bỏ.
Dù vậy bà vẫn khuyến cáo nếu áp dụng cách tiết kiệm này, cần sử dụng hết sản phẩm càng sớm càng tốt, không nên để quá lâu sau khi cắt.
Tái chế những đồ bỏ đi
Những tờ rơi quảng cáo nhận được khi đi đường hoặc vào siêu thị đều được Ogasawara dùng làm tấm lót bàn, nhằm tiết kiệm tiền mua khăn trải bàn và giảm chi phí nước giặt khăn. Nhiều quần áo cũ sau khi dọn sạch tủ lại được bà tái chế thành trang phục mới, khăn quàng hoặc cắt thành giẻ lau.
Yoko Ogasawara cũng rất thích dọn dẹp vì cho rằng giúp không gian sống trở nên sạch sẽ hơn. Thay vì vứt bỏ vỏ cam, bà phơi khô và biến chúng thành loại hương liệu có mùi thơm. Bà đặt vỏ cam khô vào những túi vải nhỏ và cất trong ngăn kéo, tạo mùi hương dễ chịu cho căn bếp.
Chi tiêu có giới hạn
Khi đi mua sắm, Yoko Ogasawara đặt ngân sách tiêu 1.000 yên (164.000 đồng) một ngày, bao gồm cả thực phẩm và nhu yếu phẩm. Nếu chi tiêu vượt ngân sách, bà sẽ hạn chế ngày hôm sau bằng cách khấu trừ số tiền đã tiêu ngày hôm trước.
Hiện tại, có đôi lúc người phụ nữ này thanh toán bằng thẻ tín dụng vì nhận được điểm thưởng, nhưng bà giữ tất cả tiền mặt trong ví. Tuy nhiên bí quyết của bà là không chi tiêu quá mức và thường xuyên kiểm tra ví. Đồng thời người phụ nữ này cũng để riêng số tiền không dùng đến vào một tài khoản khác để nhắc nhở bản thân không chi tiêu bừa bãi.
Lên danh sách trước khi mua sắm
Trước khi ra ngoài mua đồ, bà Ogasawara đều lập sẵn danh sách mua sắm. Những thứ không nằm trong danh sách, bà sẽ không mua dù bất chợt cảm thấy yêu thích nó.
Bằng cách này, người phụ nữ 71 tuổi giảm bớt việc mua hàng không cần thiết. Ogasawara cũng không thường xuyên mua đồ giảm giá vì chúng thường có hạn sử dụng ngắn. Bà tin rằng, tiết kiệm tiền có nghĩa là tiêu tiền vào những thứ cần thiết và từ bỏ một số thứ không cần thiết.
Đi bộ thật nhanh khi đi siêu thị
Mỗi lần đi siêu thị, Ogasawara rảo bước rất nhanh khi đi qua khu vực hàng hóa không có ý định mua. Theo bà, đây là cách để bản thân không có cơ hội la cà hay bị hấp dẫn bởi những món đồ không cần thiết.
Trả lại một mặt hàng trước khi thanh toán
Trước khi thanh toán, như một thói quen, Ogasawara buộc mình phải trả lại một món đồ trong giỏ hàng để có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Đó cũng là cách để bà nghĩ lại thật kỹ một lần nữa, xem liệu nó có cần thiết hay không.
Người phụ nữ này cũng không bao giờ mua đồ uống đựng trong chai nhựa mà thường chuẩn bị nước tinh khiết vào chai thủy tinh nhỏ, dễ mang theo trong túi xách. Cách làm này theo bà, vừa tiết kiệm tiền, vừa bảo vệ môi trường.
Không tốn tiền mua gia vị
Ogasawara luôn tự hào chưa từng bỏ một đồng để mua gia vị, mà thường tận dụng từ gia vị trong mì gói hay thu thập miễn phí từ các nhà hàng về sử dụng khi nấu ăn.
Người phụ nữ này cũng thường sử dụng hoa quả hay thực phẩm không cần gọt vỏ như táo, dâu tây hay cá thịt được chế biến nhừ nên hầu như không lãng phí thức ăn, cũng không thải nhiều rác thải ra môi trường.
Nhìn chung, lối sống tiết kiệm và kỹ thuật tiết kiệm tiền của Yoko Ogasawara có thể cực đoan đối với một số người, nhưng chúng là minh chứng cho sức mạnh của việc chi tiêu bền vững. Bằng cách áp dụng phương pháp này, các cá nhân không chỉ có thể tiết kiệm tiền mà còn góp phần tạo nên lối sống thân thiện với môi trường hơn.
Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù các phương pháp của Ogasawara có thể truyền cảm hứng nhưng điều cần thiết là phải tìm được sự cân bằng phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu tài chính của mỗi cá nhân. Những gì có thể hiệu quả với người này có thể không hiệu quả với người khác.
Hoai An Le (Theo Đời sống và Pháp luật)