Chiến lược thám hiểm (Explorer Strategy) – chiến lược vàng tạo nên bứt phá cho doanh nghiệp
Chiến lược thám hiểm (Explorer Strategy) với việc thử nghiệm hàng loạt những đổi mới về công nghệ và thị trường là một trong những chiến lược hàng đầu mà nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Khái niệm về chiến lược thám hiểm
Chiến lược thám hiểm tạm dịch sang tiếng Anh là Explorer Strategy.
Chiến lược thám hiểm là một trong các chiến lược đổi mới khi phân loại chiến lược đổi mới của doanh nghiệp theo phong cách quản trị.
Chiến lược thám hiểm là chiến lược đổi mới trong đó doanh nghiệp tiến hành một loạt các thử nghiệm về công nghệ và thị trường, để từ đó phát triển năng lực đổi mới trong nội bộ và sàng lọc được đổi mới tiềm năng nhất, rồi biến nó thành sản phẩm/dịch vụ mới và hiện thực hoá cơ hội thương mại.
Công nghệ mới thường đòi hỏi năng lực mới trong nội bộ doanh nghiệp cùng với các phương tiện sản xuất mới.
Đối tượng khách hàng cũng có thể khác biệt. Khi doanh nghiệp nhận biết về cơ hội đổi mới lớn nhưng dài hạn với thị trường chưa xác định, doanh nghiệp có thể lựa chọn chiến lược thám hiểm.
Thách thức của chiến lược thám hiểm
Khi theo đuổi chiến lược thám hiểm, doanh nghiệp có thể gặp vài thách thức nghiêm trọng. Các dự án đổi mới loại này thường mạo hiểm, tốn kém và phải mất nhiều thời gian mới có được kết quả hữu hình, nếu chúng thực sự mang lại kết quả.
Để thành công với chiến lược đổi mới mang tính thám hiểm, các doanh nghiệp phải kiên nhẫn và phải có ngân sách hỗ trợ cho chiến lược lâu dài.
Đôi khi phải mất một khoảng thời gian dài thì cơ hội đổi mới mới đủ độ chín muồi. Trong nghiên cứu y học, bỏ ra mười năm nghiên cứu và phát triển cho một cơ hội đổi mới nào đó là chuyện thường tình.
Điều kiện thực hiện chiến lược thám hiểm
Có ba điều kiện cần thiết để chiến lược thám hiểm thành công:
– Doanh nghiệp phải tạo dựng được cơ chế và môi trường đổi mới tập trung, có mục đích, tập hợp được các cá nhân có tính kiên trì, sự cần cù và sự tận tâm với nghề trong dự án đổi mới.
Thử nghiệm đổi mới là công việc vất vả, nó đòi hỏi kiến thức và sự khéo léo. Một số người có năng khiếu đổi mới hơn người khác trong lĩnh vực nhất định. Và chỉ những người thực sự yêu thích việc mình làm thì mới sẵn sàng nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi để đưa đổi mới đến thành công.
– Doanh nghiệp đổi mới phải dựa trên sức mạnh của chính mình. Đây có thể là điều kiện chung của mọi loại công việc, nhưng nó đặc biệt quan trọng trong đổi mới. Lí do xuất phát từ bản chất của đổi mới là tạo ra năng lực sản xuất mới cho tài nguyên kinh tế cũ. Sớm muộn gì người đổi mới cũng phải đối mặt với cạnh tranh.
Khi đó, người đổi mới sẽ bị đánh bại nếu doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực không phải sở trường của mình.
– Đổi mới phải luôn gắn liền với thị trường, tập trung vào thị trường, định hướng theo thị trường. Đây cũng là điều kiện tiên quyết chung cho tất cả các chiến lược đổi mới. Kiến thức thị trường thường đem lại tính thống nhất cao cho dự án đổi mới.
Các cuộc thám hiểm với qui mô nhỏ, với đòi hỏi về vốn và nhân lực vừa sức của doanh nghiệp có thể đem lại lợi thế đổi mới quan trọng.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/