Chính phủ ủng hộ Kinh tế chia sẻ
Chính phủ thừa nhận và ủng hộ các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
Quyết định mở cánh cửa “sandbox” cho các mô hình kinh tế mới được ghi nhận như động lực cho các startup, doanh nghiệp đổi mới tại Việt Nam.
Cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống thời gian qua đã tốn giấy mực không chỉ với báo chí, doanh nghiệp mà còn với cả những người làm luật. Vụ kiện tụng gay gắt giữa Grab và Vinasun cho thấy những rắc rối phát sinh về chính sách quản lý các mô hình kinh tế mới, thể hiện sự cạnh tranh và loại trừ giữa cái cũ và cái mới. Cũng chính những lúng túng trong việc xử lý cho thấy sự chậm trễ trong việc xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây chính là rào cản đổi mới sáng tạo, tâm huyết và trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ trong bối cảnh Việt Nam đã hạ quyết tâm xây dựng nền kinh tế số, đi tắt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Quan điểm của đề án này là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới. Đề án thể hiện sự tiến bộ của Chính phủ trong việc thừa nhận các mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế chia sẻ.
Trên thế giới, kinh tế chia sẻ phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua nhờ sự bùng nổ của internet, smartphone và di động, trong đó có những nhóm ngành đang có sự tăng trưởng mạnh: vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở, bán lẻ trực tuyến, dịch vụ tài chính cho vay vốn… Theo điều tra của một dự án nghiên cứu do PricewaterhouseCoopers thực hiện, số liệu chỉ thể hiện với các lĩnh vực chính gồm: du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực, dịch vụ video trực tuyến và ca nhạc ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong kinh doanh có tiềm năng làm tăng doanh thu toàn cầu từ 15 tỉ USD trong năm 2014 lên tới khoảng 335 tỉ USD năm 2025.
Kinh tế chia sẻ đã tới Việt Nam qua các mô hình Airbnb (chia sẻ chỗ ở), Taske (kiếm người giúp việc), Eduu (chọn gia sư), Ahamove (tìm xe tải) hay Grab, Go-Viet… ở lĩnh vực vận chuyển hành khách. Ngoài ưu điểm góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng tính cạnh tranh, thì những mô hình này cũng thể hiện những hạn chế mà cuộc đối đầu giữa Grab và Vinasun chỉ là xung đột do chính sách quản lý không theo kịp.
Thậm chí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây nhấn mạnh thực tiễn trên thế giới, chưa có quốc gia nào có pháp luật chung về kinh tế chia sẻ mà chỉ điều chỉnh riêng lẻ ở các lĩnh vực có kinh tế chia sẻ. Đây là căn cứ quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh việc tiếp cận và ứng xử với loại hình mới này.
Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất Việt Nam thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ. Có nghĩa là trong khi chờ các văn bản luật được ban hành, Việt Nam có thể xây dựng khung pháp lý cho cơ chế sandbox, tập trung quy định rõ “không gian và thời gian”, áp dụng sandbox cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định, sau khi phân tích kỹ từng tình huống chính sách cụ thể.
Một quy chuẩn cho sandbox là điều cần thiết để tránh nguy cơ các vấn đề phát sinh vượt tầm kiểm soát và khiến cho chính các cơ quan quản lý lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phát sinh đó. Chẳng hạn, các ứng dụng như Grab từ một ứng dụng taxi công nghệ đã nhanh chóng trở thành siêu ứng dụng, mở rộng sang dịch vụ giao hàng nhanh, giao đồ ăn, trung gian thanh toán. Hay các fintech, nhà mạng cũng rất sốt ruột về vấn đề kinh doanh tiền mã hóa, blockchain, mobile money… hiện vẫn còn bỏ ngỏ về chính sách quản lý.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho rằng mô hình môi trường thử nghiệm sandbox có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước. Do đó, cơ quan quản lý cần giới hạn phạm vi và thời gian triển khai công nghệ trong sandbox, áp dụng biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong trường hợp xảy ra lỗi. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn an ninh tiền tệ, tài chính, cơ quan quản lý cần đề ra tiêu chí lựa chọn các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia sandbox.
Có thể thấy vẫn còn những điều chưa rõ ràng trong Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Bên cạnh đó, đề án này là cả một quá trình và khó khăn trong khi thời hạn cuối cùng phần lớn phải hoàn thiện vào năm 2020. Vì vậy, sẽ còn quá sớm để nói đến chuyện bứt phá của các startup Việt trong một sớm một chiều. Ông Nguyễn Hữu Tuất, Chủ tịch và sáng lập FastGo, cho rằng: “Để chủ trương này đi vào cuộc sống đóng góp thiết thực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, cần phải có hướng dẫn chi tiết về các mô hình kinh doanh nào là kinh tế chia sẻ; các mô hình này sẽ được ưu tiên cụ thể thế nào; cần sự hướng dẫn, hỗ trợ để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động phù hợp, không bị mất cơ hội thị trường”.
Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng có sự khơi thông về chính sách, doanh nghiệp cũng như startup sẽ tự tin hơn khi dấn thân vào những lĩnh vực mới mẻ để tạo ra đột phá trong sáng tạo, phát triển kinh tế.
Nguồn: NCDT