Chinh phục thị trường với chiến lược định vị quy mô vị thế bằng mô hình CPR
Xác định khối lượng giao dịch hay quy mô vị thế (Position sizing) là một kỹ thuật quản lý rủi ro quan trọng trong giao dịch, giúp cân bằng giữa mức độ rủi ro và lợi nhuận tiềm năng.
Chinh phục thị trường với chiến lược định vị quy mô vị thế bằng mô hình CPR
Theo Tiến sĩ Van K Tharp, CPR là một mô hình đơn giản trong việc quyết định yếu tố “bao nhiêu” khi phải đặt cược một tỷ lệ vốn của bạn cho mỗi giao dịch.
Ba yếu tố quan trọng trong mô hình CPR gồm:
– C (Cash): Đây là tổng rủi ro của bạn, là số tiền bạn sẵn sàng đặt cược cho mỗi giao dịch, thường được biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm của tổng vốn.
Ví dụ, nếu bạn sẽ đánh cược 1% số vốn, C sẽ là 1% vốn. Nếu bạn có một tài khoản trị giá 50.000 đô la, C sẽ là 1% của con số đó, hay 500 đô la.
– P (Position Sizing Method): Phương pháp định vị quy mô vị thế, giúp xác định số lượng đơn vị giao dịch.
– R (Risk): Rủi ro tối đa bạn chấp nhận cho mỗi đơn vị giao dịch. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị mua một cổ phiếu giá 50 đô la và đặt cược 5 đô la một cổ phiếu, rủi ro của bạn sẽ là 5 đô la một cổ phiếu.
Về cơ bản, bạn có thể sử dụng công thức sau để xác định mình nên mua bao nhiêu: P = C/R
Hãy xem một số ví dụ từ Tiến sĩ Van K Tharp về cách áp dụng công thức này:
Ví dụ 1. Bạn mua một cổ phiếu giá 50 đô la với mức rủi ro 5 đô la một cổ phiếu. Bạn muốn đặt cược 2% cho danh mục trị giá 30.000 đô la của mình. Bạn nên mua bao nhiêu cổ phiếu?
Trả lời: R = 5 đô la/cổ phiếu; C = 2% của 30.000 đô la hay 600 đô la. P = 600/5 = 120 cổ phiếu. Vì vậy, bạn sẽ mua 120 cổ phiếu giá 50 đô la. Những cổ phiếu này sẽ tốn của bạn 6.000 đô la, nhưng tổng rủi ro của bạn sẽ chỉ là 10% (5/50) của khoản chi phí (giả sử bạn giữ điểm dừng 5 đô la của mình), hay 600 đô la.
Ví dụ 2. Bạn đang giao dịch trong ngày một cổ phiếu giá 30 đô la và có mở một vị thế với điểm dừng 30 xu. Bạn chỉ muốn đặt cược 0,5% của danh mục 40.000 đô la của mình. Bạn nên mua bao nhiêu cổ phiếu?
Trả lời: R = 30 xu/cổ phiếu. C = 0,005 x 40.000 đô la, hay 200 đô la. P = 200/0,3 = 666,67 cổ phiếu. Do đó, bạn sẽ mua 666 cổ phiếu với chi phí 30 đô la một cổ phiếu. Tổng khoản đầu tư của bạn sẽ là 19.980 đô la, hoặc gần 2/3 giá trị danh mục. Tuy nhiên, tổng rủi ro của bạn sẽ chỉ là 30 xu cho một cổ phiếu, hay 199,80 đô la (giả sử bạn giữ điểm dừng là 30 xu).
Ví dụ 3. Bạn đang giao dịch đậu nành với điểm dừng 20 xu. Bạn sẵn sàng đặt cược 500 đô la cho giao dịch này. Quy mô vị thế của bạn là bao nhiêu? Một hợp đồng đậu nành là 5.000 giạ (giạ là đơn vị đo lường thể tích, 1 giạ tương đương 36 lít – Chú thích của người dịch). Giả sử đậu nành đang được giao dịch ở mức 6,50 đô la. Quy mô giao dịch bạn nên đặt ra là bao nhiêu?
Trả lời: R = 20 xu x 5.000 giạ một hợp đồng = 1.000 đô la. C = 500 đô la. P = 500/1000 = 0,5. Tuy nhiên, bạn không thể mua một nửa hợp đồng đậu nành. Do đó, bạn sẽ không thể mở vị thế này. Đây là một câu hỏi mẹo, nhưng bạn cần biết khi nào vị thế của mình có quá nhiều rủi ro.
Ví dụ 4. Bạn đang giao dịch cặp ngoại tệ Đô la và Franc Thụy Sĩ. Đồng Franc Thụy Sĩ đang ở mức 1,4627, và bạn muốn đặt một lệnh dừng tại 1,4549. Điều đó có nghĩa là nếu giá bid chạm mức đó, bạn sẽ gặp lệnh thị trường và phải thoát vị thế. Bạn có 200.000 đô la tiền gửi ngân hàng và sẵn sàng đặt cược 2%. Bạn có thể mua bao nhiêu hợp đồng?
Trả lời: Giá trị R của bạn là 0,0078, nhưng một hợp đồng ngoại tệ thông thường sẽ được giao dịch ở mức 100.000 đô la, và vì vậy bạn sẽ phải trả 780 đô la cho điểm dừng của mình. Tiền mặt đặt cược sẽ là 2% của 200.000 đô la, hay 4.000 đô la. Do đó, quy mô vị thế của bạn sẽ là 4.000 đô la chia với 780 đô la, hay 5,128 đô la hợp đồng. Bạn làm tròn xuống con số gần nhất và do đó bạn có thể mua 5 hợp đồng.
Happy Live Team
Nguồn: Super Trader
SÁCH MỚI – DỰ KIẾN PHÁT HÀNH VÀO T4/2024