fbpx

Chính sách tiền tệ trái chiều của các nền kinh tế lớn làm khó cuộc chiến chống lạm phát của Fed

Tuần qua, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, ngân hàng trung ương của ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra ba quyết định chính sách tiền tệ hoàn toàn không có bất kỳ sự đồng nhất nào: Eurozone tăng lãi suất, Mỹ giữ nguyên lãi suất, và Trung Quốc hạ lãi suất. Các động thái mâu thuẫn này xuất phát từ việc các nền kinh tế ngày càng bị chi phối nhiều hơn bởi các yếu tố trong nước.

Theo tờ Wall Street Journal, điều này khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu hơn về thực trạng của nền kinh tế toàn cầu, và có thể đặt ra thách thức lớn hơn đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát.

Các động thái mâu thuẫn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Fed, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) xuất phát từ việc các nền kinh tế ngày càng bị chi phối nhiều hơn bởi các yếu tố trong nước. Châu Âu đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật, nhưng ECB kỳ vọng lạm phát sẽ dai dẳng. Trung Quốc không có vấn đề lạm phát nhưng đang đương đầu với hệ quả của việc đóng cửa chống Covid kéo dài và bong bóng tài sản. Nền kinh tế Mỹ đang vận hành tốt một cách đáng ngạc nhiên và lạm phát đã suy yếu, nhưng lạm phát lõi vẫn “cứng đầu”.

MỐI QUAN HỆ NGƯỢC CHIỀU GIỮA TỶ GIÁ USD VÀ CHỨNG KHOÁN MỸ

Sự khác biệt trong hướng đi của các nền kinh tế lớn này đang gây ra biến động tỷ giá giữa các loại tiền tệ. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã suy yếu trong năm nay, điều này sẽ làm cho hàng hoá xuất khẩu của nước này cạnh tranh tốt hơn, hạn chế nhập khẩu và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trừ khi Trung Quốc dốc toàn lực để kích thích tăng trưởng hoặc can thiệp như thời hậu khủng hoảng tài chính năm 2009 hoặc sau đợt vỡ bong bóng chứng khoán năm 2015, thị trường của nước này sẽ có nhịp điệu riêng. Các biện pháp kiểm soát vốn mà Bắc Kinh theo đuổi đồng nghĩa thị trường Trung Quốc sẽ không có một chỗ đứng vững chắc trong danh mục của giới đầu tư toàn cầu.

Quan trọng hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ là những động thái ở châu Âu, nơi ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) – cơ quan dự kiến sẽ đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo trong tuần này – hiện được coi là có lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn so với quan điểm của Fed. Điều đó đang thúc đẩy lợi suất trái phiếu của các nền kinh tế này tăng lên và đẩy đồng USD trượt giá so với đồng Euro và đồng Bảng Anh.

Trên phương diện lý thuyết, những diễn biến tỷ giá như vậy chính xác là những gì được mong đợi. Lợi ích lớn nhất của tiền tệ thả nổi là cho phép các ngân hàng trung ương tự do thiết lập lãi suất theo các vấn đề mà nền kinh tế của họ phải đối mặt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây xuất phát từ sự nhạy cảm của nhà đầu tư đối với sự suy yếu của đồng USD, và cú huých niềm tin mà sự suy yếu đó mang lại.

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Người Mỹ không quen tư duy về các khoản đầu tư của họ bằng các loại tiền tệ khác, mà họ chỉ nghĩ bằng đồng USD. Vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới làm cho bạc xanh trở thành tiêu chuẩn để đo lường giá trị, cũng như cho các giao dịch toàn cầu. Nhưng đồng USD còn có một ảnh hưởng sâu sắc khác mà nhà đầu tư Mỹ thường ít khi để ý tới.

Đó là khi đồng USD tăng giá, người tiêu dùng Mỹ trở nên giàu hơn vì họ có thể mua nhiều hàng hoá và dịch vụ của nước ngoài hơn với cùng một số tiền. Gần đây, họ có thể cảm thấy mình nghèo đi, vì đồng USD và giá cổ phiếu Mỹ đang đi theo hai chiều hướng ngược nhau: USD giảm giá còn giá cổ phiếu ở Phố Wall lại đang tăng.

Lịch sử cho thấy, tỷ giá đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ chỉ có sự ràng buộc chặt chẽ trong các thời kỳ khủng hoảng, khi USD được giới đầu tư gom mua để tìm kiếm sự an toàn và cổ phiếu bị bán tháo vì là một tài sản có độ rủi ro cao hơn. Sau năm 2008, mối quan hệ ngược chiều USD lên giá-chứng khoán giảm giá đã được củng cố. Và kể từ khi xảy ra đợt bán tháo cổ phiếu bắt đầu vào năm 2022, mối liên kết thậm chí còn mạnh mẽ hơn, với các biến động hàng tuần của đồng USD được xem là nguyên nhân gây ra một nửa biến động của chỉ số S&P 500 – thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ.

Một cách lý giải cho sự trái chiều này là khi Fed tăng lãi suất, đồng USD đã tăng giá mạnh cho tới mùa thu năm ngoái, gây áp lực giảm lên chứng khoán Mỹ. Nhưng sau đó ECB và BOE trở nên nghiêm túc về việc tăng lãi suất, đồng USD bắt đầu suy yếu và chứng khoán Mỹ bước vào thời kỳ giá lên.

Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán Mỹ với tư cách một nhà đầu tư châu Âu thay vì nhà đầu tư Mỹ, và dùng đồng Euro để tính toán thay vì đồng USD, có thể rút ra đánh giá rằng chứng khoán Mỹ trong năm ngoái chưa hề có đợt giảm 20% (định nghĩa của thị trường đầu cơ giá xuống, hay còn gọi là thị trường gấu) nào, và trong năm nay cũng chưa có đợt tăng 20% (định nghĩa của thị trường đầu cơ giá lên, thị trường bò)nào. Như vậy, có thể thấy rằng, cốt lõi của câu chuyện nằm ở tỷ giá giữa các đồng tiền, chứ không phải bản thân giá cổ phiếu.

USD GIẢM GIÁ, NỖ LỰC CHỐNG LẠM PHÁT GẶP KHÓ

Điều này có vẻ giống như một kết quả không được mong đợi và khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với Fed. Về nguyên tắc, lãi suất cao hơn ở châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu, bao gồm cả nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Mỹ sang khu vực này, đồng thời thúc đẩy lợi suất ở Mỹ tăng lên vì nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển vốn sang trái phiếu châu Âu để hưởng mức lợi suất cao hơn. Cả hai điều này đều có hại cho nền kinh tế Mỹ và do đó gây bất lợi cho giá cổ phiếu ở Mỹ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: CNBC.

Nhưng chừng nào nhà đầu tư còn gắn bó với ý tưởng rằng đồng USD và giá cổ phiếu ở Mỹ diễn biến ngược chiều nhau, đồng USD yếu hơn còn đồng nghĩa với việc các cổ đông Mỹ cảm thấy mình giàu có hơn, ngay cả khi sức mua tính bằng ngoại tệ của họ không thay đổi hoặc giảm. Và những nhà đầu tư có cảm nhận như vậy sẽ có xu hướng vay mượn và chi tiêu nhiều hơn, qua đó hỗ trợ nền kinh tế – điều hoàn toàn ngược lại với mong muốn của Fed là tăng lãi suất để khiến nền kinh tế giảm tốc và kéo lạm phát xuống. Đồng USD suy yếu cũng thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ Mỹ, một lần nữa hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Như vậy, nếu Fed không có biện pháp nào để xử lý vấn đề này, việc tăng lãi suất ở những nơi khác có thể trở thành một cú huých cho kinh tế Mỹ.

Đồng USD yếu cũng gây ra hiệu ứng bất lợi ở những nơi khác. Vì các thị trường vốn có sự ràng buộc lớn lẫn nhau, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đi vay bằng USD, và nhiều nhà đầu tư toàn cầu lớn tư duy bằng đồng USD, nên một đồng USD suy yếu làm cho mọi người cảm thấy tích cực. Chứng khoán châu Âu tính bằng nội tệ và các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc đã tăng gần đúng như mức tăng của chỉ số S&P 500 khi đồng USD suy yếu. Và tương tự như ở Mỹ, sự tăng điểm này của thị trường chứng khoán đặt ra khó khăn mới cho cuộc chiến chống lạm phát của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nơi khác.

Bài viết của Wall Street Journal kết luận rằng ngày cả khi các nền kinh tế và ngân hàng trung ương đi theo các hướng khác nhau, hầu hết các thị trường vốn vẫn duy trì mối ràng buộc và liên kết chặt chẽ thông qua một lực lượng toàn cầu chung: đồng USD.

Hà An

Nguồn: Vneconomy.vn

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề