Chu kỳ thị trường của Wyckoff
Đầu thế kỷ XX là thời kỳ của những tiến bộ thị trường và tiến bộ trong tư duy về thị trường. Có nhiều người khổng lồ đã xuất hiện trên thế giới vào những ngày tháng đó – những huyền thoại như Jesse Livermore, lão làng J.P. Morgan, Bernard Baruch và Charles Dow. Trong môi trường màu mỡ này, Richard Wyckoff đã nâng cao hiểu biết của mình về thị trường và quy trình giao dịch thông qua các cuộc trò chuyện và phỏng vấn với những nhà giao dịch bậc thầy này.
Wyckoff cho rằng một chu kỳ thị trường sẽ gồm bốn giai đoạn. Bốn giai đoạn đó là:
1. Tích lũy: Một giai đoạn đi ngang trong đó những tay chơi lớn mua cẩn thận và khéo léo, mà không đẩy giá lên. Công chúng không hề biết những gì đang diễn ra, thị trường nằm ngoài tầm quan sát và không được công chúng chú ý khi đang trong quá trình tích lũy.
2. Tăng giá: Xu hướng tăng cổ điển. Tại thời điểm này, công chúng nhận thức được sự chuyển động của giá cả, và việc họ mua vào sẽ đẩy giá lên cao hơn. Những dòng tiền thông minh đã mua trong giai đoạn tích lũy có thể chốt lời một phần khi giá đang tăng mạnh hoặc có thể họ chỉ nắm giữ và đợi giá lên cao hơn.
3. Phân phối: Cuối cùng, xu hướng tăng trưởng kết thúc và thị trường bước vào giai đoạn phân phối, trong đó những dòng tiền thông minh bán nốt phần tài sản còn lại của họ cho công chúng – những người vẫn thường dự đoán giá còn lên cao hơn nữa. Những người chơi thực sự thông minh thậm chí còn bán khống trong giai đoạn này.
4. Giảm giá: Xu hướng giảm sẽ đi sau giai đoạn phân phối. Những người chơi thông minh sẽ mua lại một số tài sản họ đã bán khống trong thời kỳ suy yếu này. Cuối cùng, công chúng nhận ra rằng tương lai giá không thể lên cao hơn được, vì vậy họ hoảng sợ bán hết các vị thế của mình. Sự hoảng loạn này thường đánh dấu sự kết thúc của xu hướng giảm.
Ý tưởng của Wyckoff về chu kỳ chính là kết quả hành động của những tay chơi lớn này – những người đã lên kế hoạch hoạt động của mình trên thị trường để lợi dụng phản ứng không phù hợp của đám đông thiếu hiểu biết với biến động giá, nhưng chúng ta cũng thấy bằng chứng về chu kỳ này trong các mô hình giá tài sản như giá cả hàng hóa thời trung cổ, cổ phiếu trong các thị trường sơ khai, không phức tạp, hoặc giao dịch trên khung thời gian rất ngắn.
Sự can thiệp và thao túng có lẽ là khác nhau trong mỗi trường hợp kể trên, vì vậy chu kỳ Wyckoff có thể chỉ đơn giản là một cách biểu đạt những biểu hiện tâm lý bình thường của con người trên thị trường.
Nguồn: Trích từ sách Phân tích Kỹ thuật: Sự kết hợp giữa Khoa học và Nghệ thuật trong đầu tư chứng khoán
Sự kết hợp giữa KHOA HỌC và NGHỆ THUẬT trong đầu tư chứng khoán