Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán: Năm 2024, thị trường được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực
Mặc dù TTCK năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhấn mạnh rằng có nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ thị trường. Các yếu tố tích cực này đến từ hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, sự phát triển của TTCK trong năm 2024 vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực. Các yếu tố tích cực này đến từ hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt sau sự kiện nâng cấp quan hệ lên hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ vừa qua.
Người đứng đầu ngành chứng khoán cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBCKNN trong năm 2024 là hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
– TTCK Việt Nam năm 2023 trải qua nhiều biến động nhưng đã phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm. Bà đánh giá thế nào về những kết quả mà thị trường đã đạt được trong năm qua?
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế – chính trị thế giới tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, kinh tế trong nước vẫn duy trì được xu hướng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy.
TTCK Việt Nam mặc dù trải qua nhiều biến động nhưng vẫn giữ vững đà tăng trưởng ổn định với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 5.937 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2022, tương đương 58,1% GDP năm 2023 (62,4% GDP ước tính năm 2022).
Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index tính đến 29/12/2023 đã tăng 12,2% so với cuối năm 2022, đạt mức 1129,93 điểm, với thanh khoản ngày càng được cải thiện. Hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch cũng có những chuyển biến tích cực với giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm khoảng 20,8% GDP ước tính năm 2023, tăng 7,3% so với cuối năm 2022.
Thị trường trái phiếu chính phủ cũng ghi nhận những kết quả khả quan khi giá trị trái phiếu niêm yết tính đến cuối tháng 12/2023 tăng 16,5% so với cuối năm 2022, chiếm 19,9% GDP ước tính năm 2023. Ngoài ra, để thực hiện quy định đưa trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ lên giao dịch trên thị trường tập trung tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, UBCKNN đã chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Lưu ký và bù trừ thanh toán Việt Nam (VSDC) triển khai các công tác chuẩn bị về mặt hạ tầng kỹ thuật để đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào vận hành chính thức từ ngày 19/7/2023. Sự ra đời của thị trường TPDN riêng lẻ sẽ giúp cho cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDN riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, công khai, minh bạch, tính đến thời điểm hiện tại.
Trong bối cảnh thị trường cơ sở có nhiều biến động, TTCK phái sinh tiếp tục phát huy vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư duy trì thanh khoản khá tốt, khối lượng giao dịch bình quân trong năm 2023 đạt 235.300 hợp đồng/phiên.
Cũng trong năm 2023, công tác quản lý công ty đại chúng, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán tiếp tục được tăng cường; đồng thời, UBCKNN và các SGDCK tăng cường giám sát đối với thị trường, qua đó các hành vi vi phạm pháp luật, thao túng giá chứng khoán được xử lý nghiêm, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư, giúp tăng thanh khoản thị trường, tiếp tục phát triển bền vững.
Nhìn nhận lại hoạt động của thị trường năm 2023, tuy đã trải qua nhiều biến động nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính Phủ, Bộ Tài chính, TTCK năm 2023 đã ổn định và tăng trưởng bền vững, tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, phản ánh đúng là hàn thử biểu của nền kinh tế.
– Năm 2023, UBCKNN đã tích cực triển khai các cuộc xúc tiến đầu tư tại các nước, qua đó thúc đẩy mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài TTCK Việt Nam. Xin bà chia sẻ thêm về vấn đề này?
Các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài là một trong các hoạt động thường niên của UBCKNN, được bắt đầu triển khai từ năm 2014. Các chương trình xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng TTCK Việt Nam tới cộng đồng đầu tư quốc tế giúp kích cầu và khơi thông nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù bị gián đoạn trong thời gian ba năm do dịch Covid19 (2020 – 2022), TTCK Việt Nam đã có nhiều đổi mới về cả lượng và chất với những triển vọng phát triển tích cực, trở thành điểm sáng trên thị trường vốn quốc tế.
Năm 2023, với việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế – xã hội sau dịch, UBCKNN đã tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt các chương trình tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư được lồng ghép trong khuôn khổ các chương trình công tác nước ngoài của UBCKNN và Bộ Tài chính.
Cụ thể, tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị bàn tròn về kết nối thị trường vốn với chủ đề “Kết nối Việt Nam – Luxembourg xây dựng thị trường vốn xanh” tại Luxembourg. Thông qua Hội nghị này, các nhà đầu tư đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam, mong muốn có sự kết nối giữa các tổ chức tài chính của hai nước vì sự phát triển bền vững chung của ngành tài chính… Tiếp đó, vào tháng 8/2023, UBCKNN đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam – hướng tới vị thế thị trường mới nổi” tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tháng 11/2023, UBCKNN tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì với chủ đề “Triển vọng Tăng trưởng Tươi Sáng” tại Los Angeles, Hoa Kỳ.
Các chương trình tập trung những các chủ đề thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tại từng khu vực như chia sẻ chính sách phát triển thị trường vốn xanh đối với các nhà đầu tư châu Âu, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khơi thông thị trường chứng khoán nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm các thị trường mới nổi dành cho các nhà đầu tư Hồng Kông, hay chia sẻ về các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư tổ chức Hoa Kỳ đang tìm kiếm thị trường đầu tư ổn định và tiềm năng. Nhờ đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài đều nhận được sự quan tâm tham gia tích cực của cộng đồng các nhà đầu tư tại nước sở tại, bao gồm các tổ chức tài chính lớn, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng thị trường kinh doanh sang Việt Nam.
– Bước sang năm 2024, theo bà, TTCK Việt Nam đối mặt với những cơ hội và thách thức nào?
Diễn biến tình hình TTCK trong thời gian tới tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính sách tiền tệ thắt chặt đã dần tái cân bằng tổng cầu về mức sản lượng tiềm năng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa đã giảm bớt. Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm dần và trở về gần mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào năm 2024.
Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, căng thẳng chính trị gia tăng, nền kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Lạm phát toàn cầu tuy đã được kiểm soát nhưng lạm phát cơ bản được dự báo sẽ vẫn ở mức cao, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế.
Tuy nhiên, sự phát triển của TTCK trong năm 2024 vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chủ động, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như giảm mặt bằng lãi suất cho vay; ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, thị trường TPDN, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực; triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt sau sự kiện nâng cấp quan hệ lên hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ vừa qua.
– Xin bà chia sẻ về một số định hướng, giải pháp điều hành TTCK ngày càng phát triển, phát huy là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế?
Như đã phân tích ở trên, năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố cơ hội và thách thức đan xen đối với TTCK Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để phát TTCK an toàn, bền vững, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, UBCKNN sẽ tập trung, nỗ lực vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường; trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Hai là, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành chính thức trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường.
Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, xử lý kịp thời, nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.
Bốn là, tiếp tục tái cấu trúc TTCK, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề chứng khoán.
Năm là, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.
Sáu là, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tập trung công tác chuẩn bị cho Hội nghị Ủy ban Chứng khoán các nước của Tiểu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2025.
– Trân trọng cảm ơn bà!
Happy Live team sưu tầm/vietnamfinance