Chúng ta nên sống đời mình thế nào? theo Triết gia Hy Lạp cổ đại
Làm thế nào để sống tốt? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi bản năng nhất của con người. Đã bao nhiêu lần bạn mất ngủ nằm ngắm trần nhà và tự hỏi xem bản chất sự tồn tại của mình là gì và cách sống nào là tốt? Làm thế nào để biết điều gì tạo nên một cuộc sống tốt? Chúng ta nên sống ra sao?
Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi khám phá quan điểm của hai triết gia Hy Lạp cổ đại – những người có quan điểm rất khác nhau về 4 vấn đề nan giải kể trên.
Epicurus: Hãy tận hưởng những điều nhỏ bé
Epicurus là một nhà tư tưởng bắt đầu phát tiết tinh hoa trí tuệ của mình chỉ vài thập kỷ sau sự ra đi của Aristotle. Sinh ra trên hòn đảo Samos, Epicurus đã dành cả đời mình để chu du ngang dọc khắp Hy Lạp trước khi dừng chân ở thủ đô triết học của thế giới thời ấy, thành Athen.
Epicurus, khá oan uổng, thường bị người đời chê trách là kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc. Chủ nghĩa khoái lạc là một loại triết học đạo đức nói rằng bất cứ hành động nào đem lại sự thoải mái đều là tốt. Một người trung thành với chủ nghĩa khoái lạc cả đời chỉ đi tìm kiếm cảm giác khoái lạc tiếp theo mà chẳng cần quan tâm đến bất cứ mục đích cao cả nào khác của cuộc sống.
Điều này thoạt đầu nghe có vẻ hay, có lẽ nằm ườn ra trên ghế bành và ăn nho đựng trong một cái bát bằng bạc là một cách thú vị để tiêu khiển vào cuối tuần. Tuy nhiên, những người trung thành với chủ nghĩa khoái lạc cuối cùng thường phát hiện ra rằng cuộc sống mà họ truy cầu là chỉ là vọng tưởng mà thôi. Và rằng bạn luôn gặp phải nguy cơ sẽ ăn hết nho trong bát.
Trường phái triết học của Epicurus thực ra là trái ngược. Ông nói rằng con người không nên liên tục tìm kiếm những cảm giác khoái lạc, mà nên tìm cách tránh những điều tiêu cực như đau đớn và sợ hãi. Epicurus tin rằng bằng cách hạn chế những thống khổ trong cuộc sống, chúng ta có thể trân trọng hơn những điều thú vị nhỏ nhoi hơn như tình bạn và gia đình. Bằng cách tránh khỏi đau đớn và cố gắng tìm kiếm sự yên bình, chúng ta có thể thỏa mãn cuộc sống của mình.
Epicurus tin rằng vật cản chính chắn đường hưởng thụ cuộc sống của chúng ta chính là sự sợ chết. Con người Hy Lạp cổ đại sống trong nỗi sợ chết thường nhật. Họ tin rằng nếu họ sống mà không kính Thần thì họ sẽ bị tống xuống địa ngục của Thần Hades và chịu nhận tra tấn vạn kiếp bất phục. Điều này thật đáng buồn thay.
Epicurus cho rằng toàn bộ vũ trụ được tạo nên từ các nguyên tử và giữa chúng là khoảng không trống rỗng, cũng giống như tư duy của khoa học ngày nay. Ông kết luận rằng linh hồn con người, chính vì vậy, cũng được tạo thành từ nguyên tử và sẽ bị giải thể cùng lúc với phần còn lại của cơ thể khi con người chết đi.
Nên nhớ là Epicurus tin rằng nếu điều gì đó đem đến đau đớn hay thống khổ, thì nó chính là xấu. Ông kết luận rằng vào thời khắc qua đời chúng ta không còn cảm thấy bất kỳ dạng đau đớn nào nữa, cả về tinh thần lẫn thể chất. Cái chết không đau đớn, không đáng sợ, mà đó chỉ là sự kết thúc của những cảm giác dài lê thê của chúng ta mà thôi. Vậy nên chúng ta không nên e sợ cái chết. Quan trọng nhất là chúng ta không nên để nó làm phân tâm trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống.
Đây là một thế giới quan khá thú vị. Đừng lo lắng về cái chết vì nó sẽ không gây ra đau đớn và sợ hãi. Hãy chỉ truy cầu hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống với bằng hữu và gia đình mà thôi.
Bất chấp những suy nghĩ tích cực này, Epicurus không nổi tiếng cho lắm trong thời đại của ông. Những lời thuyết giảng khiến mọi người tin rằng ông là một người vô thần. Chính vì tín ngưỡng phi truyền thống này mà hầu hết người dân Athen không mấy tôn trọng ông. Tuy nhiên quanh ông vẫn có một nhóm những người sùng kính trung thành kiên định thực hành triết lý này và gìn giữ những công trình của ông cho các thế hệ tương lai.
Epicurus nói: “Tôi chưa bao giờ mong ước có thể phục vụ cho số đông; những gì tôi biết thì họ không đồng ý, còn những gì họ tin tưởng thì tôi lại không hay biết.”
Zeno xứ Citium: Đức hạnh của chủ nghĩa khắc kỷ
Zeno xứ Citium, giống như Epicurus, là một nhà luân lý học. Ông cũng giành cuối đời của mình ở Athen và nghiên cứu bên cạnh những triết gia thuộc phái Cynic như Diogenes thành Sinope.
Zeno là cha đẻ của chủ nghĩa khắc kỷ, một trường phái triết học khá nổi tiếng vào cuối thời kỳ Hy Lạp hóa và thời Đế chế La Mã.
Trong khi Epicurus tin rằng hạnh phúc, thông qua những khoái lạc nhỏ bé, là mục tiêu của cuộc sống thì Zeno lại đi đến một kết luận trái ngược. Zeno và những triết gia thuộc phái khắc kỷ khác tin rằng vũ trụ được tạo nên bởi một đấng toàn năng, người đưa ra luật lệ một cách công bằng và có lý trí. Vì vậy vũ trụ là nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là kiểm soát tư tưởng và mong muốn của mình.
Đây đúng là điểm mà chủ nghĩa khắc kỷ tập trung nghiên cứu. Chúng ta không có năng lực kiểm soát vũ trụ hay thậm chí là kiểm soát những gì xảy ra với chúng ta. Thay vào đó chúng ta nên tập trung vào cách chúng ta phản ứng với vũ trụ. Nỗi buồn hay sự thống khổ là để dành cho chúng ta. Và điều đó thường đến vì chúng ta có những khát khao không thực tế và thất vọng là không thể tránh khỏi.
Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ dạy rằng chúng ta không nên truy cầu những mong muốn thường nhật của mình, mà thay vào đó nên loại bỏ chúng ngay từ giây phút đầu tiên. Và họ coi điều này là cảnh giới logic cao nhất. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ tin rằng lý trí nhất là phủ nhận những khao khát và khoái lạc không thực tế để đổi lại sự tồn tại yên bình hòa hợp với tự nhiên.
Lấy ví dụ, bạn có thể ra ngoài uống một chút gì đó tối nay và mua vui được một vài trống canh. Nhưng nếu bạn tiếp tục làm thế, về lâu dài bạn sẽ bị nghiện, sức khỏe suy yếu và túng thiếu hơn. Những người khắc kỷ tin rằng cảnh giới cao nhất của trí tuệ chính là: tự phủ nhận những ham muốn khoái lạc bề mặt chính là một dạng đức hạnh. Và đối với họ, sống đức hạnh chính là cách sống tốt nhất.
Một trong những người sùng kính trường phái khắc kỷ nổi tiếng là hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, người đã viết rất nhiều về trường phái triết học này trong tác phẩm của ông có tên The Meditations. Một điểm khá đáng chú ý là Marcus tự cảm thấy bằng lòng với việc tuân theo những bài học khiêm tốn, nhún nhường của chủ nghĩa khắc kỷ. Rốt cuộc thì, ông ấy cũng là một người đã đạt được mọi thứ, tất cả khao khát đều đã được thỏa mãn. Ông cuối cùng thoái vị để sống một cuộc đời đức hạnh và đạo đức.
Chủ nghĩa khắc kỷ thường được so sánh với những luận thuật trong Phật giáo. Cả hai đều cho rằng “dĩ khổ vi lạc” (lấy khổ làm vui), đồng thời hướng con người trở về một thể với tự nhiên, chấp nhận vũ trụ và sống hài hòa với nó. Những điểm tương đồng này cổ vũ cho niềm tin rằng đạo đức là một khái niệm rộng lớn chứ không cục bộ.
Tất cả mọi người đều đang đi tìm con đường nhân sinh mà mình cảm thấy vừa lòng nhất.
Theo Ancient Origins
Quốc Hùng