fbpx

Chương trình 20 triệu máy tính bảng cho trẻ em Việt Nam của TS. Alan Phan

Tôi vừa mừng vừa lo khi bài viết về “20 triệu máy tính bảng cho các em” tạo nên một dư luận sôi nổi chỉ trong vài ngày. Ngoài các bình phẩm trên mạng, tôi đã nhận thêm vài trăm phản hồi qua Emails cá nhân, điện thoại và các thiệp chúc Tết cuối năm. Mừng vì đây không chỉ là một ý tưởng hời hợt nghe qua rồi quên; lo vì những “thế lực thù địch” sẽ có mục tiêu rõ hơn để nhắm bắn.

Trước hết, tôi không còn ngây thơ để nghĩ rằng một đề án nhằm thay đổi tư duy của một thế hệ mới lại có thể được tiếp nhận dễ dàng và đơn giản, nhất là ở Việt Nam. Tôi vẫn nghĩ việc sợ thay đổi của chúng ta là lý do chính cho sự tụt hậu hiện tại.

Kế tiếp, khi một quyền lợi lên đến 1.5 tỷ đô la một năm bị thay thế, phản ứng của các nhóm đang vui hưởng bổng lộc sẽ vô cùng dữ dội. Những thủ đoạn chụp mũ, xuyên tạc và phá rối là việc bình thường. Tệ hơn nữa là những đòn thù mượn tay người khác.

Nhiều khi tôi cũng tiêu cực nghĩ rằng đây là “chuyện người ta”, mình không có một chút quyền lộc gì, cớ sao lại mang cái ách giữa đàng vào cổ. Nhưng nếu ai cũng tránh né như vậy thì xã hội sẽ đi về đâu? Cũng may là tôi đã 66 tuổi rồi, ai có ghét đến đâu cũng không còn nhiều thì giờ để quấy rầy.

Sau cùng, thay đổi sẽ đến dù chúng ta không làm gì. Điện thoại di động đã phổ biến tràn lan khắp nước mà không cần ai vận động. Nhưng nếu các quốc gia tiền tiến về IT như Âu Mỹ, Hàn Quốc và Singapore dự đoán phải mất đến 2020 mới thay thế toàn diện hệ thống sách giấy, thì các trẻ Việt phải đợi thêm vài chục năm nữa trong tối tăm đầu óc. Với chương trình này, chúng ta sẽ thay đổi tiến trình nhanh hơn.

Nguyên tắc căn bản

Mục tiêu duy nhất của dự án là tôi muốn mình và BCA (Bạn Của Alan) tạo tiếng vang lớn lao để mọi phe nhóm liên quan phải đứng ra thực hiện. Tổ chức các cuộc thảo luận khắp nơi về để tài này để áp lực chánh phủ và các cơ quan thiện nguyện là bước đầu tiên. Bốn nguyên tắc cần tuân thủ:

Thứ nhất, nếu chúng ta dính líu đến bất cứ hoạt động hay điều hành gì về dự án, câu buộc tội đầu tiên là chúng ta làm vì lợi ích cá nhân hay tiền bạc và quyền lực. Chúng ta sẽ bị bôi nhọ và tiếng nói sẽ bớt nhiều hiệu quả. Không một ai làm việc tình nguyện này sẽ được hưởng lương hay lậu. Nếu một vài cá nhân BCA muốn quyên tặng hiện kim, hiện vật qua các tổ chức thiện nguyện nào khác, Alan hay BCA sẽ không có ý kiến hay liên quan.

Thứ hai, tôi nghĩ mình và nhóm BCA nhỏ nhoi không đủ khả năng, kinh nghiệm hay quyền lực để nghiên cứu và đề xuất dự án một cách hiệu quả. Chúng ta cần nhiều chuyên gia về giáo dục, chính trị, IT, tài chánh, xã hội…để thiết lập, quản lý và kiểm soát một dự án có tầm cỡ quốc gia lớn rông như thế này. Nhường sân chơi và danh tiếng cho những vận động viên giỏi là chuyện tất yếu.

Thứ ba, tuy có quy mô rộng lớn, dự án này nhỏ và không phức tạp như các dự án đường sắt cao tốc hay các nhà máy điện nguyên tử chánh phủ đang nhất quyết thưc hiện. Việc làm không đòi hỏi những công nghệ mũi nhọn (cả thế giới đang làm hàng ngày), hay những khoản tài trợ siêu khủng hay một tổ chức quản lý đặc biệt; nên những lời bình phẩm về tính bất khả thi hay các tiêu cực về khó khăn và thử thách không thuyết phục lắm.

Thứ tư, muốn thành công, chúng ta phải thêm bạn bớt thù. Dù bị khiêu khích, chúng ta sẽ không chống đối hay phản bác theo phản xạ. Mọi tranh luận phải hòa nhã và khoa học. Đừng để đối phương lợi dụng cảm xúc nhất thời và hời hợt.

Nhìn qua thử thách

Qua các lời bình phẩm, tôi có vài kết luận sơ khởi về các vấn đề nêu ra cho dự án:

Vấn đề bảo trì máy tính: Tại các quốc gia Âu Mỹ, người bán hàng thiết bị điện tử thường đề nghị một khế ước tu bổ bảo trì trị giá khoảng 5% giá thành của sản phẩm cho mỗi năm. Xin lưu ý là phí tổn nhân viên của Âu Mỹ để thi hành dịch vụ rất cao so với các nước đang phát triển. Việc chánh phủ cung cấp một khế ước tương tự cho các học sinh nghèo (khoảng 25% tổng số) sẽ không tốn ngân sách quá 30 triệu đô la mỗi năm theo giá thị trường Âu Mỹ;

Vấn đề phần mềm cho hệ thống vận hành: Hiện nay, các phần mềm để sử dụng trong vận hành (tải, đọc, ghi chú và tương tác) khá phổ thông trên thế giới mạng. Trong một truy cứu nhanh chóng qua Google, tôi đếm được hơn 2,000 loại, nhiều chương trình miễn phí. Trước khi viết bài, tôi có nói chuyện với Chủ Tịch CEO của hai công ty phần mềm lớn của Việt Nam là anh Hà Thân của Lạc Việt Computing và anh Hoàng Tô của công ty Tinh Vân. Tôi dã dùng thử chương trình của Lạc Việt (sachbaovn.vn) và chương trình (vinazon.com) của Tinh vân và ấn tượng với chức năng và công nghệ vận hành. Bạn Trần Trung Hiếu (BCA) ở Hà Nội gởi tôi một kế hoạch kinh doanh về E-books có phần mềm với chức năng tương tác dành cho sách thiếu nhi. Tôi tin rằng còn cả trăm phần mềm cùa các công ty Việt khác mà tôi chưa biết.
Vấn đề mã hóa số: Tôi hỏi anh Thân/Lạc Việt tại sao số lượng sách báo của Web site anh hơi ít ỏi. Có phải tại khó khăn về mã số hóa? Anh trả lời công nghệ của anh có thể mã số hóa 100 trang sách trong vài giây đồng hồ. Vấn đề anh gặp phải là việc phải “scan” cả ngàn trang sách và chỉnh sửa lại lỗi lầm vì phần lớn các tác giả Việt không lưu giữ văn bản sách bằng files điện tử như MS Word hay PDF. Đây không phải là vấn đề của các sách giáo khoa do Bộ Giáo Dục sở hữu.

Vấn đề truy cập Net: Nhiều bạn lo lắng là sự truy cập Net qua ADSL hay băng tần rộng tại các vùng xa xôi sẽ là một rào cản cho các trẻ em nghèo. Tại Âu Mỹ, khi cho giấy phép cung cấp Net, chánh phủ buộc các công ty trúng thầu phải bỏ ra một khoản tiền để phủ sóng các vùng thôn quê rừng núi xa xôi. Dù không có lợi nhuận, các công ty cũng rất sẵn sàng vì đây là một chi phí nhỏ mà đem lại sự thỏa mãn cho mọi khách hàng cũng như xây thương hiệu, tạo tín nhiệm. Tôi nghĩ thử thách này không lớn.
Các vấn đề khác: Những đề nghị về lựa chọn loại máy tính bảng như Ipad hay Kindle hay Galaxy HTC Android…hoặc giá cả phải trả hoặc thủ tục hành chính hoặc vấn đề mất mát là những giải pháp mà các chuyên gia sẽ tìm câu trả lời trong khi thiết lập dự án tổng cương và chi tiết. Các đối thủ chỉ muốn tung “hỏa mù chi tiết” để chúng ta quên mục đích tối hậu. Chẳng lẽ đằng sau các biểu ngữ, thành tích về văn hóa và tiến bộ của nền kinh tế, chúng ta không giải quyết được các chuyện nhỏ nhặt này?

Các việc phải làm

Chúng ta cần thống nhất một biểu tượng (logo) cho đề án để tạo điểm nhấn mạnh mẽ và dễ nhận ra bởi công chúng. Bạn nào có khả năng, xin giúp sức và gởi thiết kế về gocnhinalan.com để mọi người lựa chọn công khai.

Alan sẽ bỏ tiền túi thuê servers để có một web site nhằm PR và tạo diễn đàn cho dự án này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần một đội ngũ tình nguyện ít nhất là 4 người để điều hành, quản lý.

Mọi người tiếp tay với dự án sẽ gắn logo vào các Emails, SMS, thiệp Tết, blog cá nhân, web site công ty, các trang xã hội như Facebook, Zing…

Trao đổi, nói về dự án…giữa các câu chuyện về tình yêu, bóng đá, nhậu nhẹt hay chém gió là một cách đóng góp hữu hiệu.

Lập một công ty kinh doanh các áo thun (T-shirt) hay miếng dán đề can (stickers) cho xe máy, máy tính…với logo của dự án.

Viết thư ngỏ hay thư họa hình hay bất cứ bài viết gì liên quan đến đề tài trên cho các tổ chức thiện nguyện, các mạng truyền thông, các công ty thích hoạt động xã hội và cả các bộ ngành liên quan. Đừng e dè, đừng sợ sệt. Alan bảo đảm là sẽ không ai “cắn” bạn đâu.

Mua một máy tính cũ hay mới tặng cho một trẻ em không có khả năng mua. Ngay hôm nay.

Tôi vẩn thường nói là “chúng ta làm việc để tồn tại, nhưng chúng ta chỉ tìm được ý nghĩa thực sự cho đời sống khi chúng ta chơi”. Đây là một trò chơi vô cùng thú vị vì nó đòi hỏi không những kỹ năng và kinh nghiệm như các việc làm để mưu sinh, mà còn cần nơi chúng ta một đam mê, một hy sinh và một tấm lòng. Trên hết, không ai bó buộc chúng ta tham dự trò chơi này, ngoài tình người và niềm tin vào tương lai Việt Nam. Hãy đi ắt sẽ đến. Đừng ai nói với tôi rằng một chuyện nhỏ như vậy mà chúng ta không làm được. Rằng chúng ta chỉ hoang tưởng về tính khả thi.

Lời kêu gọi của tôi có thể rất nhỏ, nhưng cùng với cà triệu tấm lòng, bản hòa tấu của chúng ta sẽ vang dậy sông núi và đi vào thực tế. Các BCA có góp sức với ông già này không?

BÀI VIẾT ĐẦU TIÊN VỀ “20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG CHO CÁC EM”

15 Dec 2011

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không cần phải nói với thiên hạ là dân tộc Việt Nam anh hùng hay vô địch. Chúng ta sẽ không cần thắc mắc là dân tộc Việt Nam có thông minh khôn ngoan nhất tinh cầu. Chúng ta chỉ cần hãnh diện là thế hệ trẻ sắp tới của chúng ta đã được trao tay chiếc chìa khóa kiến thức của thế kỷ 21.

Một tỷ rưỡi đô la mỗi năm

Ý tưởng bắt đầu từ một câu chuyện về cơ quan xuất bản sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục. Một anh bạn trong cuộc cho biết là công ty này và các công ty liên hệ có một doanh thu gần 1.5 tỷ đô la chuyên in sách giáo khoa cho 20 triệu học sinh và 5 triệu sinh viên toàn quốc (không biết có chính xác, nhưng các cú điện thoại cho công ty xuất bản đều rơi vào im lặng).

Nếu thực vậy, cộng thêm với các công ty tư nhân khác, nhà nước và phụ huynh đã chi ra một khoản tiền khá lớn mỗi năm cho mục đích này. Số lượng giấy sử dụng cũng tạo thêm ít nhiều tác hại cho môi trường. Và dù công ty quốc doanh không có lời, mọi người đều biết thu nhập lợi lộc cá nhân cùa các nhân viên cán bộ liên quan cũng không nhỏ. Đây là một rào cản khác về lợi ích trong bài toán phải giải quyết.

Tôi tin rằng với một số lượng học sinh cao đến vậy và phần lớn sách giáo khoa tương đối giống nhau, một thư viện kỹ thuật số trên máy tính chắc là khả thi và tiết kiệm hơn. Nếu đây là một doanh nghiệp tư nhân có nhiêm vụ đào tạo 20 triệu người, thì việc phải làm sẽ rất đơn giản và không cần nhiều thảo luận. Giải pháp sẽ là mua 20 triệu máy tính bảng cho học viên và tải (download) sẵn tất cả tài liệu học tập vào máy.

Với một máy tính bảng có chức năng tương đương như Ipad, giá thị trường cho một đơn đặt hàng lớn như vậy sẽ vào khoảng 140 đô la hay một đầu tư ban đầu là 2.8 tỷ đô la (chỉ bằng nửa tiền đầu tư vào Vinashin). Chỉ trong 2 năm, chúng ta sẽ thu về khoản đầu tư này.

Hiệu quả của đầu tư

Bây giờ thử ngẫm nghỉ về tác động của việc đầu tư này cho kinh tế và xã hội Việt Nam:

Nếu 20 triệu trẻ em Việt sử dụng máy tính này mỗi ngày kể từ khi em lên 6 tuổi, kỹ năng đã được trau dồi sẽ tuyệt vời như thế nào khi em bước vào giảng đường đại học? Bao nhiêu em sẽ phát huy được những năng khiếu bẩm sinh để trở thành “siêu sao” trong ngành công nghệ thông tin của quốc gia, của thế giới?

Những kiến thức thâu nhặt ngoài sách vở trong học trình sẽ khiến giới giáo viên e dè và không thể không lo cập nhật hóa kiến thức và kỹ năng của riêng mình nếu không muốn bị học trò qua mặt. Đội ngũ thầy cô sẽ bén nhậy và giỏi giang hơn.

Với kiến thức của “đám mây”, đứa trẻ sẽ giúp cha mẹ, bà con, láng giềng tiếp cận với một thế giới đương đại, năng động và đa dạng mỗi ngày và làm đời sống của xã hội thêm văn minh, cởi mở và rộng lượng.

Góc nhìn của một đứa trẻ tiếp xúc mỗi ngày với “ngôi làng toàn cầu” sẽ chín chắn và sâu đậm hơn dù bé sinh ra và lớn lên trong khu đầm lầy hèo lánh của Cà Mau hay rừng núi hoang vu của Mông Cái.

Quan trọng hơn cả là sự san bằng những lợi thế của các trẻ em giàu đang có máy tính và có lẽ nhiều kiến thức về đời sống “ngoài kia” hơn các trẻ em nghèo ở vùng quê. Khi tạo cơ hội cho càc trẻ vùng nông thôn xa xôi, chúng ta sẽ có thêm một ít chất xám mà bao lâu nay, xã hội đã tàn nhẫn bỏ bê.

Góc nhìn tiêu cực

Chắc chắn là sẽ có những tiêu cực đi kèm với động thái này. Nhiều quyền lực sẽ tranh luận về thì giờ mê mệt với game hay chat của các em (tôi lo lắng nhiều hơn về lãng phí và bệnh tật từ thì giờ đi nhậu nhẹt của người lớn). Nhiều nhân vật khác sẽ thắc mắc về sư thu nhập các tin tức lề trái hay những văn hóa tập tục khác truyền thống (tôi lại sợ hơn về cái tư duy già cỗi của thế hệ hiện tại đang làm chúng ta tụt hậu).

Đây là cái giá mà nhiều thế lực bảo thủ không chấp nhận trả, mặc cho bất cứ tiến bộ nào về kinh tế. Nhưng bánh xe tiến hóa sẽ tiếp tục lăn, chậm hay sớm. Trái cấm kiến thức của Adam, khao khát của Eva, là một lực đẩy rất con người, qua ngàn năm nay. Không một lý thuyết, ý thức hệ nào có thể thay đổi mãi định mệnh thiên nhiên của cả một dân tộc.

Lời kêu gọi tiếp tay

Tôi chưa bao giờ lên tiếng “kêu gọi” về bất cứ điều gì cho bất cứ mục đích gì. Hôm nay, tôi sẽ làm một ngoại lệ. Tôi mong được sự tiếp tay của bất cứ ai đồng ý về mục tiêu trên, hãy cất cao tiếng nói và đòi cho được một máy tính bảng “free” cho mọi trẻ em nghèo. Hãy thiết kế một biểu tượng (logo) và in ra cả ngàn áo thun (T-shirts). Tôi sẽ tình nguyện luôn luôn mặc trên người cho đến khi chúng ta tới đích. Hãy truyền gọi biểu tượng này trên khắp các mạng truyền thông, trên các blog và thư từ cá nhân, trên mọi lời nói trao đổi hàng ngày.

“20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG CHO CÁC EM”

Cùng đầu tư với chánh phủ

Chúng ta hãy giúp chánh phủ một tay. Các gia đình có khả năng hãy tự sắm lấy máy tính cho con em, không cần nhờ vả vào ngân sách. Các cơ quan thiện nguyện trong và ngoài nước chắc chắn sẽ rất hào hứng trong việc hổ trợ chương trình này. Nếu tiền đầu tư bởi chánh phủ không vượt quá 1 tỷ đô la, thì thành công của ý tưởng có nhiều cơ hội thành hiện thực. Thêm vào đó, chúng ta sẽ cam kết là nếu 20 triệu máy này đến tay các em, chúng ta sẽ không bới móc quan chức nào đã ăn tiền hoa hồng của nhà cung cấp. Ích lợi quá lớn cho quốc gia sẽ đặc biệt cho phép một vài nhũng lạm, lãng phí chắc phải xẩy ra.

Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm là khi máy tính đến tay các trẻ em phải lội qua sông để đi học, thì hãy kèm theo một bao bì không thấm nước cho máy.

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không cần phải nói với thiên hạ là dân tộc Việt Nam anh hùng hay vô địch. Chúng ta sẽ không cần thắc mắc là dân tộc Việt Nam có thông minh khôn ngoan nhất tinh cầu. Chúng ta chỉ cần hãnh diện là thế hệ trẻ sắp tới của chúng ta đã được trao tay chiếc chìa khóa kiến thức của thế kỷ 21.

+++

“20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG CHO CÁC EM”

(Bài viết đã xuất bản trên Tạp Chí Doanh Nhân số 95 ngày 27/12/2011)

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

29 Dec 2011

THƠ MỜI CÁC BCA (BẠN CỦA ALAN)

“20 Triêu Máy Tính Bảng Cho Các Em”

Tôi nghĩ mình có thể đợi đến sau Tết sẽ kích hoạt chương trình tạo tiếng vang cho đề án này. Nhưng số lương thơ và lời phê bình vượt quá mức mong đợi và người Mỹ có câu “strike when the iron is hot” (đánh khi thanh sắt còn nóng) làm tôi phải gia tốc sự dđóng góp của mọi người. Đợi qua Tết, bánh chưng, mứt và nợ nần ó thể làm xìu đi hưng khí hiện có. Ngay cả chánh phủ cũng cho thấy những phản ứng tích cực.

Do đó, tôi cần một đội ngũ “tình nguyện viên” ngay bây giờ để phối hợp các hoạt động như trả lời thơ, quản lý Web site, làm việc với các mạng truyền thông, PR công chúng…Một chiến dịch vận động các cơ quan chánh phủ và thiện nguyện là một việc quan trọng khác.

Để tránh cảnh lắm thầy thiếu thợ, tôi đề nghị tóan tình nguyện đầu tiên chỉ khoảng 10 người. Sau đó, tự các anh chị bầu lên nhóm quản lý và họ sẽ làm việc trực tiếp với tôi và chị Thương (trợ lý). Ai muốn tình nguyện ăn cơm nhà vác ngà voi, xin gởi bảng tóm tắt các kỹ năng và kinh nghiệm để có việc làm phù hợp. Email về gocnhinalan@gmail.com Attn: Diep Thuong. Xin ghi rõ số giờ có thể đóng góp mỗi tuần.

Tôi hứa là mỗi tuần sẽ dành 3 tiếng qua video conference hay meeting với các bạn để phối hợp và thi hành đề án. Mỗi tháng, chúng ta sẽ giao lưu qua cà phê hay ăn trưa để kiểm điểm tiến bộ. Mọi thành quả hay thất bại sẽ được báo cáo đầy đủ với các BCA khác để cùng học và tiên bộ, cũng như để thâu thập thêm ý kiến sáng tạo.

Hãy cùng tin rằng chúng ta sẽ đến đích, sớm hay muộn.

“20 Triêu Máy Tính Bảng Cho Các Em”

Thân kính,

Alan Phan

Nội dung chương trình dành cho bạn:

Các viết cùng chủ đề