fbpx

Chuyện chưa kể về “thánh” đầu tư Jim Goetz và thương vụ đầu tư giá trị nhất thế giới vào ứng dụng Whatsapp

Jim Goetz có thể là cái tên lạ lẫm với nhiều người, nhưng khoản đầu tư mạo hiểm thành công nhất của ông – WhatsApp thì đang là một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới.

Nếu đam mê thần thoại Hy Lạp, bạn sẽ không lạ gì với vua Midas. Vị vua Midas xứ Phrygia là một vị vua nổi tiếng thường được nhắc đến trong thần thoại Hy Lạp và ấn tượng nhất trong đó là chuyện ông được thần rượu nho Dionysus ban cho khả năng biến tất cả mọi thứ thành vàng.

Ngày nay, giới đầu tư dùng từ Midas để chỉ những người có khả năng biến startup vô danh thành những món đầu tư vàng, đầy giá trị. Chúng tôi xin giới thiệu series về Những Midas trong giới đầu tư khởi nghiệp do tạp chí Forbes bình chọn. Để lọt vào top 10, một nhà đầu tư cần 13 giao dịch đủ điều kiện và 8 kỳ lân – hoặc các công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên trong danh mục đầu tư của họ.

Jim Goetz được người trong giới ca ngợi là “thánh đầu tư”. Ông đứng đầu trong danh sách những nhà đầu tư mạo hiểm tuyệt nhất – Danh sách Midas của Forbes trong 3 năm liền từ 2014 đến 2017. Từ đó đến nay ông vẫn đứng vững trong top 5 nhà đầu tư hiệu quả nhất.

Khoản đầu tư khiến Goetz đứng trên đỉnh vinh quang không nghi ngờ gì chính là khoản đầu tư vào WhatsApp. Không chỉ ông, công ty tập hợp những nhà đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital- nơi ông là đối tác và tham gia vào hội đồng quản trị, cũng được thăng hạng danh tiếng nhiều lần nhờ khoản đầu tư này.

Thương vụ dài hơi nhưng xứng đáng

Thời điểm đầu tư vào WhatsApp, không thiếu những nhà đầu tư khác nhận thấy tiềm năng của startup này. WhatsApp tỏ ra nổi trội hơn nhiều những ứng dụng nhắn tin quen thuộc thời gian ấy là Pinger, Tango và Baluga. Chỉ mới thành lập 2 năm, công ty đã lọt top 20 ứng dụng phổ biến nhất trên App Store Mỹ, và phải đóng thuế thu nhập – một điều rất hiếm với 1 startup non trẻ thời bấy giờ. Jim cũng phải thừa nhận: “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến điều này trong sự nghiệp”.

Tất nhiên để có một cuộc hẹn với hai nhà đồng sáng lập không hề dễ dàng. Tận 8 tháng liên hệ, cuối cùng ông cũng dành được một cái hẹn từ Jan Koum và Brian Acton – hai nhà đồng sáng lập WhatsApp. Họ hẹn nhau tại quán Red Rock, một tiệm café chuyên dành cho giới lập trình.

Một tá những câu hỏi được đưa ra cho Jim từ hai vị đồng sáng lập kĩ tính. Cuối cùng, một thỏa thuận đầu tư được kí kết với việc WhatsApp nhận đầu tư 8 triệu USD từ Sequoia, bỏ thêm vào quỹ đầu tư mới chỉ có 250.000 USD của mình (hầu hết đến từ bạn bè hai người). Đổi lại, Jim sẽ chỉ đóng vai trò nhà tư vấn chiến lược, và quỹ Sequoia không bắt ép đặt quảng cáo vào WhatsApp.

Hai năm sau, vào tháng 2/2013, khi lượng người dùng đạt 200 triệu, số nhân viên chạm 50 người, Acton và Koum quyết định đã đến lúc gọi thêm đầu tư.

Vòng tài trợ thứ hai diễn ra trong bí mật. Jim dẫn đầu quỹ Sequoia đồng ý chi thêm 50 triệu USD cho WhatsApp, định giá startup này ở mức 1,5 tỷ USD.

Và quyết định này đã vô cùng chính xác. Một năm sau, startup 5 năm tuổi này được Mark Zuckerberg mua lại với giá lên đến 19 tỷ USD.

Sau tổng ba lần đầu tư với số tiền 60 triệu USD, Jim cùng Sequoia đã thu về 3 tỷ USD, với mức lợi nhuận lên đến 50 lần.

“Trong khi các công ty khác luôn tìm kiếm sự chú ý của người dùng, Jan và Brian thậm chí từ chối treo biển hiệu ở bên ngoài văn phòng của WhatsApp ở Moutain View”, Jim chia sẻ. Ông nói thêm: “Trong khi các đối thủ cạnh tranh thường quảng cáo game và chạy đua xây dựng các nền tảng hệ thống, họ vẫn trung thành với việc xây dựng phương thức liên lạc hoàn toàn “trong sạch”, nhanh chóng và không xảy ra lỗi”.

Nói rõ thêm, Jan và Brian từng cùng làm việc tại Yahoo!, và sau đó cùng rời đi vì “vỡ mộng” cách những công ty Internet dùng quảng cáo để kiếm lời.

Không chỉ thế, Jan còn có quá khứ thường xuyên bị nghe lén qua điện thoại khi sống cùng gia đình tại Ukraine. Chính điều này khiến ông rất coi trọng quyền riêng tư, và sẽ không theo dõi người dùng bằng bất cứ cách thức nào nhằm kiếm lời.

Nhờ những hiểu biết sâu sắc về hai nhà đồng sáng lập WhatsApp, Jim nhận ra được có những nguyên tắc họ sẽ không bao giờ phá vỡ bằng bất cứ giá nào. Dựa vào đó, ông đã thực hiện thành công thương vụ giá trị nhất thế giới, được đánh giá là “làm mưa làm gió” trong giới đầu tư lúc bấy giờ, theo Reuters.

Không chỉ nhiều startup chỉ muốn được Jim đầu tư, quỹ Sequouia cũng được “đánh bóng tên tuổi” nhiều lần.

Một lý lịch không liên quan đến kinh doanh

Jim lớn lên ở Trung Tây Hoa Kỳ, học chuyên ngành kỹ thuật máy tính. Ông có bằng Cử nhân Kỹ thuật Điện và Máy tính của Đại học Cincinnati và bằng Thạc sĩ Kỹ thuật Điện của Đại học Stanford. Tuy nhiên, từ bỏ tất cả, Goetz quyết định bắt đầu sự nghiệp với tư cách quản lý sản phẩm mới tại công ty công nghệ SynOptics.

Ông thậm chí còn là một doanh nhân trước khi là nhà đầu tư – là nhà đồng sáng lập công ty phần mềm VitalSigns.

Năm 2004, Jim gia nhập Sequouia Capital và ghi dấu ấn với nhiều khoản đầu tư nổi trội như Admob, Palo Alto Networks, GitHub và nhất là WhatsApp.

Khoản đầu tư thu lời lớn gần đây nhất – “Kho” lưu trữ mã GitHub được Microsoft mua lại với giá 7,5 tỷ đô la vào năm 2018.

Cả với tư cách là một doanh nhân và là một nhà đầu tư, Jim say mê nhất khi hợp tác với những người khác để biến một ý tưởng xác thực thành một công ty công nghệ hàng đầu thị trường. Điều này thể hiện qua câu nói yêu thích của Jim: “I am looking for unknowns who are passionate and mission-based” (Tạm dịch: Tôi đang tìm kiếm những người vô danh với niềm đam mê và mang trong mình một sứ mệnh!)

Năm 2017, Jim tuyên bố rút khỏi ban lãnh đạo Sequouia, nhường vị trí này cho người cùng điều hành nhiều dự án với ông tại Hoa Kỳ – Roelof Botha. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục đầu tư và đại diện cho Sequouia trong hội đồng quản trị.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế, biên tập: HappyLive

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề