Chuyển dịch năng lượng: Cần thời gian, chưa thể nóng vội
Chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu khí) sang các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi như thế nào, cần cơ chế gì để đảm bảo được sự bền vững, công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên cần được nghiên cứu thận trọng và không thể nóng vội…
Những nội dung trên đã được các nhà quản lý, chuyên gia thảo luận khá kỹ tại diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” do Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức mới đây.
BÙNG NỔ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Một trong những điểm nhấn quan trọng của việc chuyển dịch năng lượng chính là năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…). Vì thế, Đảng và Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn để phát triển nguồn năng lượng “trời cho” này. Nhờ đó, trong những năm qua, đặc biệt trong hai năm 2019-2020, năng lượng tái tạo đã có sự “bùng nổ”.
Theo số liệu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính đến 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, điện mặt trời chiếm tới 16.420 MW (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà); 514 MW điện gió; 382,1 MW điện sinh khối; 9,43 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao.
Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 (tương ứng tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ đồng) và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tương ứng khoảng 21.000 tỷ đồng).
Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5 – 6/2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt.
Đánh giá về kết quả trên, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), cho rằng trong hai năm qua, Việt Nam có sự phát triển đột phá từ một nước chưa có thành tựu gì trong phát triển năng lượng tái tạo trở thành nước nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất, có số công suất lớn nhất về điện mặt trời.
Theo dữ liệu nghiên cứu 139 quốc gia trên thế giới, chuyển dịch và phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo đem lợi ích lớn về việc làm.
“Quy hoạch Điện 8 vẫn nên kiên trì và tiếp tục mục tiêu tạo cơ hội tối đa, khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo trong nước. Bởi lẽ đây là các dạng năng lượng không bị phụ thuộc vào nhiên liệu than, khí, biến động giá thị trường. Từ đó, có các chính sách, tạo thị trường để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng này”, bà Khanh kiến nghị.
Bổ sung thêm, bà Vũ Chi Mai – Trưởng hợp phần dự án 4E – EVEF, Chương trình Năng lượng GIZ, cho biết chuyển dịch năng lượng không phải loại trừ những gì đang có mà chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch hơn, với tỷ lệ lớn hơn nhằm bảo đảm đủ điện và yêu cầu của biến đổi khí hậu.
Kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy chuyển dịch năng lượng càng sớm sẽ càng mang lại lợi ích lớn cho quốc gia vì không phải sửa các lỗi lầm của quá khứ và có hoạch định chính sách lâu dài bảo đảm bền vững hơn.
TÍNH TOÁN THẬN TRỌNG LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Tuy nhiên, ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết sự phát triển “nóng” của năng lượng tái tạo cũng mang đến những hệ lụy không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải lưới điện 500 kV, tác động đến huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí.
Ngoài ra, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.
Theo ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, nên nhìn chuyển dịch năng lượng trước tiên từ vấn đề an ninh năng lượng.
Việc chuyển dịch cần được quan tâm trên 4 lĩnh vực: Sự sẵn có của các nguồn năng lượng; khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng ở các vùng miền; khả năng chi trả của người dân và sự chấp nhận các loại năng lượng tại các địa phương, người dân đến đâu…
Về chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn, Việt Nam phải nghiên cứu trong lộ trình của mình, thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ? Hay chúng ta cứ nhắm mắt thực hiện theo Net zero (phát thải bằng 0) mà không cần phải tỉnh táo và cân nhắc trên các nghiên cứu khoa học?
“Hiện nay, xu hướng của thế giới là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, và có thể nhận định điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai. Nhưng dù muốn hay không, điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn điện than trong một sớm một chiều”, ông Sơn nhận định.
Đồng quan điểm, PGS. TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, lưu ý hệ thống năng lượng điện của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với thế giới và mục tiêu đặt ra phải đảm bảo cung ứng đủ điện. Vì vậy, phải tính toán chuyển đổi thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội.
Chia sẻ thêm, bà Khanh cho rằng để chuyển dịch năng lượng thành công cần rất nhiều yếu tố về công nghệ, hệ thống vận hành linh hoạt hơn, cấu trúc của thị trường… Việt Nam trong hai năm vừa qua đã có sự phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những thách thức cũng đã được nhìn nhận, vì chúng ta chưa có sự chuẩn bị hài hòa giữa chính sách với nhu cầu đầu tư lớn vào ngành.
Trong khi đó, bà Mai nhấn mạnh việc chuyển dịch năng lượng tái tạo bền vững cần đảm bảo 4 yếu tố. Đó là, công nghệ – vai trò trung tâm trong quá trình chuyển dịch trong mọi thời kỳ, cạnh tranh kinh tế của giá thành sản xuất, thị trường mở cho phép cạnh tranh để sản phẩm có giá cạnh tranh với chất lượng tốt hơn và cơ chế chính sách hỗ trợ đủ hấp dẫn đầu tư.
Việc sử dụng chính sách thế nào cho hiệu quả cũng là điều cần bàn. Đòn bẩy chính sách thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch năng lượng. Trong đó có 3 đòn bẩy chính sách nền tảng cho vấn đề chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm (nguồn nhân lực); cơ chế dài hạn và cân bằng những với những dạng năng lượng khác; giảm sâu phát thải CO2.
Theo khuyến nghị của PGS.TS Phạm Hoàng Lương, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần tích hợp một cách hài hòa và có lộ trình việc phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, với khuyến khích thúc đẩy công nghệ hiệu quả năng lượng để thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam.
Nguồn: VnEconomy