Có một loại thông minh gọi là Bình Tĩnh, có một loại trí tuệ mang tên Rẽ Hướng. Nếu không làm được gì hãy Buông tay
Một chàng trai trẻ luôn tìm kiếm một chiếc chìa khóa vạn năng để có thể “mở khóa” những tình huống cam go trong cuộc sống, nhưng nhọc công mệt sức mà mãi vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho riêng mình. Cuối cùng, chàng trai may mắn gặp được một vị cao nhân. Ông đưa cho anh một tờ giấy nhỏ, trên chỉ ghi vỏn vẹn 6 chữ. Chàng trai chăm chú đọc: Bình Tĩnh, Rẽ Hướng, Buông Tay.
Ba từ trên có vẻ đơn giản, nhưng chúng hàm chứa sự thông thái mà vị cao nhân muốn truyền cho anh. Khi một người thông minh gặp rắc rối, sẽ hiểu cách giải quyết dựa trên ba quy tắc này.
1. Có một loại trí thông minh được gọi là Bình Tĩnh
Câu chuyện cái ấm trà tím
Có một người được tặng một ấm trà tím quý giá, anh ta rất nâng niu món quà. Sợ mất trộm, anh ta đặt nó lên trên đầu giường mỗi khi đi ngủ.
Một lần đang ngủ, anh ta trở mình, quơ tay làm rơi ấm trà xuống giường, còn cái nắp ấm văng xuống đất. Nửa đêm tỉnh dậy chỉ thấy ấm mà chẳng thấy nắp đâu, anh ta thất vọng vô cùng, buồn rầu nghĩ: “Nắp ấm rơi xuống đã bị vỡ, vậy còn giữ ấm trà này làm gì nữa?”. Thế là anh nhặt ấm trà trên giường và ném nó ra ngoài cửa sổ, rồi lại ngủ thiếp đi.
Sáng ra, anh mới phát hiện, hóa ra nắp ấm vẫn còn nguyên vẹn trên đôi giày bông bên cạnh giường. Người đàn ông này đã rất bực mình và hối hận: “Ấm trà tím đã bị ném ra khỏi cửa sổ đêm qua, giờ để lại một cái nắp thì làm gì?”. Anh ta tức giận quá, đập vỡ luôn cái nắp ấm!
Sau khi ăn sáng, người đàn ông vác cái cuốc định đi ra đồng, nhưng khi anh ta ngước mắt lên, ngạc nhiên làm sao! Cái ấm trà tím đang treo lơ lửng trên cành cây bên ngoài cửa sổ…
Ngồi nghĩ lại, ai trong chúng ta chưa từng thấy “ấm trà treo trên cây” trong đời? Nhiều khi, chúng ta gặp phải một vấn đề nhỏ, liền mất bình tĩnh, không phân rõ trắng đen và thậm chí đưa ra quyết định bốc đồng, sau đó mới hối hận khôn nguôi, thật đáng tiếc.
Càng trong trường hợp khẩn cấp, bạn càng nên suy nghĩ chậm lại và kỹ càng hơn. Khi một người thông minh gặp rắc rối, anh ta sẽ giữ được sự bình tĩnh, xem nhẹ những mâu thuẫn, gạt bỏ sự giận dữ và đối phó một cách bình thản. Đây không chỉ là biểu hiện của một tính cách trưởng thành và điềm tĩnh, mà còn là một trí tuệ tuyệt vời.
Phương pháp “làm nguội”
Khi những cảm xúc tồi tệ bùng phát, đừng nóng vội đưa ra quyết định, hãy cho bản thân cơ hội bình tĩnh suy nghĩ, đối phó với vấn đề. Khoảng thời gian bạn dành để bình tĩnh quan sát tình huống, đưa ra phán đoán hợp lý để nhanh chóng tìm ra giải pháp, chính là lúc mà sự nóng vội đã được “làm nguội”.
Người xưa dạy: “Tĩnh tâm sinh trí tuệ”, cũng lại có câu “Dục tốc bất đạt”. Bạn càng kiên nhẫn, bình tĩnh bao nhiêu, những điều phải hối tiếc sẽ càng ít đi bấy nhiêu. Nhất là khi gặp việc lớn, lại càng cần bình tĩnh. Khi bạn có thể thoát khỏi sự chi phối của cảm xúc và bình tĩnh suy xét, bạn thực sự trưởng thành.
2. Rẽ Hướng cũng là một loại trí tuệ
Một vị hòa thượng và chú tiểu cùng nhau xuống núi. Trên đường đi, vị hòa thượng hỏi: “Nếu trong trường hợp tiến một bước con sẽ chết và lùi một bước cũng chết, con sẽ làm gì?”.
Chú tiểu trả lời không do dự: “Con sẽ đi sang một bên”.
“Đi sang một bên”, câu trả lời thật thông minh. Có thể tất cả mọi người đều hiểu, nhưng khi gặp vấn đề trong cuộc sống, rất ít người nhận ra nó.
Nhiều bạn trẻ chỉ vì trượt trong kỳ thi đại học, mà nghĩ rằng vậy là xong rồi, từ đó tự chối bỏ những cơ hội tuyệt vời khác.
Có người kinh doanh thất bại, cách nghĩ không thông, không có can đảm và quyết tâm để làm lại.
Khi phải đối mặt với một tình huống khó khăn, một số người sẽ chỉ phàn nàn về sự bất công của số phận và những thăng trầm của cuộc sống. Trong thực tế, mọi thứ không tồi tệ như vậy. Cuộc sống không bao giờ là một chiều. Xoay sang một góc là sẽ có chìa khóa để mở ra cánh cửa mới.
Có người nói rằng, có hai cách tuyệt vời để chiến thắng trong cuộc sống. Một là tiến về phía trước, và hai là rẽ sang một hướng khác. Đi về phía trước đòi hỏi sự can đảm, và rẽ sang bên đòi hỏi sự khôn ngoan.
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đều từng được nghe những câu như: “không bao giờ bỏ cuộc”, “đi đến cuối con đường”, nhưng đôi khi, chúng ta cần học cách từ bỏ đúng lúc, từ bỏ người không phù hợp, từ bỏ những thứ làm tiêu hao năng lượng của chúng ta và từ bỏ hướng đi sai.
Những điều tốt, hãy để chúng đến tự nhiên, bạn chỉ cần làm việc bằng cả trái tim, tâm huyết. Những điều tồi tệ, hãy học cách không để tâm. Như vậy, thân cảm thấy nhẹ nhàng, và tâm cũng thoải mái. Khi đã cố gắng mãi mà không thuận lợi, hãy thay đổi một vài lần nữa xem sao.
Người thông minh, ngoài nhiệt huyết và dũng khí, còn cần biết một điều quan trọng nữa là sự xoay chuyển tình thế bằng trí tuệ. “Sai một ly đi một dặm”, người đã sai từ đầu mà không biết điều chỉnh phương hướng, đi càng nhanh, lại càng cách xa thành công. Cách tốt nhất là vừa đi, vừa khám phá trong lúc di chuyển. Đây cũng là năng lực cần học hỏi.
3. Nếu không thể làm gì hơn, vậy hãy học cách Buông Tay
Bình tĩnh đối mặt và cố gắng nhiều cách giải quyết vấn đề, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn, thì phải làm sao? Học cách buông tay. Nhưng buông tay là sao?
Chính là, đối với những việc đã qua, không hoài niệm; đối với người đã rời xa, không vương vấn; đối với việc không thể làm, không đổ lỗi; không lưu luyến về những thứ không có được.
Cuộc sống là vô thường và mọi thứ thật khó để phán xét. Nếu chúng ta cứ chìm đắm một cách mù quáng trong quá khứ, xoáy vào những nỗi đau của quá khứ, không thể nghĩ về hiện tại và tương lai, thì sẽ mang đến quá nhiều tổn thương cho cả tâm hồn và thân thể. Phải hiểu rằng, có nhiều việc không phải cứ lưu luyến và hối tiếc thì mọi thứ sẽ trở lại.
Cuộc sống không có “nếu như”, chỉ có nguyên nhân và kết quả. Vậy nên, nếu không muốn tương lai phải hối tiếc về hiện tại, như ta đang hối tiếc về quá khứ, thì hãy sống trọn từng khoảnh khắc này đây.
Chấp nhận thực tế và bước qua quá khứ không chỉ là sự cởi mở, mà còn là khí chất và phong cách của một người thông minh.
***
Xin nhắc lại một lần nữa 3 quy tắc xử lý vấn đề của người thông minh.
1. Bình Tĩnh trong mọi hoàn cảnh, cho dù là tình huống dễ “nổi xung” nhất.
2. Khi con đường hiện tại không thể đi, đừng đâm đầu vào bức tường phía trước. Khi cần thì nên Rẽ Hướng, mới có thể thấy một thế giới rộng lớn hơn.
3. Khi kết quả không như mong muốn, hãy học cách Buông Tay, cho bản thân và cho cả người khác nữa.
Núi dẫu cao đến mấy thì vẫn có đỉnh, biển có rộng nhường nào thì vẫn có bờ. Trên hành trình dài, cứ đi rồi bạn sẽ đến đích. Nhấm thử thì thấy đắng đấy, nhưng khi nuốt, bạn sẽ cảm thấy hương vị ngọt ngào. Trên đường đời, gặp được rồi xin hãy trân trọng, dù rằng khó khăn, thử thách, cũng là cơ hội để bạn trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Trót sai rồi thì nỗ lực làm lại, chăm chỉ, kiên trì, vẫn không được thì hãy mỉm cười và bắt đầu một hành trình khác của cuộc sống.
Nguồn: Secret China
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn