Có nên cấm bán khống hay không?
Khi đại dịch Covid-19 đẩy thị trường cổ phiếu toàn cầu rơi tự do trước đó, các Chính phủ ở châu Âu và châu Á lập tức ra động thái hạn chế bán khống cổ phiếu.
Trái ngược với các quốc gia cho phép bán khống trở lại vào tháng 5/2020 – bao gồm Pháp, Italy và Bỉ, những quốc gia khác ở châu Á vẫn duy trì hạn chế với bán khống như ở Malaysia, Thái Lan. Hàn Quốc gần đây gia hạn lệnh cấm toàn diện đối với bán khống cho tới tháng 3/2021.
Trong khi đó, gần đây, Bộ Tài chính Việt Nam đang thực hiện lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong đó có cả cơ chế dành cho việc giao dịch chứng khoán trong ngày và giao dịch bán khống.
Xét tới việc hầu hết thị trường cổ phiếu tại châu Á đã tăng vượt đỉnh năm 2019, khá khó hiểu khi châu Á vẫn còn cấm bán khống.
Thậm chí ở nơi được cho phép bán khống tại châu Á, chúng thường đi kèm với hàng loạt biện pháp kiểm soát kỹ thuật khác và chỉ một vài thị trường như Nhật Bản mới cho phép bán khống theo cách giống Mỹ và Anh.
Giới bình luận có thể nói rằng việc cấm bán khống sẽ tốt hơn cho thị trường. Chẳng phải bán khống chỉ là cách để nhà đầu cơ kiếm tiền dễ dàng bằng cách hủy hoại công ty? Quan điểm này rất phổ biến tại châu Á và những nơi khác trong nhiều thập kỷ qua. Điều này có thể giải thích phần nào tại sao Đức lại cấm bán khống cổ phiếu của công ty thanh toán đã phá sản Wirecard hồi tháng 2/2020.
Đúng là những kẻ bán khống sẽ có lời khi giá cổ phiếu rơi. Thế nhưng, điều họ chưa đề cập tới là thị trường sẽ trở nên lành mạnh, hiệu quả và bền vững hơn khi những thành phần tham gia thị trường có quyền tự do bán khống. Nếu không có sự tự do bán khống, sẽ rất khó để các trader “lột mặt nạ” của những bất cập tại các công ty như Wirecard hoặc Luckin Coffee của Trung Quốc.
Không có bán khống, thị trường sẽ thiếu vắng một lực điều chỉnh có thể giúp ngăn chặn thổi phồng những hiện tượng bong bóng chứng khoán không bền vững và đôi khi là gây nhiều tai họa đến thị trường lẫn nền kinh tế. Ngoài ra, những thị trường không có bán khống thường không vững chãi bằng các thị trường được phép bán khống. Không chỉ thế, việc không được phép bán khống cũng khiến thị trường trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư toàn cầu và làm giảm khả năng hỗ trợ cho nền kinh tế thực.
Hầu hết nhà đầu tư đều đi theo nguyên tắc: Mua thấp bán cao. Trong khi đó, bán khống cũng hoạt động theo cùng nguyên tắc nhưng ngược lại: Bán cao mua thấp. Nếu bạn nghĩ giá của một cổ phiếu sắp giảm, bạn có thể vay cổ phiếu của công ty đó và bán chúng ra thị trường. Sau đó, bạn sẽ buộc phải mua lại cổ phiếu này để hoàn trả lại cho tổ chức cho vay. Nếu giá cổ phiếu giảm trong thời gian đó, bạn sẽ có lời, nhưng nếu giá tăng, bạn sẽ lỗ (vì phải mua lại với giá cao hơn).
Hiện chẳng có bằng chứng cho thấy việc cấm bán khống sẽ làm giảm sự biến động của thị trường trong một cuộc khủng hoảng, trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy điều ngược lại mới đúng. Trên thực tế, với giới đầu tư, việc bán khống một cách minh bạch và có kiểm soát thực sự tạo lợi ích cho nhà đầu tư lớn lẫn nhỏ, công ty niêm yết và nền kinh tế.
Đầu tiên, bán khống có thể tạo ra một lực điều chỉnh khi thị trường bắt đầu “nổi bong bóng”. Không có lực điều chỉnh này, bong bóng sẽ dễ dàng thành hình hơn và dĩ nhiên sau đó sẽ vỡ tung. Các lệnh cấm bán khống cũng khiến nhà đầu tư buộc phải trả giá cao hơn cho cổ phiếu. Hãy nhớ rằng nhà đầu tư bán khống cổ phiếu nào thì sau đó phải mua để trả lại, vì vậy việc cấm bán khống cũng loại bỏ một yếu tố giúp ổn định thị trường một khi rơi vào trạng thái điều chỉnh.
Lệnh cấm bán khống toàn diện cũng tác động tới những nhà đầu tư muốn mua và nắm giữ cổ phiếu lâu dài, chứ không phải những ai cược rằng giá cổ phiếu sẽ giảm. Nhà đầu tư tổ chức đặt cược vào khả năng tăng giá của thị trường vẫn muốn bảo vệ danh mục của họ trước rủi ro thị trường lao dốc.
Thế nhưng, việc phòng hộ danh mục bằng cách sử dụng hợp đồng tương lai và quyền chọn đòi hỏi những nhà đầu tư phải tham gia vào vị thế bán khống và vay mượn chứng khoán. Thật vậy, một số nhà đầu tư tổ chức buộc phải phòng hộ vị thế của họ, nói cách khác họ không thể đầu tư vào những thị trường không cho phép bán khống. Khi nhà đầu tư né xa một thị trường chỉ vì bị cấm bán khống, điều này sẽ làm giảm lượng vốn sẵn có đối với các công ty niêm yết, kéo giảm giá trị giao dịch trên thị trường và làm tăng chi phí cho tất cả nhà đầu tư.
Bán khống trong việc kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư cũng được những tổ chức cung cấp chỉ số đánh giá cao (một lý do mà thị trường Việt Nam chưa được phép nâng hạng).
Theo một báo cáo từ MSCI trong tháng 6/2020, bán khống là “một yếu tố giúp cải thiện sự hiệu quả của thị trường”. Trong quá khứ, MSCI cảnh báo các quốc gia có thể bị loại khỏi một số chỉ số nếu họ gia hạn lệnh cấm đối với bán khống.
Một lợi ích khác của bán khống là cho phép các chiến lược đầu tư phù hợp với các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và giúp tạo một nền kinh tế bền vững hơn. Theo một báo cáo của Hiệp hội Quản lý Đầu tư Thay thế (AIMA) trong tháng 7/2020, bán khống có thể gây tác động kinh tế bằng cách ảnh hưởng tới bản chất dòng vốn thông qua hoạt động đầu tư ‘chủ động’”.
Paul Solway – tác giả bài viết – hối thúc các nhà quyết sách tại châu Á cân nhắc lại lệnh cấm đối với bán khống. Các Chính phủ nên công nhận rằng việc bán khống một cách minh bạch và có kiểm soát sẽ hỗ trợ cho thị trường hiệu quả hơn, giúp thị trường hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư và cải thiện khả năng hỗ trợ cho nền kinh tế nội địa.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Paul Solway trên Nikkei Asian Review
Nguồn: vietstock
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)