fbpx

Cổ nhân: Khoe khoang tài giỏi là tự rước họa vào thân

Xưa nay, bậc trí giả thường giống với kẻ khờ, dù có tài giỏi đến mấy cũng lặng lẽ giữ thân. Cũng có người năng lực giới hạn nhưng lại thích khoe khoang “trí tuệ”, cuối cùng tự mình rước họa.

Khoe khoang chỉ tự rước họa vào thân

Trong ‘Luận Ngữ – Vệ Linh Công’, Khổng Tử từng cảm thán: “Quần cư chung nhật, ngôn bất cập nghĩa, hảo hành tiểu tuệ, nan hĩ tai!”, là ý nói, cả ngày chỉ tụ tập nói chuyện phiếm, không nói những lời nghiêm túc, lại thích giở trò khôn vặt thì rất khó có tương lai.

Những người tỏ ra thông minh, đều là không có thực tài, chỉ là dựa vào công kích, áp chế người khác để nâng mình lên, có thể đắc ý nhất thời, tâm ý có thể tạm thời thỏa mãn, nhưng vĩnh viễn sẽ không thể thực sự đạt được thành công.

Trong ‘Bi Thuyết’ của Liễu Tông Nguyên có kể lại một câu chuyện xưa như sau:

Tại nước Sở có một tay thợ săn, bản lĩnh kém cỏi nhưng lại thích thể hiện mình. Anh ta dùng một ống trúc khoét thành một cây sáo có khả năng bắt chước tiếng kêu của đủ loại dã thú khác nhau. Anh ta thường giả tiếng kêu của dê, hươu nai… để dẫn dụ chúng đến trước mặt rồi sau đó bắt giết.

Có một lần, anh ta mang theo cung tên và các loại vật dụng khác lên núi đi săn. Anh dùng sáo thổi ra tiếng con hươu, không ngờ lại dẫn dụ một con báo tới. Thợ săn hoảng sợ, vội vàng thổi ra tiếng rống của con hổ, dọa cho con báo chạy thục mạng.

Tuy nhiên, tiếng gầm của con hổ rất thật, lại thu hút một con hổ đói khác tới. Thợ săn càng luống cuống, vội vàng thổi tiếng kêu của con gấu ngựa, khiến con hổ phải bỏ chạy. Anh ta vừa thở phào một cái, thì từ đâu một con gấu ngựa giương nanh múa vuốt tìm đến.

Thợ săn không giả được tiếng con thú nào khác để dọa gấu ngựa, chỉ còn biết co quắp người lại, mặc cho gấu ngựa nhào lên, xé xác anh ta thành trăm mảnh.

Thợ săn không dựa vào bản lĩnh thật sự để đi săn, mà lại dựa vào mánh khóe của mình để mong đạt được kết quả, cuối cùng phải rước họa vào thân. Trong cuộc sống, loại người này không phải là ít. Có những người không làm đến nơi đến chốn bằng bản lĩnh thực sự, mà chỉ dựa vào tiểu xảo để hãm hại lừa gạt, cuối cùng hại người hại mình.

Bậc đại trí thường giả khù khờ

Người xưa thường có câu “Đại trí giả ngu” (Bậc đại trí thường giả khù khờ), trên thực tế, trong cuộc sống hằng ngày lại có những người “đại ngu” nhưng lại giả trí để thể hiện mình. Chỗ khác nhau của “đại trí giả ngu” và “đại ngu giả trí” chính là khả năng thấu hiểu chính mình. Người tự cho mình thông minh, tự cao tự đại, thường ra vẻ đao to búa lớn với người thì rất khó để thành công.

Trong xử thế, chỉ biết duỗi mà không biết co; chỉ biết tiến mà không biết lui; chỉ biết thể hiện tài mọn mà không thấy được sự hồ đồ; chỉ biết bộc lộ tài năng mà không biết giấu tài thì đó chỉ là một kẻ ngốc. Người Tây phương có một cách nói: “Người Pháp thông minh giấu ở bên trong, người Tây Ban Nha thông minh để lộ bên ngoài”, người trước là thông minh thật sự, người sau là giả thông minh.

Có người tiều phu và học giả ngồi trên cùng một chiếc thuyền để qua sông. Học giả cứ khoe khoang là không có gì là không biết và chấp người tiều phu đố mình bất cứ thứ gì và hứa sẽ cho người tiều phu 10 đồng và ngược lại, tiều phu chỉ mất 5 đồng thôi.

Tiều phu chấp nhận và đố học giả: “Vật gì dưới sông nặng nghìn cân nhưng lên bờ nặng chỉ còn 10 cân”.

Học giả suy nghĩ mãi, vắt óc nhớ lại những cuốn sách mình từng đọc nhưng cuối cùng đành phải chịu thua và phải đưa 10 đồng cho người tiều phu.

Sau đó ông hỏi người tiều phu câu trả lời, nhưng ngạc nhiên thay, người tiều phu trả lại ông học giả 5 đồng và nói: “Tôi không biết”. Học giả vô cùng sửng sốt và chợt nhận ra một bài học mà người tiều phu dạy với học phí là 5 đồng, từ đó ông không hề tự cao nữa.

Nhiều người cứ tỏ vẻ mình thông minh so với người khác, tuy nhiên họ quên mất rằng thông minh sẽ bị thông minh hại, nhiều lúc họ sẽ phải trả giá cho sự tự tin thái quá của mình.

Phạm Thanh Nga

Nguồn: Tinh hoa

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề