Cổ phiếu SoftBank chạm đỉnh 20 năm, Masayoshi Son bắt đầu vực dậy sau 1 năm bết bát?
Cổ phiếu của tập đoàn SoftBank ghi nhận đà tăng trong 8 phiên liên tiếp, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay tại Nhật Bản với mức giá 6.955 yen, cao nhất kể từ tháng 3/2000.
Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu SoftBank đã tăng lên mức cao nhất trong 2 thậo kỷ qua. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng Masayoshi Son đang dần vực dậy sau 1 năm đầy khó khăn, đánh dấu bởi những tổn thất do dịch bệnh gây ra và những thương vụ đầu tư thất bại vào 1 loạt các start-up như WeWork.
Cổ phiếu của tập đoàn này ghi nhận đà tăng trong 8 phiên liên tiếp, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay tại Nhật Bản với mức giá 6.955 yen, cao nhất kể từ tháng 3/2000. Vào tháng 8, cổ phiếu này đã chạm mức 6.900 yen trước khi các hãng tin tiết lộ rằng ông Son bắt đầu thực hiện mua quyền chọn đối với cổ phiếu công nghệ. Đây được coi là động thái đầy rủi ro, khiến một số nhà đầu tư hoảng sợ.
Sau khi cổ phiếu rớt giá kỷ lục vào tháng 3, SoftBank đã công bố kế hoạch thanh lý khối tài sản trị giá 4,5 nghìn tỷ yen (42,6 tỷ USD) và mua 2,5 tỷ yen cổ phiếu quỹ. Kể từ đó, ông Son đã đồng ý bán lượng cổ phiếu nhiều hơn số ông nắm giữ. Điều này cho thấy rằng ông có thể sử dụng số tiền trên cho 1 thương vụ lớn hoặc thực hiện các kế hoạch gây tranh cãi từ lâu để tư nhân hóa SoftBank.
Justin Tang – trưởng nhóm nghiên cứu khu vực châu Á của United First Partners tại Singapore, nhận định: “Cổ phiếu công ty này đã tăng giá sau khi có những suy đoán về việc tư nhân hóa. Cùng với đó là thông tin về việc họ bán Arm cho Nvidia. Đó là chính là những gì đang thúc đẩy đà tăng.”
Tính đến tháng 6, Son đã bán 13,7 tỷ USD cổ phần trong Alibaba, một khoản lớn hơn tại T-Mobile và một số cổ phiếu trong SoftBank chi nhánh viễn thông tại Nhật Bản. Sau đó, ông thông báo về việc bán nhà sản xuất chip Arm cho Nvidia với giá khoảng 40 tỷ USD và bán thêm 1 lượng cổ phần của SoftBank với hơn 10 tỷ USD.
Ngoài ra, triển vọng đối với các start-up mà SoftBank đầu tư vào cũng được cải thiện, khi dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát ở nhiều quốc gia và nhu cầu niêm yết tăng mạnh mẽ hơn. Son đã rót vốn cho nhiều công ty hoạt động trong “nền kinh tế chia sẻ”, bao gồm dịch vụ gọi xe Uber Technologies và Didi Chuxing của Trung Quốc.
Tang nhận định thêm: “Một lý do rõ ràng khác là số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã giảm bớt. Rõ ràng là bất kỳ mối lo ngại nào có thể có trên thị trường đều không còn dễ nhận thấy như hồi tháng 3.”
Nguồn: Tham khảo Bloomberg
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật
“Bộ vuốt” phân tích đồ thị cho những góc nhìn độc nhất về sức khỏe thị trường và những tín hiệu đảo chiều sớm