fbpx

Cổ tức – sợi dây nối kết cổ đông với doanh nghiệp

Mục đích của việc kinh doanh là tạo ra lợi nhuận, tạo ra giá trị cho chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông). Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận sẽ được doanh nghiệp trích ra, chi trả cho cổ đông dưới dạng cổ tức, một phần lợi nhuận sẽ được doanh nghiệp sử dụng tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

1. Cổ tức

Là một phần trong lợi nhuận của doanh nghiệp, được chia cho cổ đông. Trừ trường hợp của cổ phiếu ưu đãi, thì cổ tức của cổ phiếu là không cố định, nó phụ thuộc vào tỷ lệ chi trả cổ tức của các ngành, các công ty. Các công ty có các đợt chốt cổ đông sau đó chi trả cổ tức.

Một công ty về cơ bản có thể lựa chọn trả cổ tức bằng tiền mặt (Cash Dividend), hoặc bằng cổ phiếu (Stock Dividend) để đáp ứng nhu cầu sinh lợi khi đầu tư vào công ty cổ phần của cổ đông.

2. Trả cổ tức bằng tiền mặt

Là cách công ty trả cổ tức bằng tiền mặt trực tiếp cho cổ đông. Khi tuyên bố trả cổ tức bằng tiền mặt, công ty sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, ghi nhận nợ phải trả cho cổ đông. Khi trả cổ tức, công ty sẽ lấy từ quỹ tiền để trả cổ tức. Từ đó, làm giảm cả về tài sản lẫn nguồn vốn. Công ty công bố tỷ lệ chi trả cổ tức dựa trên mệnh giá cổ phiếu (một cổ phiếu có mệnh giá niêm yết theo quy định là 10.000 đồng).

3. Trả cổ tức bằng cổ phiếu

Là cách công ty thay vì trả cổ tức tiền mặt thì sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông. Công ty sẽ lấy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ dự phòng doanh nghiệp (quỹ đầu tư phát triển,…), hoặc thặng dư vốn cổ phần để làm tăng nguồn vốn kinh doanh bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu. Từ đó, không làm thay đổi vốn chủ sở hữu, không làm thay đổi vốn hóa thị trường và tỷ lệ nắm giữ của mỗi cổ đông trong công ty không đổi.

4. Vì sao giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm khi chia cổ tức?

Nhà đầu tư khi mua 1 cổ phiếu sẽ thu được lợi nhuận từ: (i) cổ tức nhận được, và (ii) chênh lệch giá bán so với giá mua cổ phiếu.

Ta dễ dàng thấy: Tâm lý chung nếu không điều chỉnh giảm giá cổ phiếu sau khi chia cổ tức, thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng muốn nắm giữ cổ phiếu trước ngày chia cổ tức, khiến cho cầu về cổ phiếu tăng, đẩy giá tăng.

Nhưng sau ngày chia cổ tức, nhà đầu tư lại không muốn nắm giữ cổ phiếu nữa, do phải đợi tận 1 năm sau mới nhận thêm cổ tức, nên có xu hướng muốn bán cổ phiếu, dẫn đến cung cổ phiếu tăng, đẩy giá cổ phiếu giảm.

Việc mất cân đối cung cầu cổ phiếu trước ngày chia cổ tức (ngày giao dịch không hưởng quyền) sẽ tác động đến thanh khoản của cổ phiếu, giá cổ phiếu biến động lớn, nên để tránh tình trạng trên, giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm (theo tỷ lệ nhận cổ tức) đảm bảo công bằng cho người mua – người bán vào ngày chia cổ tức

5. Phân biệt chia cổ tức bằng cổ phiếu với chia tách cổ phiếu

Về nguyên tắc, dù công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu (Stock Dividend) hay chia tách cổ phiếu (Stock Split), giá trị vốn chủ sở hữu không đổi.

Tuy nhiên trả cổ tức bằng cổ phiếu: có sự dịch chuyển qua lại giữa các tài khoản con trong vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán.

Ví dụ: Quỹ đầu tư phát triển tài trợ cho nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì quỹ này sẽ giảm một phần đúng bằng phần tăng thêm ở vốn điều lệ công ty. Chia tách cổ phiếu không làm ảnh hưởng đến bất kỳ khoản nào trên vốn chủ sở hữu.

6. Ngày giao dịch cuối cùng là ngày gì? Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền (Ngày GDKHQ) là ngày giao dịch mà nhà đầu tư mua chứng khoán sẽ không được hưởng các quyền lợi của cổ đông như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự ĐHCĐ…

Ngày đăng ký cuối cùng (Ngày ĐKCC)  là ngày chốt danh sách khách hàng sở hữu chứng khoán, và là ngày tổ chức phát hành lập danh sách người sở hữu chứng khoán với mục đích để thực hiện các quyền cho cổ đông. Tại ngày chốt danh sách, nếu nhà đầu tư có tên trong danh sách người sở hữu chứng khoán sẽ được nhận các quyền của mình như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…

Quy định hiện nay, với các giao dịch bình thường, thời hạn thanh toán là T+2, nghĩa là thời hạn thanh toán là 2 ngày làm việc (trừ thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ). Cụ thể là thời gian từ ngày giao dịch (mua/bán) đến ngày nhận được chứng khoán hoặc tiền là 2 ngày (ngày giao dịch tính là ngày T+0). Do đó, nhà đầu tư mua cổ phiếu ngày làm việc liền trước ngày đăng ký cuối cùng sẽ không có tên trong sổ cổ đông, vì giao dịch chưa được thanh toán, do vậy sẽ không được hưởng quyền. Cụ thể xem sơ đồ bên dưới.

Như vậy, nhà đầu tư mua chứng khoán trước ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ có tên trong danh sách được hưởng quyền. Nếu mua từ ngày giao dịch không hưởng quyền trở về sau thì nhà đầu tư sẽ không có tên trong danh sách  được hưởng quyền. Chỉ cần cổ đông có tên trong danh sách vào ngày chốt quyền, cổ đông đó đương nhiên được hưởng quyền lợi, không kể cổ đông đó đã giữ cổ phiếu từ lâu hay mới chỉ được ghi tên vào trước ngày chốt quyền.

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư tài chính happy.live

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề