Công ty Trung Quốc “chơi khô máu” tại World cup 2018
World Cup năm nay đón một số lượng chưa từng thấy các thương hiệu Trung Quốc ghi danh quảng cáo. Regina Yeo, giảng viên tại NUS Business School cho biết các hãng Trung Quốc chiếm khoảng 39% tài trợ tại World Cup năm nay.
Theo Channel NewsAsia, vì thế không có gì bất ngờ khi nhiều doanh nghiệp muốn thể hiện mình tại sự kiện này, trả nhiều tiền cho các quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo bên lề sân cỏ.
Tại World Cup 2014 ở Brazil, FIFA ước tính kiếm được khoảng 1,6 tỉ USD chỉ từ tiền tài trợ. Đây là khoản đầu tư rất lớn. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp biết được liệu họ có nhận được kết quả xứng đáng với số tiền bỏ ra?
Trong chương trình Asia Business First tuần này, Lars Voedisch, chuyên gia tư vấn chính kiêm giám đốc điều hành của PRecious Communications, cho hay có nhiều cách để đánh giá liệu nhận thức về thương hiệu của bạn có cải thiện trong chiến dịch quảng cáo hay không.
“Có nhiều người biết đến thương hiệu của bạn hơn hay không? Doanh số bán hàng của bạn có tăng vì bạn có chương trình khuyến mãi đặc biệt World Cup hay không? Cổ phiếu Adidas giảm sau khi Đức thua trận mở màn với Mexico, chính là vì chuyện bán áo và giày”, ông Voedisch cho hay.
Doanh nghiệp Trung Quốc “chơi lớn”
Bên cạnh nhiều hãng thường cung cấp trang phục hoặc giày dép, World Cup năm nay còn đón một số lượng chưa từng thấy các thương hiệu Trung Quốc ghi danh quảng cáo. Regina Yeo, giảng viên tại NUS Business School cho biết các hãng Trung Quốc chiếm khoảng 39% tài trợ tại World Cup năm nay.
“Bạn thấy một số sự thay đổi vì bê bối FIFA năm 2015. Bạn thấy một số nhà tài trợ lớn như Sony, Johnson & Johnson và Castrol rút ra. Họ có thứ được gọi là thuyết chuyển thương hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc liên quan đến FIFA hay Nga”, bà Yeo cho hay.
Điều này cho thấy cơ hội lý tưởng với các thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt là từ khi tình yêu bóng đá của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng giúp bóng đá có vị thế cao hơn trong làng thể thao Trung Quốc. Bà Yeo nói: “Ông ấy kích thích sự quan tâm và nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ, bạn có thể thấy nhiều doanh nghiệp tham gia. Đó là cách họ tham gia một tí vào cuộc chơi, đặc biệt với quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực để đăng cai World Cup năm 2030, 2034”.
Người hâm mộ bóng đá được tiếp xúc với một loạt thương hiệu Trung Quốc, chẳng hạn như tập đoàn bất động sản và giải trí Wanda, hãng sản xuất smartphone Vivo, công ty ở Nội Mông China Mengniu Dairy Co.
Ông Voedisch giải thích cách các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ việc quảng cáo tại World Cup: “Sữa Mông Cổ, thậm chí bạn không thể mua ở hầu hết các nơi trên toàn thế giới. Song nếu bạn nhìn vào số liệu thì có khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ theo dõi World Cup. Vì vậy một phần sức mạnh quảng cáo hoặc sức mạnh tài trợ mà các thương hiệu Trung Quốc đem đến World Cup là tập trung vào thị trường nội địa. Nếu sữa Mông Cổ được 300 triệu người Trung Quốc nhìn thấy trên quy mô toàn cầu, nó giúp thương hiệu có cảm giác như là thương hiệu toàn cầu đầy tự hào. Vốn chủ sở hữu thương hiệu tăng lên”.
Hình ảnh tích cực cho Nga
Nếu xây dựng thương hiệu có thể nâng cao vị thế doanh nghiệp, nó có ảnh hưởng ra sao lên quốc gia tổ chức World Cup? Hình ảnh nước Nga nhiều năm qua xấu đi vì nhiều thông tin tiêu cực trên báo, từ việc sử dụng doping do nhà nước tài trợ trong thể thao cho đến các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở nước ngoài.
Ông Voedisch cho biết ông nghĩ rằng World Cup giúp xua tan nhiều thông tin tiêu cực ở thời điểm hiện tại: “Giải đấu đang diễn ra và mọi người chỉ tập trung vào bóng đá. Tất cả những gì họ nghe là nước Nga đang đăng cai, và mùa banh đang diễn biến tốt. Bạn có nhiều sân vân động ngập tràn cổ động viên, và mọi người đều nói rằng đây là khoảng thời gian tuyệt vời. Thời tiết cho đến nay tốt. Vì vậy, đó là hình ảnh hạnh phúc và may mắn. Các chủ đề tiêu cực đều biến mất”.
Nguồn: thanhnien