Cuộc đời siêu lừa Bernard Madoff
Bernard Madoff từng có sự nghiệp lẫy lừng tại Wall Street, được nhiều người kính trọng và có cuộc sống sung túc, nhưng cuối cùng cũng mất tất cả.
Bernard Madoff chết hôm 14/4/2021 tại một nhà tù ở Mỹ. Ông ta là kẻ đứng sau vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi có quy mô tới 20 tỷ USD – lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính và đang thụ án tù 150 năm. Madoff từng có một sự nghiệp lẫy lừng tại Wall Street, được nhiều người kính trọng và có cuộc sống sung túc, nhưng vụ lừa đảo đã lấy đi của ông ta tất cả.
Bernard Lawrence Madoff sinh năm 1938 tại quận Queens, thành phố New York. Ông là con trai trong một gia đình di cư từ châu Âu sang. Gia đình họ từng kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có mở công ty môi giới chứng khoán.
Năm 1960, Madoff tốt nghiệp Đại học Hofstra, sau đó theo học Trường Luật Brooklyn một thời gian ngắn trước khi bỏ ngang. Cùng năm đó, ông ta thành lập công ty đầu tư chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities bằng 500 USD tiền tiết kiệm. Văn phòng thì mượn của bố vợ.
Madoff bắt đầu với quy mô khá khiêm tốn, chỉ bán cổ phiếu vốn hóa nhỏ trên thị trường OTC. Đầu thập niên 70, Madoff tham gia một nhóm phát triển hệ thống giao dịch điện tử mà sau này trở thành sàn Nasdaq. Bước ngoặt đến với ông ta năm 1975, khi quy định về hoa hồng cho ngành môi giới chứng khoán được nới lỏng, cho phép nhà đầu tư bình thường giao dịch dễ dàng hơn mà không cần môi giới. Madoff bắt đầu xử lý các giao dịch khối lượng lớn. Ông ta cũng giữ chức Chủ tịch sàn Nasdaq trong các năm 1990, 1991 và 1993.
Cuộc sống của Madoff thời đó khá dư dả. CNN cho biết ông ta gây dựng được khối tài sản lớn với nhiều biệt thự ven biển, du thuyền và penthouse ở Manhattan. Madoff cũng được đánh giá là người ưa sạch sẽ đến mức bị ám ảnh. Các văn phòng của ông đều được trang trí với tông đen – xám, bàn nhân viên ít giấy tờ hoặc đồ vật. Ông còn làm vài nhẫn cưới để phù hợp với những chiếc đồng hồ đeo tay khác nhau.
Việc kinh doanh của Madoff rất phát đạt trong thập niên 80 và 90. Ví dụ, thời đó, ông và các đối thủ có thể hưởng lợi từ việc mua cổ phiếu giá 5 USD và bán với giá 5,125 USD. Tỷ lệ sinh lời sau đó giảm dần, nhưng hoạt động môi giới của Madoff cũng giúp ông ta có nguồn tài chính để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cũng như Charles Ponzi, cha đẻ của mô hình lừa đảo Ponzi, Madoff hứa hẹn mức lãi khổng lồ với khách hàng. Trên thực tế, ông ta lấy tiền của nhà đầu tư trước để trả cho người đến sau. Nhưng khác với Ponzi, Madoff là nhân vật được kính trọng trong giới tài chính và che giấu được thủ đoạn lừa đảo trong ít nhất 15 năm, dù từng bị giới chức vào văn phòng để kiểm tra giấy tờ.
Các khách hàng được thuyết phục rằng họ có thể kiếm tiền bằng cách để Madoff mua một rổ cổ phiếu theo chỉ số S&P 100 và giảm thiểu rủi ro bằng cách mua – bán quyền chọn dựa trên chỉ số này. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Các công tố viên cho biết Madoff và nhân viên của ông ta đã gửi khách hàng các tài liệu giả xác nhận về những giao dịch chưa bao giờ được thực hiện. Họ thậm chí gửi kèm cả số liệu giả về các khoản lợi nhuận không có thật. Madoff cũng thừa nhận thỉnh thoảng phải lấy tiền trong tài khoản cá nhân ở JPMorgan Chase để trả cho khách muốn lấy lại tiền.
Sự nghi ngờ dấy lên từ đầu thập niên 90, khi tên của Madoff xuất hiện trong một cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về một hãng kế toán có tên Avellino & Bienes. Năm 2001, một bài báo đăng tải trên Barron cũng cho biết Wall Street ngờ vực về Madoff, trong đó có việc ông có thể sử dụng quyền lực điều khiển thị trường để đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Madoff khi đó đã phủ nhận việc này.
Nghi ngờ càng được đẩy lên cao khi nhà phân tích tài chính Harry Markopolos bắt đầu gây sức ép buộc SEC chặn Madoff lại. Từ năm 1992 đến 2008, SEC nhận được 6 phàn nàn về Madoff, nhưng chưa bao giờ có hành động.
Vụ lừa đảo đổ bể tháng 12/2008, khi thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều khách hàng đòi rút tiền hơn, vượt quá khả năng chi trả của Madoff. Ông ta bị bắt một ngày sau tiệc Giáng sinh của công ty. Tháng 3/2009, siêu lừa thừa nhận 11 tội danh, gồm lừa đảo, rửa tiền và khai man, lĩnh án tù 150 năm.
Ngoài Madoff, hàng loạt người khác cũng bị kết tội trong vụ án này, trong đó có em trai ông – Peter và 5 cựu nhân viên khác. Tổng cộng, các nạn nhân đã đưa cho Madoff hơn 19 tỷ USD. Họ tin rằng số tài sản này đã lên 65 tỷ USD, theo các tài liệu giả mà Madoff gửi cho họ.
Chỉ trong vài ngày sau khi siêu lừa bị bắt, giới chức Mỹ bắt đầu chiến dịch thu hồi tiền để hoàn trả cho các nạn nhân. Đến nay, gần 17 tỷ USD đã được chi trả cho hàng chục nghìn cá nhân, tổ chức. “Đây chắc chắn là vụ lừa đảo lớn nhất với nhà đầu tư cá nhân trong lịch sử thế giới”, cựu chủ tịch SEC Richard Breeden cho biết.
Bi kịch với gia đình Madoff cũng chưa dừng lại ở việc siêu lừa vào tù. Bị dày vò vì những hành động của cha mình và các vụ kiện, con trai cả của Mark Madoff đã treo cổ tự tử năm 2010. Tháng 9/2014, con trai thứ hai Andrew Madoff cũng qua đời vì ung thư. Vợ ông – Ruth Madoff đã cắt đứt liên lạc với chồng sau khi Mark qua đời.
Các cuộc phỏng vấn trong tù cho thấy Madoff “chưa bao giờ hoàn toàn nhận trách nhiệm” về tội danh của mình. Madoff nói với tạp chí New York rằng mình đã thay đổi Wall Street và nạn nhân có thể còn mất tiền nhiều hơn trên thị trường nếu không nghe ông.
Dù vậy, tháng 2/2020, Madoff nộp đơn lên tòa án với mong muốn được ra tù sớm, do bị suy thận giai đoạn cuối và khó sống quá 18 tháng. Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post thời điểm đó, siêu lừa bày tỏ sự hối hận, nói rằng mình đã “phạm một sai lầm khủng khiếp”. Tuy nhiên, cơ quan tư pháp cho rằng tội danh của Madoff “có quy mô lớn chưa từng thấy” và từ chối đề nghị của ông ta.
Nguồn: VNExpress
Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán