Cuộc sống phía sau ánh hào quang của môi giới chứng khoán phố Wall
Thu nhập triệu đô nằm trong tầm tay, nhưng những môi giới kỳ cựu phố Wall khó lòng tìm được một cuộc sống dễ chịu bên trong cái mác doanh nhân thành đạt.
Năm 2003, Turney Duff có tổng thu nhập khoảng 1,9 triệu USD. Khi đó, người đàn ông này đang giữ vị trí nhân viên môi giới trụ cột của Argus Partners – quỹ đầu tư hàng tỷ USD chuyên tìm kiếm cơ hội từ những cổ phiếu ngành y tế.
Hơn 10 năm sau, cuộc sống của Turney Duff đã hoàn toàn khác với thu nhập ít ỏi, nhà cửa tuềnh toàng. Nhưng bản thân cựu môi giới chứng khoán này cho rằng, ông chưa từng được hạnh phúc hơn thế.
Cuộc sống sau mức lương 7 con số
Turney Duff hiện làm nghề viết sách. Ông là tác giả của cuốn bestseller “The Buy Side”. Mỗi tháng, Turney Duff phải trả 1.300 USD tiền thuê tại tầng 1 của một khu căn hộ, và phải chia sẻ không gian với rất nhiều người người khác.
“Giờ đây tôi sống trong một căn hộ tại trung tâm Long Island, dù nó không phải là sự lựa chọn ban đầu của tôi. Tôi có một chiếc Honada Civic cũ kỹ, và cố gắng viết vài trang sách mỗi ngày. Nhưng cuộc sống chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế”.
Ông viết trong một cuốn sách rằng, ngành tài chính từng chẳng có ý nghĩa nào trong cuộc đời mình. Khi đó, ông thậm chí còn chẳng biết Goldman Sachs là gì, mà chỉ nghĩ “cái tên đó nghe giống như tên một trung tâm mua sắm”.
Chuyển tới New York năm 1994 để tìm kiếm một công việc viết lách, như cộng tác với tòa báo hoặc tạp chí, nhưng Turney Duff buộc phải rẽ ngang sang làm cho Morgan Stanley – công ty của một người họ hàng – vì bị các đơn vị tuyển dụng từ chối.
Thế nhưng chỉ chưa đầy 10 năm sau, ông đã có thu nhập tới 7 con số, và Turney Duff vội vã thích nghi với cuộc sống mới. Ông dọn tới căn hộ rộng 300 m2 có giá thuê 9.300 USD một tháng tại Tribeca, tham dự những buổi tiệc thâu đêm, uống rượu và dùng chất kích thích.
Công ty liên tục tặng quà cho ông, khi thì vé hạng nhất xem một trận bóng bầu dục, lúc là trải nghiệm trực thăng. “Chẳng bao giờ là đủ. Tôi kiếm được 2 triệu USD, nhưng tự nhủ bản thân cố thêm chút nữa để được 3 triệu USD, và mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Thế rồi lại khát khao có nhiều hơn”.
Turney Duff dính vào cocain, buộc phải cai nghiện, rồi lại quay lại con đường cũ bởi những hóa đơn tiền nhà, tiền học, hóa đơn cho khoản thế chấp buộc ông phải lần nữa gắn bó với phố Wall. Mãi cho tới cuối năm 2009, Turney Duff mới có thể làm công việc mình yêu thích, dù lương bổng không cao.
Nghề của những áp lực
Từ lâu, phố Wall đã nổi danh là khu vực tập trung nhiều công ty chứng khoán và những tay “tổ” trong nghề môi giới. Tiền bạc không thiếu với những người có tài và may mắn, nhưng hạnh phúc thường không đi kèm.
Một giao dịch viên của Citigroup tâm sự với Business Insider rằng, cô chẳng có thời gian để vào nhà vệ sinh, bởi núi công việc dày đặc bắt đầu tư 6h30 tới 19h30, thậm chí là 21h30 tối.
Tuy nhiên, tính ra, số giờ làm việc của nhân viên thực tập này còn ít hơn một số đồng nghiệp tại các ngân hàng đầu tư. Công việc như vậy khiến họ kiệt sức, không muốn làm gì khi về đến nhà ngoài cố ngủ thật nhiều để tiếp tục guồng quay vào sáng sớm hôm sau.
“Hãy thử nghĩ tới việc bạn ngồi cả ngày ở một chỗ, dán mắt vào màn hình vi tính để không bỏ lỡ bất cứ điều gì (nếu bỏ lỡ, đó sẽ là thảm họa). Bạn không thể sao nhãng dù chỉ là một giao dịch nhỏ, không được để lỡ dù chỉ là một cuộc điện thoại. Và như thế là không có thời gian để đi vệ sinh nữa”, nữ nhân viên này nói.
Với những người mới, thời gian để thích nghi với công việc là cần thiết. Nhưng tại phố Wall, chẳng ai có đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Những người không theo kịp guồng quay sẽ cảm thấy mình giống như một gánh nặng. Họ thường bị chỉ trích bởi lãnh đạo trực tiếp, bị khách hàng la ó, rồi tự thất vọng về chính mình.
“Hình ảnh tuyệt vời của những môi giới là lượt, lái xe đẹp dường như chỉ có trên phim ảnh. Ở đây, chúng tôi ăn bánh mì kẹp ngay tại bàn làm việc, để sau đó gõ bàn phím trên những vụn bánh ấy, ngày qua ngày”.
Nguồn: zing