Đầu cơ như Jesse Livermore – Xây dựng một hệ thống tín hiệu chỉ dẫn
Cổ phiếu cũng giống như con người, có tên và tính cách. Có loại thì biến động mạnh mẽ, thất thường. Có loại thì đơn giản, tuân theo lôgic. Chúng ta có thể dự đoán được chúng sẽ hoạt động thế nào trong những điều kiện khác nhau.
Thị trường không bao giờ đứng yên. Cho dù nó rất buồn tẻ vào lúc này nhưng cũng không đứng yên ở một mức giá. Nó cũng sẽ dao động lên hoặc xuống trong biên độ hẹp. Khi một cổ phiếu có xu hướng rõ ràng thì nó sẽ đi theo đường xu hướng một cách tự động và nhất quán trong suốt tiến trình di chuyển của nó.
Khi bắt đầu xu hướng, bạn sẽ nhận thấy có một khối lượng lớn được bán với giá cao dần trong vài ngày trước đó. “sự điều chỉnh thông thường” theo định nghĩa của tôi, sẽ xuất hiện. Trong đợt điều chỉnh đó, khối lượng bán sẽ ít hơn lúc ở mức giá cao trong vài ngày trước. Đó chỉ là một sự điều chỉnh thông thường. Chúng ta đừng bao giờ sợ sự dịch chuyển bình thường mà hãy sợ hãi sự dịch chuyển không bình thường.
Trong 1 hoặc 2 ngày, cổ phiếu sẽ bắt đầu hoạt động trở lại theo xu hướng và khối lượng giao dịch tăng lên. Nếu đó thật sự là một xu hướng thì trong một thời gian ngắn, giá sẽ hồi lại và cổ phiếu sẽ được bán ở vùng giá cao hơn. Xu hướng sẽ tiếp diễn mạnh mẽ trong vài ngày với một vài điều chỉnh nhỏ ngắn ngủi. Giá cổ phiếu sẽ tiến đến một điểm thích hợp để có một “sự điều chỉnh thông thường” khác. Nó cũng xảy ra giống như sự điều chỉnh thông thường lần đầu tiên. Bất kỳ cổ phiếu nào cũng sẽ hoạt động theo kiểu cách đó khi nó ở trong một xu hướng xác định. Giai đoạn đầu của xu hướng, khoảng cách giữa đỉnh sau với đỉnh trước đó không chênh lệnh nhiều lắm, nhưng thời gian sau bạn sẽ thấy rằng tốc độ tiến lên nhanh hơn rất nhiều.
Lấy ví dụ: 1 cổ phiếu bắt đầu với giá $50. Vào giai đoạn đầu của xu hướng, có thể nó được bán với giá tăng dần đến $54. Trong vòng 1 hoặc 2 ngày, có thể nó sẽ điều chỉnh về mức $52.5 hoặc gần mức đó. Ba ngày sau nó tăng trở lại. Lần này, có thể nó sẽ tăng lên đến $59-$60 trước khi xảy ra một đợt điều chỉnh thông thường. Nhưng thay vì điều chỉnh $1-$1,5 thì nó có thể dễ dàng điều chỉnh giảm $3. Khi nó quay trở lại mức giá cao trước đó thì bạn sẽ nhận thấy rằng khối lượng bán không nhiều như ở giai đoạn đầu của xu hướng. Sẽ khó mua được cổ phiếu hơn. Trong trường hợp đó, đỉnh kế tiếp trong xu hướng sẽ cao hơn nhiều so với đỉnh trước đó. Cổ phiếu có thể dễ dàng tăng đến $68-$70 so với đỉnh $60 trước đó mà không cần có một sự điều chỉnh thông thường nào cả. Và khi một sự điều chỉnh thông thừơng xảy ra thì nó có thể rớt xuống đến $65 nhưng nó vẫn chỉ là sự điều chỉnh giảm bình thường mà thôi. Nhưng lần điều chỉnh này biên độ đến $5 hoặc gần như thế. Thời gian điều chỉnh sẽ không lâu trước khi cổ phiếu tăng giá trở lại và sẽ được bán ở vùng giá cao mới.
Đừng để diễn biến của cổ phiếu ru ngủ bạn. Để đạt được một mức lợi nhuận khả quan, bạn phải kiên nhẫn. Nhưng đừng kiên nhẫn đến nỗi đầu óc cứng đờ ra và bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Cổ phiếu bắt đầu tăng mạnh $6-$7 trong một ngày và có thể tăng với biên độ $8-$9 trong những ngày kế tiếp. Nhưng vào cuối phiên giao dịch thì đột nhiên sụt giảm bất thường với biên độ $7-$8. Nhưng đầu phiên giao dịch ngày hôm sau, nó lấy lại số điểm đã mất và quay trở về vùng giá cao. Một lần nữa cổ phiếu lại chinh phục đỉnh cao, thể hiện xu hướng lên rất mạnh. Nhưng những ngày tiếp theo thì nó không vượt lên được nữa.
Đó là một tín hiệu nguy hiểm. Trong suốt quá trình di chuyển, nó đã không có một sự điều chỉnh thông thường tất yếu nào cả. Khi một sự điều chỉnh bất bình thường bất ngờ xảy ra. Từ “bất bình thường” mà tôi nói có nghĩa là sự điều chỉnh giảm với biên độ $6 trở lên trong một ngày từ đỉnh cao của ngày hôm đó. Trước đó không có đợt điều chỉnh thông thường nào diễn ra như thế. Và khi thị trường có phản ứng bất thường như thế, thì đó là một tín hiệu nguy hiểm loé lên mà có thể bạn không nhận ra.
Bạn phải kiên nhẫn ngồi theo dõi cổ phiếu trong suốt quá trình di chuyển của nó. Bạn phải có sự can đảm và nhạy bén, chú trọng đến những tín hiệu nguy hiểm và thoát ra ngoài.
Tôi không khẳng định những tín hiệu nguy hiểm luôn luôn cho chúng ta sự cảnh báo chính xác. Bởi vì như tôi nói ở phần trước, không có quy luật nào bắt cổ phiếu phải hoạt động theo đúng khuôn mẫu 100%. Nhưng nếu bạn quan tâm đến nó thì về lâu dài bạn sẽ đạt được lợi nhuận đáng kể.
Một bậc thầy đầu cơ đã từng nói với tôi rằng: “Nếu ta thấy có dấu hiệu nguy hiểm thì ta sẽ không cãi lại nó mà thoát ra ngoài thị trường. Vài ngày sau, nếu thấy mọi việc ổn thoả thì ta sẽ vào lại thị trường. Như thế ta sẽ không phải lo lắng nhiều và đảm bảo giữ đươc tiền của mình. Nó cũng giống như khi ta đang đi trên đường ray xe lửa và nhìn thấy một chiếc xe lửa tốc hành đang lao về phía mình với tốc độ 60 dặm/h. Thế thì ta sẽ không ngu ngốc đến nỗi không nhảy ra khỏi đường ray và để cho chiếc xe lửa chạy qua. Sau khi xe lửa chạy qua, ta luôn có cơ hội để quay trở lại đường ray nếu ta muốn”. Đó là kiến thức mua bán đầu cơ được mô tả một cách sinh động mà tôi luôn ghi nhớ.
Nhà đầu cơ khôn ngoan luôn chú ý đến các dấu hiệu nguy hiểm. Nhưng vấn đề của hầu hết các nhà đầu cơ là họ không đủ can đảm để đóng lệnh khi họ nên làm điều đó. Họ do dự và trong khi do dự, họ thấy thị trường đi theo hướng ngược lại mất mấy điểm. Lúc đó họ lại nghĩ rằng “đợi nó hồi giá thì mình sẽ thoát ra”. Nhưng khi cổ phiếu tăng giá trở lại thì họ quên mất điều mình định làm, bởi vì khi đó tình hình trông có vẻ tốt đẹp. Tuy nhiên, sự tăng giá đó chỉ là tạm thời và nó sớm vỗ cánh bay đi, còn thị trường lại bắt đầu đi xuống thật sự. Và họ vẫn bị kẹt vì đã do dự. Nếu họ có sử dụng các tín hiệu chỉ dẫn thì nên làm theo những gì mà nó chỉ ra, như thế không chỉ giúp họ giữ được tiền mà còn tránh được sự lo lắng.
Tôi xin nhắc lại lần nữa, tính cách của con người chính là kẻ thù lớn nhất của mỗi nhà đầu tư và đầu cơ. Tại sao cổ phiếu nên tăng sau khi nó bắt đầu rơi xuống từ đỉnh cao? Tất nhiên nó sẽ phục hồi lại ở một mức độ nào đó, nhưng tại sao bạn lại hy vọng nó sẽ tăng ngay lúc bạn muốn nó tăng chứ? Khả năng là không xảy ra, mà nếu có xảy ra thì các nhà đầu cơ có tâm lý do dự có lẽ sẽ không tận dụng được cơ hội đó.
Tôi đang cố làm rõ một điều rằng một số người muốn xem việc đầu cơ như là một sự nghề kinh doanh nghiêm túc. Và tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa là hãy vứt suy nghĩ đó ra khỏi đầu đi. Không ai thành công trong việc đầu cơ hàng ngày hay hàng tuần. Chỉ có thể là vài lần trong năm, có thể là 4-5 lần. Thời gian quá độ còn lại, bạn sẽ đứng yên chờ thị trường chuẩn bị hình thành xu hướng lớn tiếp theo. Nếu bạn chọn thời gian chính xác để vào thị trường thì lệnh đầu tiên của bạn sẽ cho lợi nhuận ngay khi đặt. Còn sau đó thì bạn phải theo dõi sự xuất hiện của các tín hiệu cảnh báo nguy hiểm để thoát ra ngoài thị trường, chuyển lợi nhuận trên cổ phiếu của bạn thành tiền thật.
Hãy nhớ điều này: trong khi bạn không làm gì cả thì những những nhà đầu cơ ra vào thị trường hàng ngày, đang đặt nền tảng cho chuyến đầu cơ tiếp theo của bạn. Bạn sẽ hưởng lợi từ những sai lầm của họ.
Đầu cơ rất thú vị. Hầu hết những tay đầu cơ hộ của các văn phòng môi giới thường bàn với các bạn bè của họ về tình hình thị trường sau mỗi ngày làm việc. Họ quá mải mê với những biến động lên xuống nhỏ hẹp mà bỏ lỡ xu hướng lớn. Hầu như lúc nào cũng vậy, đa số đặt lệnh sai khi xu hướng lớn sắp diễn ra. Những nhà đầu cơ đang cố kiếm một chút lợi nhuận từ biến động nhỏ của thị trường mỗi ngày sẽ không bao giờ tận dụng được sự thay đổi quan trọng sắp tới của thị trường khi nó xảy ra.
Nhược điểm này có thể sửa chữa bằng cách thu thập sự thay đổi của giá cổ phiếu, nghiên cứu xem nó diễn ra như thế nào và cẩn thận nắm bắt yếu tố thời gian khi vào thị trường.
Cách đây nhiều năm, tôi có nghe nói về một nhà đầu cơ thành công xuất sắc. Ông ta sống ở vùng núi California và thường xuyên nhận những bảng liệt kê giá cổ phiếu của 3 ngày trước đó. Một năm, ông ta gọi điện cho nhà môi giới của mình ở San Francisco 2-3 lần và liệt kê các lệnh mua hoặc bán, tuỳ thuộc vào quan điểm về thị trường của ông ta.
Một người bạn của tôi làm việc ở văn phòng môi giới, bắt đầu tò mò và tìm hiểu. Cuối cùng thì anh ấy cũng được giới thiệu với ông ta và anh ấy hỏi người đàn ông sống ở vùng núi này làm thế nào ông ta có thể nắm bắt được hướng đi của thị trường chứng khoán khi sống ở một nơi xa xôi và tách biệt như thế.
Ông ta trả lời rằng: À, tôi đầu cơ chứng khoán, và tôi sẽ thất bại nếu tôi vướng vào cái đám lộn xộn và bị rối trí bởi những biến động nhỏ. Tôi muốn sống tách biệt ở một nơi mà tôi có thể suy nghĩ. Bạn thấy đấy, tôi đã thu thập các dữ liệu của thị trường và nó vẽ ra cho tôi một bức tranh rõ ràng về những gì thị trường đang diễn ra. Sự biến động thật sự không kết thúc ngay ngày nó bắt đầu. Cần có một khoảng thời gian để kết thúc một đợt biến động thật sự. Tôi lên núi sống và để cho những đợt biến động này đủ thời gian chúng cần. Nhưng khi tôi ghi giá mới vào trong bảng thu thập dữ liệu và nhận thấy rằng giá cổ phiếu không còn phù hợp với cách thức biến động vào thời gian trước đó. Ngay lập tức, tôi liên tưởng đến chuyện sắp xảy ra. Tôi đi xuống thị trấn và lao vào cuộc.
Chuyện đó đã xảy ra cách đây nhiều năm rồi. Người đàn ông sống ở vùng núi ấy kiếm được lợi nhuận từ thị trường cổ phiếu trong một thời gian dài. Chính ông ta đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết. Tôi thử gắn yếu tố thời gian vào tất cả các dữ liệu mà tôi thu thập được. Với sự kiên trì nỗ lực, tôi đã có thể gắn kết các dữ liệu với nhau và hết sức ngạc nhiên khi chúng giúp tôi tiên đoán được sự biến động sắp diễn ra.
Happy Live Team – Nguồn: Sách How to Trade in Stocks
Có thể bạn quan tâm:
Cách thức kinh doanh và đầu cơ cổ phiếu! – How to Trade in Stocks
Bí mật thành công của huyền thoại đầu cơ Jesse Livermore
trên thị trường chứng khoán