fbpx

Dạy con tư duy “lập dị” như ông bố người Do Thái

Thành công không nằm ở việc bạn dốc hết sức vào công việc nào đó, mà là cách bạn làm như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhiều năm trước, trong trại tập trung Auschiwitz của phát xít Đức, một người cha Do Thái đã nói với con trai rằng: “Bây giờ chúng ta không có của cải gì. Tài sản duy nhất mà chúng ta có chính là trí tuệ. Do vậy, khi người khác trả lời 1+1=2, con hãy tư duy rằng 1+1>2”.

Cậu con trai nghe xong nghiêm túc gật đầu. Sau đó, hai cha con may mắn sống sót.

Năm 1946, người cha dẫn con đến thành phố Houston (Mỹ) buôn bán đồ uống. Một hôm, người cha gọi con trai đến và hỏi:

“Con biết giá trị một cân đồng là bao nhiêu không?”

“Dạ thưa cha, 35 xu ạ” – cậu bé đáp chắc nịch.

“Không sai, bây giờ tất cả mọi người ở bang Texas đều biết giá mỗi cân đồng là 35 xu. Nhưng đối với người Do Thái chúng ta, con nên biết mỗi cân đồng nhiều hơn 35 xu. Con hãy thử dùng một cân đồng này làm khóa cửa xem sao” – ông bố từ tốn trả lời.

Nghe lời cha, người con dùng đồng làm khóa cửa, chế tạo dây cót đồng hồ Thụy Sỹ và làm huy chương cho thế vận hội Olympic. Anh đã bán một cân đồng với giá 3.500 đô la.

Năm 1974, chính phủ kêu gọi các công ty và tổ chức thanh lý phế liệu dưới chân tượng nữ thần tự do. Trong khi chẳng một công ty nào “mặn mà” với việc này, thì người con trai lập tức tới ký kết hợp đồng với chính phủ và bắt tay làm việc ngay khi biết tin.

Anh đem nung chảy những vật liệu đồng còn dư thừa và đúc thành một bức tượng nữ thần tự do loại nhỏ. Bùn đất và gỗ mục, anh chế biến gia công làm thành chân đế của bức tượng. Chì và nhôm anh làm thành những chiếc khóa và rao bán rộng rãi trên thị trường. Thậm chí, bụi bẩn trên tượng nữ thần, anh cũng sai người cạo xuống và bán cho những người trồng hoa.

Sau ba tháng, anh đã biến đống phế liệu đó thành một món tiền có giá lớn hơn cả 3.500 đô la Mỹ. Như vậy, giá trị của mỗi cân đồng đã tăng lên gấp hơn một vạn lần so với ban đầu.

Cậu bé người Do Thái đó chính là Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty Mc Call sau này.

Câu chuyện trên cho thấy giá trị thực sự không nằm ở bản thân sự vật mà nằm ở việc con người biết vận dụng đầu óc, trí tuệ để sử dụng vật đó thế nào. Đó cũng chính là tư duy khác biệt tạo nên người giàu và kẻ nghèo, khi tất cả mọi người cho rằng 1+1=2 thì bạn nên kiên trì quan điểm của mình 1+1>2.

Cùng một xuất phát điểm, cùng được cho một mỏ than trên núi để làm ăn, sinh lời và trở nên giàu có, nhưng người nghèo chỉ biết chăm chỉ đào than rồi mang ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn về hưởng thụ. Trong khi đó, người giàu lại biết dùng số tiền kiếm được để thuê thêm thợ về đào, giúp cho sản lượng tăng lên.

Chẳng mấy chốc, người giàu trở thành ông chủ, không cần cật lực đào than vẫn có tiền; còn người nghèo thì chỉ biết hùng hục đào xới than và kiếm đủ tiền lo cho bữa ăn hàng ngày. Và đến khi cuộc sống không diễn ra như mong đợi, người nghèo lại oán trách số phận và cuộc đời bất công với mình. Vì sao vậy?

Tất cả nằm ở sự khác biệt trong tư duy! Thành công không nằm ở việc bạn dốc hết sức vào công việc nào đó, mà là cách bạn dốc sức như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất.

Tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates từng nói rằng: “Sinh ra trong nghèo đói không phải là tội của bạn; nhưng nếu chết trong nghèo đói thì đó hoàn toàn là lỗi của bạn”. Vì thế, bạn đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay đòi hỏi sự công bằng khi làm giàu. Sự giàu có nằm trong tay bạn, chỉ là bạn có biết nắm bắt lấy nó hay không.

Nguồn: Cafef

Các viết cùng chủ đề