fbpx

Đây là cách các quỹ đầu tư nắm giữ gần 8 nghìn tỷ USD điều chỉnh danh mục để né tránh những biến động dữ dội của thị trường

Nhiều quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đã chuyển hướng sang thị trường tư nhân. Nhờ đó, họ đã né tránh được tác động từ những đợt rung lắc mạnh của thị trường do lạm phátlãi suất tăng cao.

Câu hỏi lớn đối với dành cho các nhà đầu tư tổ chức này, từ quỹ đầu tư quốc gia 1,2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc cho đến quỹ hưu trí California, là những khoản đặt cược này sẽ phát huy hiệu quả trong bao lâu khi triển vọng kinh tế ngày càng mờ mịt.

Theo phân tích của Bloomberg về các tài liệu đầu tư, 10 quỹ đầu tư toàn cầu lớn nhất đã tăng tỷ trọng nắm giữ đối với tài sản trên thị trường tư nhân, như cổ phần tư nhân, tín dụng, bất động sản, cơ sở hạ tầng và quỹ phòng hộ, thêm 1/4 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sự điều chỉnh này phần lớn diễn ra đối với các loại tài sản là cổ phiếu và trái phiếu đối với các quỹ quản lý 7,7 nghìn tỷ USD, từ các quỹ hưu trí ở Nhật Bản cho đến Canada và quỹ đầu tư quốc gia từ Na Uy đến Trung Đông. China Investment Corp. thay đổi chiến lược quyết liệt nhất, khi đưa tỷ trọng tài sản tư nhân từ mức gần như 0 vào năm 2008 lên đến gần 1/2 danh mục.

Theo Bloomberg, tài sản tư nhân có thể khó bán hơn và ít được định giá lại, nhưng xu hướng này đã giúp các quỹ bù đắp một số khoản lỗ. Việc các NHTW thắt chặt chính sách đã xoá sạch 1/4 vốn hoá của TTCK và 1/5 giá trị thị trường trái phiếu trong năm nay, điều tồi tệ có thể còn chưa kết thúc. Trong khi đó, giá trị vốn cổ phần tư nhân ở Mỹ được dự báo sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các loại tài sản chính trong thập kỷ tới, theo dữ liệu được BlackRock tổng hợp.

Đây là cách các nhà đầu tư nắm giữ gần 8 nghìn tỷ USD điều chỉnh danh mục để né tránh những biến động dữ dội của thị trường - Ảnh 1.

Tỷ trọng của tài sản tư nhân trong danh mục của các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới năm 2008 và 2022.

Kim Bowater – giám đốc tư vấn của Frontier Advisors, nhận định: “Cổ phiếu có thể còn lao dốc mạnh hơn nữa và trái phiếu cũng đối mặt với rủi ro khi lãi suất tăng. Nhiều thành phần trong danh mục – có những cách hoạt động khác nhau, sẽ sinh lời trong khi tài sản truyền thống biến động.”

Giá trị bất động sản chưa niêm yết tăng 7,1% đã giúp quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy hạn chế mức giảm 14,4% đối với tỷ suất sinh lời trong năm nay. Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu giảm 21% trong cùng thời kỳ và trái phiếu mất 14%. Danh mục đầu tư thay thế của Quỹ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc (NPS) tăng 7,3%, giúp tỷ suất lợi nhuận chỉ giảm 8%.

Quỹ Hưu trí của chính phủ Nhật Bản đã chứng kiến các khoản đầu tư thay thế mang lại mức lợi nhuận 21,4% trong năm nay tính đến cuối tháng 3 – thời điểm gần nhất công bố hiệu suất đầu tư, gấp 4 lần so với toàn bộ danh mục.

Tuy nhiên, hiệu suất đầu tư vượt trội như vậy vẫn chưa phải là những khoản đầu tư thực sự ổn định. Chi phí đòn bẩy được sử dụng để tài trợ cho những khoản đầu tư lớn đã tăng lên khi lãi suất cao hơn. Các tài sản chưa niêm yết cũng ít khi được định giá, thường là được điều chỉnh theo thị trường (mark to market).

David Elms – trưởng bộ phận đa dạng hoá tài sản thay thế tại Janus Henderson, cho biết: “Đầu tư tài sản tư nhân cũng có nhiều vấn đề. Thị trường liên tục đi xuống, còn tài sản này sẽ phải mất nhiều lần định giá.”

Các chuyên gia của tổ chức đầu tư thuộc Đại học Harvard gần đây đã đưa ra lời cảnh báo, dù tài sản tư nhân đã giúp quỹ đầu tư của trường này hạn chế thua lỗ trong năm gần nhất. N.P. “Narv” Narvekar – CEO của Harvard Management Co., nhận định, “các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đã làm tốt nhưng danh mục của họ không phản ánh điều kiện chung của thị trường.”

Tuy nhiên, các tài sản như đường cao tốc thu phí và sân bay có thể dễ dàng điều chỉnh giá, tạo ra hàng rào hiệu quả để chống lạm phát. Chỉ số theo dõi các công ty cơ sở hạ tầng đã niêm yết trên toàn cầu chỉ ghi nhận mức giảm 1 nửa so với thị trường chứng khoán trong năm nay.

Các khoản đầu tư tài sản tư nhân của China Investment Corp. bao gồm 1 cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 1 quỹ được Goldman Sachs thành lập để đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ. Quỹ 1,1 nghìn tỷ USD của Na Uy không nắm giữ cổ phần tư nhân nhưng đã tạo dựng cổ phần trong các cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, bao gồm 1 trong những trang trại gió lớn nhất thế giới.

Đây là cách các nhà đầu tư nắm giữ gần 8 nghìn tỷ USD điều chỉnh danh mục để né tránh những biến động dữ dội của thị trường - Ảnh 2.

Chỉ số theo dõi hiệu suất đầu tư của các tài sản, chiến lược khác nhau: 60/40, cơ sở hạ tầng và quỹ phòng hộ.

Các quỹ phòng hộ vĩ mô toàn cầu – vốn đặt cược vào tác động của các sự kiện kinh tế và chính trị, cũng đang có thành tích tốt. Chỉ số do Credit Suisse theo dõi hàng tháng về chiến lược này đã tăng hơn 1/5 trong năm nay tính đến hết tháng 8.

Quỹ đầu tư quốc gia 150 tỷ USD của Úc sở hữu hơn 1 nửa tài sản là tài sản thay thế. Future Fund đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các quỹ vĩ mô toàn cầu vào năm ngoái sau khi dự báo chính xác về tác động của tình trạng deglobalization (chống toàn cầu hoá) và những vấn đề địa chính trị sẽ thúc đẩy làm phát tăng cao hơn.

Xu hướng này cũng cho thấy, việc các quỹ lớn điều chỉnh chiến lược đầu tư sang các tài sản tư nhân không được giao dịch thường xuyên cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng, không thể lường trước cho thị trường. Các nhà đầu tư buộc phải bán bớt các khoản nắm giữ có thanh khoản cao nhất trong danh mục (thường là cổ phiếu và trái phiếu) ở thời điểm căng thẳng. Theo đó, áp lực bán trên thị trường niêm yết càng tăng cao.

Động thái này diễn ra vào tháng trước, khi các quỹ hưu trí của Anh né được “thảm hoạ” trong phút chót. Khi trái phiếu chính phủ sụt giảm mạnh, các quỹ này buộc phải bán nhiều trái phiếu hơn để tăng tài sản đảm bảo hỗ trợ các vị thế phái sinh. Sau đó, thị trường nợ đã bị xáo trộn và buộc NHTW Anh phải mua trái phiếu để kiểm soát biến động.

Hiện tại, nhà đầu tư đang ở trạng thái cảnh giác cao độ. Rủi ro của những đợt biến động tương tự có thể trở nên căng thẳng hơn khi nhiều khả năng điều kiện tài chính sẽ được thắt chặt hơn, mâu thuẫn ở châu Âu và tốc độ tăng trưởng giảm tốc ở các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Hoai An Le (theo CafeF)

TÂM SỰ ĐẦU TƯ

Các viết cùng chủ đề