Để kích hoạt 1 tỷ USD đang chờ giải ngân của khối ngoại
Giá trị của một công ty không thay đổi trong T+3 hay T+30, khi thị trường giảm sâu ắt sẽ có cơ hội mở ra tại các doanh nghiệp phát triển bền vững bị định giá thấp.
Vn-Index đã có một tuần giảm điểm liên tục, mất 75 điểm sau 6 phiên do ảnh hưởng từ diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thế giới. Lần giảm điểm này khác so với giai đoạn trước, không có sự hoảng loạn, bán tháo ồ ạt trên diện rộng, không có những lời cảnh báo trên truyền thông, nhưng cổ phiếu bị bán âm thầm lặng lẽ cho dù thị trường đang vào mùa kết quả kinh doanh.
Bán tháo ồ ạt, tiền chuyển qua phái sinh
Ngày hôm qua (24/10), phái sinh bùng nổ thanh khoản, lên mức cao nhất trong 2 tháng trở lại đây. Nếu nhìn vào số liệu của thị trường phái sinh, với giá trị giao dịch lên đến 14.764 tỷ, tức là tiền thật đang giao dịch trên thị trường phái sinh gần 1.500 tỷ/phiên.
Các môi giới thi nhau gọi điện cho khách hàng chuyển tiền qua giao dịch trên thị trường phái sinh để được lợi thế T+0. Số lượng hợp đồng mở qua đêm cũng tăng vọt lên hơn 18.000 hợp đồng/phiên, cao nhất trong 1 năm trở lại đây, cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh đã tự tin hơn rất nhiều khi cầm trạng thái qua đêm sau chuỗi giảm điểm liên tục của VN-Index và VN30-Index. Nhiều nhà đầu tư đã kiếm lời lớn khi short VN30-Index ở vùng 1.000 điểm, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ mất tiền khi nghĩ rằng sẽ có phiên hồi khi chỉ số về vùng 900.
Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay nhìn vào Dow Jones và chứng khoán châu Á, theo dõi giá dầu quốc tế trong khi các thông tin về kết quả kinh doanh hoàn toàn miễn nhiễm ở thời điểm hiện tại.
Dow Jones đã giảm 6% kể từ đầu tháng 10, nhưng lịch sử DJ đã từng có thời kỳ tăng mạnh vào tháng 1/2018 từ 23.000 điểm lên 26.600 điểm và điều chỉnh mạnh cho đến cuối tháng 2, nhiều nhà đầu tư đã từng lo ngại DJ sẽ rơi vào trạng thái thị trường gấu sau khi tăng liên tục kể từ khi Donald Trump trúng cử Tổng thống. Thực tế cho thấy DJ đã hồi phục trở lại trong suốt giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 10 và thời điểm này hành động của các nhà đầu tư đơn giản là chốt lời.
Mối liên hệ giữa DJ và Vn-Index trong nửa cuối năm 2018 gần như đồng pha, và nhà đầu tư lấy diễn biến của DJ làm kim chỉ nam để short hay long phái sinh vào giờ mở cửa. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, DJ tăng liên tục trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, trong khi giai đoạn này Vn-Index điều chỉnh rất mạnh.
Thị trường “miễn nhiễm” với thông tin tốt
Một số thông tin tác động bên lề ảnh hưởng đến nhóm ngành như giá dầu tăng vọt lên 80 USD/thùng đã kéo theo ngành dầu khí tăng mạnh mẽ trong giai đoạn tháng 9 và đầu tháng 10, nhóm cổ phiếu ngành dệt may cũng hưởng lợi từ các thông tin về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Nhưng khi giá dầu giảm, hầu hết các cổ phiếu ngành khác bị bán ồ ạt không lí do, cho dù có kết quả kinh doanh vượt trội. Giá dầu tăng chỉ có ngành dầu khí hưởng lợi, nhưng giá dầu giảm sẽ giảm áp lực cho lĩnh vực logistics, giảm sức ép lên lạm phát và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng như ACB 9 tháng lãi gấp 2,4 lần, Techcombank tăng 61%, MBB tăng 50%, nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch năm sau 9 tháng như Dabaco (DBC), Vĩnh Hoàn (VHC), Thủy sản Bến Tre (ABT), GAS (9 tháng lãi 9.080 tỷ, tăng 50% cùng kỳ), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR – 9 tháng lãi 4.600 tỷ, vượt 32% chỉ tiêu), các cổ phiếu chứng khoán như SSI 9 tháng đầu năm nay cũng báo lãi tăng gần 58%. Tuy nhiên ngoại trừ GAS và VHC tăng điểm, hầu hết các cổ phiếu khác đều bị bán mạnh.
Trong báo cáo tháng 9 của Dragon Capital, DC đánh giá tăng trưởng EPS năm 2018 của các doanh nghiệp Việt Nam ở mức 20,3%, PE thị trường ở mức 15,4 lần và PE 2019 ở mức 13,8 lần. Trong tháng 10 Vn-Index giảm 10,52% như vậy mức PE 2019 của thị trường Việt Nam hiện tại về còn khoảng 11 lần, quay lại mức hấp dẫn trước giai đoạn tăng nóng của năm 2017.
1 tỷ USD của khối ngoại chờ giải ngân
Mỗi thị trường đều có một câu chuyện riêng. Khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài đều cho thấy Việt Nam vẫn là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Trong bối cảnh dòng vốn rút tại thị trường mới nổi, Việt Nam vẫn được rót ròng 2,89 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay.Số liệu của Ủy ban chứng khoán cho thấy số dư tiền mặt trên tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đang ở mức 1 tỷ USD (tương đương 23.600 tỷ) sẵn sàng chờ giải ngân. Ngoài Dragon Capital, VinaCapital, hiện thị trường đón nhận dòng tiền mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, một số quỹ mới như KITMC hiện NAV trên 1,3 tỷ USD, năm 2018 huy động quỹ mới khoảng 300 triệu USD nhưng các quỹ này chưa giải ngân nhiều.
Hiện tại nhà đầu tư vẫn đang theo dõi chặt chẽ đường đi của lãi suất, thời kỳ tiền rẻ có lẽ đã kết thúc. Để thị trường tăng điểm bền vững, nhất thiết phải thu hút được sự tham gia của dòng tiền mới, một câu chuyện mới đủ để hấp dẫn dòng tiền trở lại.
VN-Index được vào rổ theo dõi nâng hạng thị trường của FTSE là một điểm sáng được nhắc đến trong bài phát biểu trước quốc hội của Thủ tướng. Luật Chứng khoán sửa đổi nếu được thông qua sẽ là cú hích lớn tăng minh bạch cho thị trường và bảo vệ nhà đầu tư. Trong nội dung lấy ý kiến sửa Luật chứng khoán sửa đổi, room ngoại đã được mở lên 100% thay vì 49% như trước kia, trừ các doanh nghiệp bị giới hạn bởi ngành nghề riêng. Nhưng một điểm đáng chú ý ở đây là room ngân hàng vẫn chưa được nhắc đến do bị giới hạn của Luật tổ chức tín dụng.
Phiên đấu giá cổ phần của MBB trong tháng 10 thất bại, chỉ bán đấu giá thành công 10.000 cổ phiếu với giá 21.900 đồng/cp, với mức giá này PE của MBB đang giao dịch dưới 10, thấp hơn trung bình ngành. Lý do là khối ngoại đã kín room ở MBB, trong khi khối nhà đầu tư nội chỉ thích mua trên sàn. Không chỉ MBB, nhiều ngân hàng đang niêm yết đang hết room như ACB, VPB, CTG. Nếu một cú hích đủ lớn, đó phải là việc thay đổi tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại các ngân hàng và việc giảm thời gian thanh toán cổ phiếu từ T+3 xuống T+2 hoặc cho phép giao dịch trong ngày daytrading.
Trong báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định năm 2019 Chính phủ phát triển mạnh các thị trường vốn, chứng khoán, có cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực. Để quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra đúng tiến độ, nhất thiết cần phát triển TTCK bền vững.
Chứng khoán đang ngày càng đóng vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Giá trị của một công ty không thay đổi trong T+3 hay T+30, khi thị trường giảm sâu ắt sẽ có cơ hội mở ra tại các doanh nghiệp phát triển bền vững bị định giá thấp.
Nguồn: NDH