Định giá chuỗi Phúc Long tăng gấp 6 lần sau hơn một năm về tay Masan
Mới đây, Tập đoàn Masan đã chi hơn 3.600 tỷ đồng để mua thêm cổ phần tại CTCP Phúc Long Heritage (đơn vị sở hữu chuỗi Phúc Long), qua đó góp phần giúp nâng mức định giá chuỗi đồ uống này tăng gấp 6 lần sau hơn một năm.
Vừa qua, Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét, trong đó đáng chú ý có một sự kiện diễn ra vào ngày 1/8.
Cụ thể, Công ty TNHH The SHERPA, một công ty con sở hữu gián tiếp của Masan đã mua 10.837.000 cổ phiếu phổ thông, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của CTCP Phúc Long Heritage, đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Phúc Long, với tổng số tiền thanh toán là hơn 3.600 tỷ đồng. Như vậy, nhờ kết quả của giao dịch này, lợi ích vốn chủ sở hữu của Masan trong Phúc Long Heritage đã tăng từ 51% lên 85%.
Với những con số trên, mức định giá của chuỗi Phúc Long đã được nâng lên khoảng 10.640 tỷ đồng (hơn 450 triệu USD). Trước đó, vào tháng 5/2021, Masan công bố thỏa thuận mua lại 20% cổ phần CTCP Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD.
Khi ấy, Phúc Long được định giá 75 triệu USD. 8 tháng sau, Masan chính thức thâu tóm Phúc Long khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% với 31% cổ phần mua thêm trị giá 110 triệu USD, tương đương mức định giá 355 triệu USD.
Như vậy, chỉ sau hơn một năm về tay Masan, mức định giá của chuỗi đồ uống Phúc Long đã tăng gấp 6 lần.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét của Masan, khoản lãi từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trước đây tại ngày kiểm soát công ty con đạt hơn 516 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, trong văn bản công bố thông tin lợi nhuận nửa đầu năm nay, Masan cũng cho biết Phúc Long Heritage đạt doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) đạt 117 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2021 do gia tăng đầu tư vào mở rộng chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động.
Trước khi về tay Masan, dù doanh thu cao, song lợi nhuận sau thuế của Phúc Long chỉ khoảng vài tỷ đồng. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này ghi nhận lãi 20 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng lãi năm 2017.
Theo Masan, trong nửa cuối năm nay, Phúc Long Heritage đặt mục tiêu đẩy nhanh việc mở mới các cửa hàng flagship để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, công ty cũng ra mắt các thức uống mới để mô hình kiosk Phúc Long thành công hơn nữa. Ngoài ra, chuỗi cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 2022 từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng.
Cơ hội mở rộng quy mô của Phúc Long trên thị trường trà sữa trị giá hơn 300 triệu USD của Việt Nam
Mới đây, một báo cáo của Momentum Works và qlub đã tiết lộ người tiêu dùng Đông Nam Á hiện đang chi 3,66 tỷ USD mỗi năm cho trà sữa và các loại đồ uống “trà mới” tương tự. Cụ thể, quy mô thị trường trà sữa tại Việt Nam đạt 362 triệu USD trong năm 2021.
Bên cạnh đó, theo công ty dịch vụ tư vấn Fortune Business Insights, giá trị thị trường trà sữa toàn cầu đạt 2,02 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 3,39 tỷ USD vào cuối năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,2% trong giai đoạn trên.
Theo dữ liệu từ Statista, tính đến tháng 4, số lượng cửa hàng Phúc Long trên toàn quốc là 84, thuộc vào top những chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng nhiều nhất tại Việt Nam. Những con số bên trên chỉ ra rằng các chuỗi cửa hàng như Phúc Long có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô trên thị trường trà sữa Việt.
Trong suốt năm 2021, Masan đã đẩy nhanh mô hình “mini-mall” qua sự kết hợp của kiosk Phúc Long với WinMart+. Dựa trên thử nghiệm này, Masan đã tiến xa hơn khi xây dựng mô hình mini-mall, tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (ngân hàng) và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một điểm phục vụ duy nhất.
Trong năm 2021, 5 cửa hàng thí điểm hoạt động theo mô hình mini-mall đã giúp gia tăng 30% lưu lượng khách hàng so với cửa hàng trước khi áp dụng mô hình này. Mini-mall còn giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng/ngày.
Chia sẻ về quyết định mua Phúc Long, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group cho hay: “Đây chỉ mới là điểm khởi đầu trên con đường xây dựng hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, giúp đẩy mạnh tăng trưởng và mang đến các giá trị vượt trội. Masan đặt mục tiêu chuyển đổi WinCommerce từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline”.
Hà An
Có thể bạn quan tâm: SIÊU CÒ – SIÊU SAO BÁN HÀNG