Đồng Nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất 14 năm sau khi Trung Quốc bị WB hạ triển vọng tăng trưởng
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD tiếp tục sụt giảm và xuống mức thấp nhất 14 năm trong sáng nay (28/9), một ngày sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) mạnh tay hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Theo dữ liệu từ trang CNBC, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục và ngoài đại lục trượt qua mốc 7,2 Nhân dân tệ đổi 1 USD, thấp nhất kể từ đầu năm 2008.
Hôm thứ Hai tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức hơn 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn 2 năm. Đây là mức tỷ giá tham chiếu thấp nhất của Nhân dân tệ kể từ tháng 7/2020, phá vỡ vùng tâm lý 6-7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Cùng ngày, PBOC thắt chặt một quy định kỹ thuật nhằm hạn chế các nhà giao dịch đặt cược lớn vào sự giảm giá sâu hơn của Nhân dân tệ.
Chuyên gia kinh tế Peiqian Liu thuộc NatWest Markets nhận định rằng quyết định của Trung Quốc để cho ngưỡng tỷ giá tâm lý 7 Nhân dân tệ/USD bị phá vỡ, đồng thời điều chỉnh quy định để ngăn bớt việc bán khống Nhân dân tệ, “về cơ bản có nghĩa là PBOC không muốn cố gắng bảo vệ bất kỳ mức tỷ giá cụ thể nào, mà chỉ làm chậm lại tốc độ giảm giá của đồng nội tệ”.
Theo giới phân tích, đồng Nhân dân tệ đang chịu áp lực giảm giá đồng thời từ xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc dưới áp lực từ chính sách Zero Covid và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản.
Đồng USD lập kỷ lục mới của 20 năm trong phiên sáng nay, với chỉ số Dollar Index có vượt 114,5 điểm. Chỉ trong vòng 5 phiên trở lại đây, chỉ số này đã tăng hơn 3,5%, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 19,4%. Bạc xanh đang hưởng lợi từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dẫn trước trong cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu, cũng như nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư khi thị trường tài chính biến động mạnh. Không chỉ Nhân dân tệ, nhiều đồng tiền khác trên thế giới như Yên Nhật, Bảng Anh, Euro… cũng đang mất giá nghiêm trọng so với USD.
Về triển vọng kinh tế Trung Quốc, báo cáo công bố ngày 27/9 của WB đưa ra một cái nhìn u ám.
Định chế có trụ sở ở Washington hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 nhưng cho rằng tốc độ tăng trưởng của 22 nền kinh tế láng giềng của Trung Quốc trong năm nay sẽ cao gấp đôi so với năm ngoái nhờ hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các quy định chống Covid và sự phục hồi của ngành du lịch. Do vậy, năm nay sẽ là năm đầu tiên kể từ 1990, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.
Theo WB, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 4,3% đưa ra hồi tháng 6. Dự báo mới của WB về kinh tế Trung Quốc u ám hơn so với nhận định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mới đây cho rằng Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 3,3% cả năm nay.
Tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn 3,3% từ mức 5% đưa ra hồi tháng 4. Nhiều tổ chức thuộc khu vực tư nhân như Goldman Sachs, Nomura hay S&P Global Ratings cũng đồng loạt cắt giảm triển vọng kinh tế Trung Quốc trên cơ sở triển vọng kinh tế toàn cầu yếu đi và khả năng nước này duy trì chính sách Zero Covid.
“Thành công của Trung Quốc trong việc kiềm chế sự lây lan của Covid-19 đi kèm với tổn thất lớn về kinh tế”, báo cáo của WB có đoạn viết, đồng thời nhấn mạnh về ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ sự sụt giảm của thị trường bất động sản đang chìm sâu trong khủng hoảng.
Khu vực được đề cập trong báo cáo mới nhất của WB bao gồm Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Nam Á, cùng các đảo quốc Thái Bình Dương như Samoa và Tonga. Báo cáo bao trùm 23 nền kinh tế, trong đó không có những nền kinh tế phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Nếu không bao gồm Trung Quốc, khu vực sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay, từ mức 2,6% ghi nhận trong năm 2021. Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng 7,2%; Philippines 6,5%; Malaysia 6,4%; và Indonesia 5,1%.
“Trong khu vực, chúng tôi nhận thấy một sự đảo ngược vai trò”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói với tờ Wall Street Journal, đề cập đến việc Trung Quốc tụt lại phía sau, trong khi các nền kinh tế khác vươn lên nắm lấy vai trò dẫn dắt tăng trưởng khu vực.
Tuy nhiên, WB nói rằng triển vọng kinh tế của khu vực này đang đối mặt với rủi ro từ cuộc đua tăng lãi suất để chống lạm phát triển toàn cầu. Chính sách thắt chặt có thể gây tổn hại đối với tăng trưởng toàn cầu và làm gia tăng gánh nặng tài chính ở những thị trường mới nổi có mức độ vay nợ lớn.
Hà An
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live