Dòng vốn ngoại vẫn đang “ở lại và tìm cơ hội giải ngân” tại Việt Nam
Không phủ nhận hiện tượng khối ngoại bán ròng trên TTCK, nhưng tính chung, dòng vốn ngoại vẫn “vào nhiều hơn ra”. Vì thế, bên cạnh chính sách vĩ mô hợp lý, thông tin về kinh tế vĩ mô, “sức khỏe” doanh nghiệp cần đưa ra đầy đủ, chính xác để NĐT yên tâm đầu tư ở Việt Nam.
Đây là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian gần đây và hoạt động của dòng vốn ngoại từ đầu năm tới nay.
* PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán bất ngờ điều chỉnh mạnh trong hai phiên đầu tuần, khiến chỉ số giảm sâu và áp lực bán ra rất lớn. Xin ông cho biết tình hình, cũng như một số đánh giá khái quát của UBCKNN về diễn biến này của thị trường?
– Ông Trần Văn Dũng: Tính từ ngày 1/6 đến nay, TTCK Việt Nam chứng kiến các phiên tăng giảm đan xen. So với mốc cao nhất (ngày 9/4), VN-Index đã giảm khoảng 20% và đã xuống thấp hơn thời điểm đóng của ngày 31/12/2017 (984,24 điểm).
“Trong điều kiện thị trường xuống thấp, đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư dài hạn tái cấu trúc danh mục đầu tư. Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, xét về đầu tư dài hạn đây là thời điểm giá cổ phiếu ở các thị trường quốc tế và Việt Nam là khá hợp lý để mua vào. Ở mặt bằng giá hiện tại, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam khoảng 17 lần, là mức thấp so với nhiều TTCK quốc tế.” – Ông Trần Văn Dũng nhận định.
Riêng với hai phiên giao dịch ngày 18, 19/6, đây là hai piên giảm điểm mạnh nhất từ đầu tháng tới nay. Cụ thể, VN-Index xuống dưới 1.000 điểm trong ngày 18/6 và tiếp tục giảm sâu về mức 962,16 điểm trong ngày 19/6. Tính chung trong hai ngày, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 5,42% và HNX-Index cũng đã giảm khoảng 5,03%.
Thanh khoản của thị trường ngày 18/6 cũng giảm mạnh về mức 5.410 tỷ đồng, giảm 26% so với mức trung bình tháng 5/2018; nhưng đã tăng trở lại vào ngày 19/6 đạt hơn 7.900 tỷ đồng, tăng 8,2% so với mức trung bình tháng trước và đồng thời cũng là mức cao nhất trong 2 tháng gần đây. Điều này phần nào cho thấy đã xuất hiện một phần dòng tiền bắt đáy sau một số phiên giảm mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã bán ròng mạnh trong ngày 18/6 với giá trị hơn 510 tỷ đồng, tuy nhiên áp lực bán ròng đã giảm vào ngày 19/6 chỉ còn khoảng 120 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng, việc thị trường giảm điểm mạnh trong hai phiên đầu tuần chủ yếu do sự tác động đến từ các yếu tố kinh tế, thương mại, chính trị thế giới. Rõ nét nhất là việc nhiều TTCK trên thế giới đều giảm mạnh trong phiên đầu tuần, đặc biệt là Trung Quốc khi lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Trước đó, ngày 13/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã quyết định tăng lãi suất đồng USD và truyền đi thông điệp sẽ tăng tiếp 2 lần nữa trong năm nay – thông tin này tác động mạnh mẽ tới quyết định tái cơ cấu lại dòng vốn của các quỹ ngoại trên toàn cầu.
Đối với tình hình trong nước, việc các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng tỷ giá USD trong sáng 19/6 cũng phần nào làm ảnh hưởng tới thị trường tài chính nói chung. Riêng với TTCK Việt Nam, thị trường đang chịu áp lực tâm lý lớn từ động thái bán ròng của khối ngoại, cũng như áp lực bán giải chấp của nhiều nhà đầu tư đã khiến thị trường giảm điểm mạnh.
* PV: Thưa ông, thị trường giảm điểm là tổng hòa của nhiều yếu tố, tuy nhiên việc bán ròng của khối ngoại đang tạo ra tâm lý lo ngại rất lớn cho toàn thị trường. Ông có chia sẻ gì về động thái khối ngoại, cũng như dòng tiền ngoại trên TTCK Việt Nam thời gian gần đây?
– Ông Trần Văn Dũng: Tuần trước, khi FED tăng lãi suất cơ bản lần thứ hai và dự báo các ngân hàng trung ương châu Âu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, đã đẩy lợi tức trái phiếu của Mỹ tăng lên mức cao nhất 5 năm. Điều này khiến NĐTNN trên toàn cầu bắt đầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á.
Tính tới thời điểm này, theo dữ liệu từ Bloomberg, NĐTNN đã rút khoảng 19 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Do vậy, với độ mở nhất định của TTCK Việt Nam như hiện nay, sự tác động cũngsẽ không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chúng tôi khẳng định rằng, trên TTCK Việt Nam mặc dùkhối ngoại hiện đang bán ròng, một số quỹ rút vốn, nhưng thống kê cho thấy, dòng vốn ngoại vẫn vào Việt Nam nhiều hơn ra.
Số liệu thống kê từ UBCKNN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, tính chung, dòng vốn ngoại vào vẫn đang nhiều hơn dòng ra và tiền vẫn đang nằm ở đây.
Cụ thể, tính từ 1/1/2018 đến ngày 12/6/2018, vốn nước ngoài vào ròng ước đạt 2,41 tỷ USD, so với mức 2,9 tỷ đôla của cả năm 2017 và đặc biết là dòng vốn vào mạnh tập trung vào tháng 4, tháng 5.
Về giá trị danh mục và giao dịch của NĐTNN vẫn tiếp tục tăng so với thời điểm cuối năm 2017. Theo thống kê của chúng tôi, giá trị danh mục của NĐTNN tính tới ngày 12/6/2018 vẫn tăng khoảng hơn 14,6% so với thời điểm cuối năm 2017 và nếu so sánh với cuối năm 2016, tổng giá trị danh mục đã tăng hơn gấp đôi.
* PV: Như thông tin ông vừa cho biết thì dòng vốn ngoại vẫn đang nằm lại Việt Nam, việc khối ngoại bán ròng có thể chỉ là đảo danh mục hoặc chờ cơ hội để tiếp tục giải ngân. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
– Ông Trần Văn Dũng: Nếu tính từ thời điểm thời điểm thị trường tạo đáy gần nhất (29/5) đến nay, NĐTNN đã bán ròng khoảng 2.237 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới nay, giao dịch mua ròng của khối ngoại vẫn là con số “dương”. Cụ thể, từ 1/1/2018 đến 19/6/2018: 36.654 tỷ đồng, tuy nhiên cần lưu ý trong thời gian này có nhiều giao dịch mua thỏa thuận lớn của NĐTNN.
Thống kê của chúng tôi cho thấy, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay khối ngoại đãđầu tưvốn khá lớnvào các đợt IPO DNNN cuối 2017 và đầu 2018 như: Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power…., cũng như tập trung vào các cổ phiếu mới lên sàn (Vincom, Techcombank, VRE…).
Những số liệu trên cho thấy, dòng chảy của vốn ngoại vẫn âm thầm chọn những địa chỉ tiềm năng để ở lại. Đến thời điểm hiện tại, tính tổng thể, dòng tiền NĐTNN chưa rút khỏi Việt Nam như nhiều thị trường mới nổi và trong khu vực.
Dòng vốn quan trọng này vẫn vào – ra hàng ngày theo các kênh khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp), nhưng tựu chung lại vẫn đang “vào nhiều hơn ra”. Chính vì vậy, chúng ta vẫn có thể có kỳ vọng tích cực đối với dòng vốn ngoại, bởi tiền đang ở lại thị trường và chờ thời cơ thích hợp để giải ngân. Điều này được chứng minh qua số dư về tiền mặt của các quỹ, theo quan sát của chúng tôi, con số này vẫn đang tương đối cao.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, mặc dù khối ngoại có xu hướng bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng trên thị trường trái phiếu thị họ vẫn đang mua ròng. Tính chung từ đầu năm tới nay, khối ngoại vẫn mua ròng khoảng 1.619 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.
Tuy vậy, chúng ta không thể chủ quan với diễn biến kinh tế, tiền tệ, thương mại như hiện nay. Tôi cho rằng, việc FED tăng lãi suất và căng thẳng thương mại leo thang là hai yếu tố rất quan trọng cần được theo dõi sát và có nhiều giải pháp để chủ động nắm bắt, cũng như ứng xử trong mọi trường hợp có thể xảy ra.
* PV: Ông có nói tới việc tiền vẫn ở lại và vốn ngoại đang chờ thời, vậy theo ông, vốn ngoại đang chờ gì ở Việt Nam?
– Ông Trần Văn Dũng: Như chúng ta đã thấy, trên thế giới, câu chuyện đã và đang được giới tới đầu tư đặc biệt quan tâm là việc FED đã và sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất USD. Sau FED thì nhiều ngân hàng trung ương, trong đó bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ điều chỉnh tăng theo. Do vậy, quy luật “lãi suất tăng, chứng khoán giảm” là khó tránh khỏi; bởi dòng tiền các quỹ có xu hướng rút về nhằm giảm chi phí vốn đầu tư ngắn hạn.
Tuy nhiên, ở mặt tích cực, theo dự báo của nhiều tổ chức uy tín và các chuyên gia, năm nay vẫn là một năm phát triển tốt của kinh tế toàn cầu. Riêng với Việt Nam, các tổ chức quốc tế lớn Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Thế giới đều đưa ra dự báo tích cực từ đầu năm và đã có điều chỉnh theo hướng tăng cao hơn trong thời gian gần đây.
Với TTCK Việt Nam, khi sự hội nhập và tính mở ở mức sâu hơn thì việc bị tác động bởi tình hình kinh tế và TTCK thế giới là không thể tránh khỏi.
Trên thực tế, từ tháng 1/2018, TTCK thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 1/2018 nhiều nước Châu Á có mức giảm từ 7 – 10%. Sự điều chỉnh này không quá bất ngờ và khởi nguồn từ thông tin FED tăng lãi suất.
Trong khi đó, TTCK Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài, nên nhiều nhà đầu tư có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm lãi suất USD tăng và TTCK thế giới điều chỉnh giảm, nên tác động cộng hưởng càng lớn.
Chúng tôi cho rằng, tác động từ quy quy luật “lãi suất tăng, chứng khoán giảm” tới xu hướng rút về của dòng vốn ngoại trên toàn cầu là khó tránh khỏi và Việt Nam ít hay nhiều cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tuy nhiên, nguyên tắc dòng tiền sẽ không bao giờ đứng yên, nếu có cũng chỉ có thể là tạm thời co cụm hoặc bảo toàn vốn để tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới hiệu quả hơn.
Do vậy, chúng tôi cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và tiềm năng để thu hút vốn ngoại; điều còn lại là làm thế nào để chúng ta phát huy được lợi thế so sánh đó. Quay trở lại với câu hỏi “NĐTNN nước đang chờ gì ở Việt Nam?” – rõ ràng là họ chờ đợi cơ hội đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn các thị trường khác.
Vì vậy, với một đất nước nhiều tiềm năng phát triển như Việt Nam (tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo đạt tối thiểu 6,5% trong giai đoạn 2018 2020; những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, quyết tâm thực hiện các đợt thoái vốn nhà nước, IPO doanh nghiệp nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, chất lượng…), chúng tôi vẫn đặt kỳ vọng lớn rằng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút mạnh dòng các dòng vốn tham gia, đặc biệt là dòng vốn ngoại.
Cùng với đó, thống kê cho thấy, 86% doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh quý I/2018 có lãi; trong khi định giá thị trường đã về mức hấp dẫn (P/E khoảng 17 lần, nếu không tính VHM khoảng 16,1 lần), thì đây là cơ hội cho đầu tư giá trị.
Nếu nhìn trên bình diện khách quan, Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước trong khu vực và các TTCK thế giới. Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đã, đang gia tăng và gần đây nhất, người Thái, Malaysia cũng đang đến Việt Nam.
Cũng cần phải khẳng định rằng, việc “đi hay ở” của dòng tiền ngoại hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của nhà đầu tư; nhưng việc có “giữ chân” được họ hay không thì phần nào phụ thuộc vào chúng ta.
Tôi cho rằng, bên cạnh các chính sách kinh tế hợp lý và ổn định của Chính phủ, chúng ta cần đưa thông tin đầy đủ và chính xác đối với các diễn biến của thị trường, về kinh tế vĩ mô, hiện trạng hoạt động của khu vực doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, để nhà đầu tư chủ động nắm bắt, tạo sự yên tâm tin tưởng trong các quyết định đầu tư tại Việt Nam.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Duy Thái – thoibaotaichinhvietnam.vn